Có biện pháp cứng rắn đối với các hành vị làm ô nhiễm nguồn nước
Ngày 31-5, Ủy ban Kinh tế Quốc hội đã trình bày báo cáo tổng hợp ý kiến của các đại biểu Quốc hội về Dự án Luật tài nguyên nước (sửa đổi) trình Quốc hội cho ý kiến. Các đại biểu đã tập trung thảo luận về việc cần bổ sung quy định xác định bảo vệ an ninh nguồn nước, nước sông, nước ngầm… Xử lý nghiêm tình trạng doanh nghiệp gây ô nhiễm môi trường nước, đồng thời, phát huy sự giám sát của nhân dân.
Nhiều đại biểu thống nhất cao trong việc điều chỉnh các quy định về các hành vi nghiêm cấp như: cấm xả nước thải các loại, khí thải độc trực tiếp hay gián tiếp vào không khí làm ô nhiễm nguồn nước trong khu vực lấy nước cung cấp cho sinh hoạt...
Đại biểu Nguyễn Thanh Thảo (Đồng Tháp) cho rằng: Hiện nay, hầu hết nước thải sinh hoạt đều xả thẳng ra kênh rạch, cống xả mà không qua xử lý. Trong khi đó, hóa đơn tiền nước của người dân có trích 5% cho xử lý nước thải. Vì vậy, bên cạnh các quy định trong điều luật này, Nhà nước cần đầu tư hệ thống xử lý nước thải sinh hoạt, đặc biệt là ở các thành phố lớn.
Theo một số đại biểu, hiện nay, trên các sông suối ở miền núi, vùng sâu, nhất là các địa phương thuộc lưu vực sông Đà, tình trang khai thác vàng đang diễn ra khá phổ biến, trong khi chất thải khi tách chiết vàng là thủy ngân... không hề được xử lý mà được xả thẳng xuống dòng sông, gây nguy hại đến môi trường nước, ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe. Đây là nguyên nhân gây ra ung thư và suy giảm chức năng của nhiều cơ quan khác trong cơ thể. Vì vậy, Luật nên quy định những biện pháp can thiệp cứng rắn, kịp thời chấn chỉnh tình trạng này.
Đại biểu Lê Minh Hiền (Khánh Hòa) nhấn mạnh: Đối với những dự án khai thác khoáng sản trên các sông suối, hồ chứa, có tác động đến cộng đồng dân cư, nên lấy ý kiến của đại diện cộng đồng dân cư có ảnh hưởng của dự án. Đặc biệt, việc điều chỉnh, bổ sung luật phải thỏa mãn các mục tiêu bảo vệ tài nguyên nước, giải quyết được vấn đề ô nhiễm môi trường nguồn nước, tránh tình trạng trùng lắp, đùn đẩy trách nhiệm trong thực hiện quản lý nguồn tài nguyên nước.
Theo đại biểu Trương Văn Vở (Đồng Nai), cần quan tâm đến nội dung khuyến khích tiết kiệm nước, tái sử dụng nước; bổ sung quy định xác định bảo vệ an ninh nguồn nước, nước sông, nước ngầm; phân vùng bảo hộ lưu vực sông giữa các tỉnh, tránh những tranh chấp; quy định trách nhiệm cấp Bộ, cấp tỉnh giữa lưu vực sông liên tục; quy định về kiểm tra nguồn tài nguyên nước để nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước về nguồn tài nguyên này.
Nhóm PV