Có bị xử phạt lỗi không chính chủ khi mượn xe của người khác đi trên đường?
Luật sư Quách Thành Lực cho rằng, theo quy định hiện hành, mượn xe của người khác để đi lại sẽ không bị xử phạt lỗi không chính chủ.
Bạn đọc Nguyễn Văn Long (quận Nam Từ Liêm, TP Hà Nội) hỏi, tôi có người thân trong họ ở cùng tòa nhà, thỉnh thoảng tôi có mượn xe ô tô của người này đi lại.
"Vậy xin hỏi tôi mượn xe của người thân đi lại như vậy thì có bị xử phạt lỗi không chính chủ hay không, nếu bị phạt thì mức xử phạt là bao nhiêu tiền?", anh Long đặt câu hỏi.
Lỗi xe không chính chủ là cách gọi thông thường của lỗi không làm thủ tục đăng ký sang tên xe (để chuyển tên chủ xe trong giấy đăng ký xe sang tên của mình) theo quy định khi mua, được cho, được tặng, được phân bổ, được điều chuyển, được thừa kế tài sản là xe mô tô, xe gắn máy, các loại xe tương tự xe mô tô.
Như vậy, chỉ những trường hợp mua xe, được cho xe, được tặng xe… nêu trên mà không làm thủ tục sang tên theo quy định mới bị xử phạt lỗi xe không chính chủ. Còn việc mượn xe của người thân, bạn bè lưu thông trên đường thì sẽ không bị CSGT xử phạt về lỗi xe không chính chủ.
Ngoài ra, tại khoản 10 Điều 80 Nghị định 100/2019/NĐ-CP có quy định: Việc xác minh để phát hiện lỗi xe không chính chủ chỉ được thực hiện thông qua công tác điều tra, giải quyết vụ tai nạn giao thông hoặc qua công tác đăng ký xe. Như vậy, khi lưu thông trên đường thì CSGT sẽ không kiểm tra lỗi xe không chính chủ.
Trả lời nội dung này, luật sư Quách Thành Lực, Giám đốc Công ty Luật Pháp Trị (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) cho biết, hiện nay, chưa có một quy định nào nêu ra khái niệm thế nào là xe không chính chủ.
Tuy nhiên, hiểu một cách đúng luật là căn cứ tại điểm a khoản 4; điểm l khoản 7 Điều 30 Nghị định 100/2019/NĐ-CP thì lỗi "không chính chủ" chính là việc chủ xe không làm thủ tục đăng ký sang tên tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền khi được mua; được cho hay được tặng.
"Như vậy, với hành vi không làm thủ tục đăng ký xe để chuyển tên chủ xe trong giấy đăng ký xe khi mua, được cho, được tặng, được phân bổ, được điều chuyển, được thừa kế thì đây là một hành vi vi phạm", luật sư Quách Thành Lực nói.
Ông Lực cho biết, theo Nghị định 100/2019/NĐ-CP; hành vi không làm thủ tục đăng ký sang tên xe có mức phạt khác nhau.
Đối với hành vi không làm thủ tục đăng ký sang tên xe máy, cá nhân vi phạm sẽ bị phạt từ 400-600 nghìn đồng; Đối với tổ chức vi phạm sẽ bị phạt tiền từ 800 nghìn đồng đến 1,2 triệu đồng.
Đối với hành vi không làm thủ tục đăng ký sang tên ô tô, cá nhân vi phạm sẽ bị phạt từ 2-4 triệu đồng; Đối với tổ chức vi phạm sẽ bị phạt từ 4-8 triệu đồng.
Về trường hợp của anh Long ở trên mượn xe của người thân để đi lại, luật sư Quách Thành Lực cho biết sẽ không bị xử phạt.
"Không có quy định nào xử phạt người đi mượn xe, chính vì thế con mượn xe của bố, vợ mượn xe của chồng, người thân mượn xe của nhau để đi lại sẽ không bị xử phạt", luật sư Lực nói.
Tuy nhiên, luật sư Quách Thành Lực cũng cho biết, khi cho mượn xe (ô tô, xe máy…) thì chủ xe cũng cần phải xem xét người mượn có giấy phép lái xe phù hợp với chiếc xe mượn hay không và đã sử dụng rượu bia, ma túy... hay không.
"Bởi nếu giao xe máy, ô tô cho người không có giấy phép lái xe, trong tình trạng say rượu, bia, ma túy thì chủ xe có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự nếu người mượn xe gây tai nạn nghiêm trọng", luật sư Lực nói.