Cổ Bi giữ gìn nét đẹp văn hóa truyền thống
Xã Cổ Bi (huyện Gia Lâm) nằm ven sông Đuống. Đây là vùng đất cổ có lịch sử hàng nghìn năm, gắn với thời Hai Bà Trưng dựng nước. Đặc biệt, 3 làng cổ là Vàng, Cam và Hội vẫn gìn giữ được những nét văn hóa truyền thống vô cùng đặc sắc.
Là người am hiểu về lịch sử, văn hóa của địa phương, ông Nguyễn Doãn Thâu, 80 tuổi, thôn Vàng, xã cổ Bi cho biết: Trong lịch sử, Cổ Bi từng là nơi đóng đại bản doanh của quân đội các triều đại: Hai Bà Trưng, nhà Tiền Lý, nhà Ngô, nhà Trần, nhà Lê. Đây là vùng đất chúa Trịnh Cương cho xây hành cung đặt tên là phủ Kim Thành, định cho dời đô về đây.
Trong lịch sử, Cổ Bi cũng rất nhiều lần thay đổi địa danh. Cổ Bi thời vua Hùng thuộc bộ Vũ Ninh. Đến thời Lý thuộc đất Long Biên, phủ Thuận Đức; thời Trần thuộc lộ Bắc Giang, phủ Thuận An, đạo Diên Bắc; thời Lê thuộc trấn Kinh Bắc; thời Nguyễn thuộc tỉnh Bắc Ninh. Từ năm 1961, Cổ Bi thuộc huyện Gia Lâm (Hà Nội).
Hiện nay, thôn Vàng, xã Cổ Bi vẫn còn lưu giữ ngôi đình cổ thờ Dương Võ đại vương - một vị thần tướng thời Hùng Vương đã hiển linh và phù trợ Hai Bà Trưng khi đại quân qua đây. Tòa đại đình 5 gian 2 dĩ, bảo lưu được nhiều cổ vật làm bằng chất liệu khác nhau. Năm 1995, đình và chùa thôn Vàng đã được Nhà nước xếp hạng là Di tích kiến trúc nghệ thuật quốc gia.
Theo ông Nguyễn Doãn Thâu, người dân thôn Vàng có truyền thống hát chèo và hát tuồng. Nay những người biết hát tuồng gần như không còn nhưng người biết hát chèo vẫn còn khá nhiều.
“Ở các đoàn nghệ thuật, nhà hát chèo, con cháu làng Vàng khá đông. Chính vì thế vào dịp hội làng (ngày 6-2 âm lịch), con cháu trong làng về tham gia biểu diễn, làng tôi không phải thuê văn nghệ bao giờ”, ông Nguyễn Doãn Thâu cho biết.
Giữ gìn nét văn hóa truyền thống, riêng nhà ông Thâu có thể thành lập được một đội chèo bởi cả 3 thế hệ trong gia đình đều thường xuyên tham gia môn nghệ thuật truyền thống này.
Ở làng Cam, xã Cổ Bi cũng có cụm di tích đình, chùa được công nhận là di tích lịch sử cấp quốc gia. Ông Lê Văn Gần, Ban Quản lý di tích đình, chùa làng cho biết: Làng có hơn 1.300 hộ dân, chia thành 2 thôn Cam 1 và Cam 2. Đến nay, người thôn Cam vẫn duy trì nhiều phong tục truyền thống, ví như tục “lên lão”. Dịp hội làng tháng 2 âm lịch hằng năm, đàn ông 52 tuổi sẽ được làm lễ lên lão. Trong năm đó, những người được “lên lão” sẽ phải đảm nhiệm một số việc của làng.
Nói về việc thau rửa giếng làng, ông Lê Xuân Nhi, Chủ tế của làng Cam cho biết: Trước cửa đình làng Cam có 1 giếng nước, tương truyền được đào từ thời làm đình cách đây hàng trăm năm. Giếng sâu khoảng 7 đến 8m, đáy giếng được đặt 1 phiến gỗ lim. Phía dưới được xếp 9 lượt cối đá, mỗi lượt cao 40cm; trên lớp cối đá là lớp gạch xây. Theo lý giải của ông Nhi, việc xếp các lượt cối đá có thể để tạo độ vững chãi cho giếng không bị sụt sạt. Còn phiến gỗ lim đặt dưới đáy có chọc lỗ để mạch nước đùn lên được trong.
Trước đây, khi chưa có nước sạch, dân làng Cam thường ra đình lấy nước về sinh hoạt. Những năm vào hợp tác xã, người làng đã lấp giếng cùng với sân đình để làm sân phơi hợp tác xã. Hiện nay, ý thức được việc gìn giữ, tôn tạo các công trình kiến trúc cổ, người dân đã cho khơi lại giếng cũ. Mỗi năm, nhân dân thôn Cam thau rửa giếng một lần vào dịp hội làng. Những người may mắn được tham gia việc thau rửa giếng, chính là những người được làm lễ “lên lão” năm đó. Nét văn hóa đẹp này vẫn được duy trì cho tới nay.
Bí thư Chi bộ thôn Cam Nguyễn Văn Giới cho biết: Giờ đây, đường giao thông ở thôn đều đã được trải nhựa hoặc thảm bê tông. Nhà cửa của các hộ gia đình trong thôn đều được xây dựng khang trang. Thôn Cam giờ cũng không có hộ nghèo.
Phó Chủ tịch UBND xã Cổ Bi Nguyễn Thị Hạnh cho biết: Cổ Bi có truyền thống văn hóa lâu đời. Từ đầu những năm 2010 đến nay, khi bắt tay vào xây dựng nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao và nông thôn mới kiểu mẫu, địa phương đã khơi dậy được rất nhiều nét văn hóa đặc sắc của mỗi ngôi làng. Hiện nay, thôn Hội đang tu bổ, tôn tạo di tích lịch sử đình làng. Tại các thôn Vàng và Cam, di tích lịch sử đã được tu bổ khang trang từ những năm trước. Người dân tích cực tham gia xây dựng gia đình, thôn, tổ dân phố văn hóa. Đặc biệt, thôn Hội đã xây dựng được mô hình thôn thông minh...
Trên hành trình trở thành phường trong thời gian tới, người Cổ Bi vẫn chú trọng bảo tồn và gìn giữ những nét văn hóa đặc sắc cha ông để lại.
Nguồn Hà Nội Mới: https://hanoimoi.vn/co-bi-giu-gin-net-dep-van-hoa-truyen-thong-638580.html