Cọ cá xanh nơi thượng nguồn Đại Giang
Đánh bắt cá là một nghề sinh sống nhiều vất vả nhưng cũng đầy thú vui của người ở vùng đầm phá, sông nước... Đánh bắt cá có rất nhiều cách như câu, thả lưới, vá chài, cất vó, đơm đó, dủi, nò, sáo, lỗ sập, tát bè, tát cạn…. Hiểu rộng ra, người xứ biển có cách đánh bắt của người xứ biển như đánh khơi xa vài chục sải nước, đánh lộng sát ven bờ; người xứ đồng có cách đánh bắt cá ở ruộng sâu, đầm đìa. Người miệt sông có cách đánh bắt cá miệt sông. Mỗi cách đánh bắt phù hợp với cách săn mồi của mỗi loại cá mà qua thời gian trải nghiệm các ngư phủ đã đúc kết nên mà truyền lại cho các thế hệ sau.
Chẳng hạn như, khi buông câu có loại cá ăn chìm như cá thơn bơn, cá bống…, có loại cá ăn nổi như cá mương, cá mại, cá rô phi… ở nước ngọt; có cá rựa, cá ngừ, cá phướn… ở biển; có loại cá ăn bằng cách rình mồi như cá đô (cá quả) ở đồng; cá lấu, cá bọp ở sông, suối; có loại cá ăn đôi, ăn ba như cá trồi, cá anh vũ; có loại cá đi ăn đàn hàng nghìn, hàng vạn con như cá ngát, cá mương, cá rìa, cá trích… Thậm chí, có loại cá bắt mồi tĩnh, bắt mồi động; bắt mồi theo con nước lên nước rặc, hoặc theo thời tiết thay đổi như nắng chuyển mưa, mưa chuyển gió Nam hay gió nồm. Bởi thế, tục ngữ có câu đúc kết nghề câu cá thật là thú vị: “Nhất cá ăn câu, nhì trâu bạng chắc”.
Người làm nghề nhờ dõi được sinh hoạt riêng của từng họ nhà cá nên mới biết mua sắm các ngư cụ cho thích hợp với từng loại. Chẳng hạn, khi cần thả câu câu cá bống thì phải đợi khi con nước sông, nước suối trong. Mắt ngư phủ phải phát hiện được con cá đang lội tìm mồi để thả câu đến trước miệng cá, thấy cá đớp giật cần lên thế là được cá ngay.
Hoặc khi câu cá đô, người cầm câu phải biết chọn địa hình để đứng vất câu, quấn ống kéo mồi, khi cuốn ống mồi sẽ tạo ra tiếng động bì bõm. Cá đô rình mồi, khi gặp thuận lợi là đớp câu ngay, người cầm câu chỉ cần giật nhẹ cá mắc lưỡi vào mép, thế là tay quấn nhanh ống thu cá về.
Người câu cá trồi thì chờ cá đớp mồi, cá nuốt lưỡi câu vào bụng, giật câu, cá bị đau, hốt hoảng tung chạy vẫy vùng bạt mạng, người cầm câu phải thả hết ống câu cho khi nào con cá chạy đuối sức mới dong cần cuốn ống câu kéo cá về. Cá trồi khỏe nên khi vào gần bờ rồi lại thả sức chạy tiếp, ống câu lại thả ra, co kéo vài chục lần con cá mới chịu đuối sức để ngư phủ kéo lên bờ. Cá trồi to, nặng vài chục kg nên người câu không cẩn thận rất dễ bị sổng mất. Cho nên khi kéo cá trồi đến gần bờ, cần chắc chắn hơn thì người ta còn dùng ngọn lao ba chĩa phóng mạnh vào thân cá. Khi bị lao, cá mau đuối sức, dùng dây thừng thắt lấy eo đuôi cá, kéo cá lên bờ mới ăn chắc.
Riêng người dân sống ở miền thượng nguồn Đại Giang (sông Long Đại) lại có sinh hoạt của nghề đánh bắt vô cùng thú vị. Đó là bạn câu cùng rủ nhau đi cọ cá xanh ở thác nước. Loại cá xanh có đặc tính cá biệt là chỉ sinh hoạt kiếm mồi trên thác nước, khác hẳn với các loại cá khác. Bởi vậy nghề cọ cá xanh cũng thật công phu nhưng lại đầy sức hấp dẫn và cũng tạo nên sự say sưa độc đáo cho người tham gia. Ai đã từng cầm cần cọ cá mới hiểu hết các công đoạn của công việc đánh bắt này.
Trước hết, ta hãy tìm hiểu đôi nét về con cá xanh. Cá xanh tức là loại cá ngon đặc biệt nhất của vùng thượng nguồn Đại Giang. Cá chỉ xuất hiện từ thác Tam Lu trở ngược lên thượng nguồn. Thân cá xanh thường dài chừng hai gang tay, bề ngang rộng nửa gang tay, dải kỳ lưng xanh biếc từ đầu đến đuôi bởi quen sống ở môi trường nước trong nên dải kỳ lưng xanh ngời ấy cho cá dễ lẫn vào sóng cuộn giữa dòng thác, tránh được sự rình mò các loại ác ngư. Mùa xuân, cá xanh chuyên săn mồi giữa thác nước, mồi ăn là rong đá và những con bọ sống nấp trong các kẽ đá. Từ cách sinh hoạt săn mồi độc đáo ấy nên cá xanh là loại cá sạch. Và cũng căn cứ vào cái màu sắc kỳ xanh ấy mà cá có tên gọi quen thuộc của ngư phủ đi đánh bắt ở thượng nguồn nơi đây: Cá xanh.
Những người đi tung chài đầu thác và cuối chân thác thường đánh bắt được cá xanh. Tuy nhiên, do mặt đá mấp mô nên cá xanh rất dễ lách tránh ra khỏi lưới khi ngư phủ tung lưới, thu lưới về. Cũng bởi vậy, cá xanh là loại cá khó đánh bắt bằng lưới. Cũng từ đó, người thượng nguồn Đại Giang đã tìm ra cách đánh bắt loại cá này bằng hình thức “cọ”. Vậy cọ là thế nào chúng ta cũng nên biết qua...
Thường khi ít mưa, nước lặng, thượng nguồn Đại Giang luôn trong xanh, mực nước ở thác cạn, tiếng thác rền rĩ như tiếng đàn trầm bổng nghe rất êm tai. Cá xanh cứ thế theo đàn kéo nhau lượn ngược dòng thác tìm mồi. Người đi cọ cá xanh, vác câu lội lên phía đầu thác, chọn chỗ đứng giữ thế tốt, để nước xiết, đá lòng thác rong bám trơn, vô ý bị trượt không dễ kéo trôi. Khi chọn chỗ đứng vững rồi, ngư phủ mới móc mồi vào lưỡi câu, rồi thả cần câu cho mồi câu xuôi theo dòng thác chảy. Tùy độ dài ngắn của thác để thả dây câu vừa lưng chừng thác là được. Nếu người đi câu cá đô ở ruộng luôn dong cần lên cao giữa khoảng không và tay luôn luôn quấn ống dây cước để cá rình đớp mồi, thì cọ cá xanh lại thả cần câu ngâm ngầm trong dòng thác và dùng tay cầm cần câu liên tục kéo đẩy, kéo đẩy, để con mồi cứ thế động đậy giữa dòng thác, "nhử" cho con cá xanh lách đến đớp mồi, thế là cá mắc câu.
Khi cá đớp mồi, tiếng động truyền qua tay, tay giật giật mạnh và phải kịp nâng nhanh cần câu cao lên, giữ dây câu thật căng rồi quấn ống thu cước, không cho cá quẫy mạnh, thế mới bắt chắc được cá. Cách kéo đẩy cần câu liên tục trong lòng thác, trên mặt đá ngầm như vậy được gọi là "cọ". Người cọ cá chọn thế đứng cũng rất cần thiết, bởi đá đầu thác thường có rong mọc bám vào nên rất trơn. Nhỡ không đứng vững khi cá bắt mồi quẫy mạnh, người cầm cần có thể bị thất thế, sẩy chân là bị dòng thác cuốn trôi, mất luôn cả cá câu được.
Cá xanh là loại cá ngon nhưng không dễ bắt được. Thịt cá ăn vào có hương vị đặc biệt khó có loại cá nào sánh qua. Cọ cá xanh không năng suất như đánh bắt các loại cá khác, nhưng lại là một hình thức sinh hoạt đầy thú vui. Nó như là một hoạt động văn hóa độc đáo của vùng sông nước thượng nguồn Đại Giang, bởi thế, cứ khi mùa nước sông trong vắt là nhiều tốp bạn bè rũ nhau đi cọ cá xanh ở các thác nước. Mỗi buổi cọ cá xanh có ít may mắn thì cũng được một vài kg, để rồi bên nhau nhóm lửa rừng cùng chơi và nướng cá tươi, chấm muối ớt rừng, thưởng thức đầy thú vui.
Cách ăn cá xanh ngon nhất là nướng. Khi cọ được cá không cần móc hết ruột vì cá ăn rêu đá nên tinh sạch. Ta dùng que gỗ to bằng ngón chân cái chẻ đôi kẹp dọc lấy thân con cá rồi đặt dàn gỗ đã bắc sẵn cao chừng một nửa mét, cho đốt lửa thật hàng, có thể bếp lửa có ngọn. Cá được lửa hấp nóng chín dần, nhớ luôn trở đều đến khi vảy cá có màu vàng như màu hổ phách là đẹp. Cá chín bẻ ra thịt trắng như màu men sứ, khi ăn chấm vào muối sống đâm trộn ớt tiêu rừng sền sệt nước, vừa mặn vừa ngọt hòa tan vào trong miệng là khoái khẩu nhất. Cũng có thể trước khi nướng dùng một que lồ ô vót một đầu nhọn cho xuyên dọc giữa thân cá cũng giữ được thân cá an toàn, khi ăn bẻ cá không bị nát. Lương thực để ăn kèm với cá xanh nướng thường là bánh bột ngô hông mới đúng khẩu vị. Khi cọ được nhiều cá không ăn tươi hết thì sau khi nướng xong cho vào nồi kho. Vì cá đã nướng nên không kho khô mà kho có nước lắp xắp. Lấy nước kho chấm với bánh ướt hoặc chan vào bát cơm ăn thì càng tuyệt. Nói như dân gian là “ăn không biết no” hay là “có cá vạ cơm” vậy.
Cọ cá xanh với người dân ở thượng nguồn Đại Giang vào mùa nước sông trong đã xuất hiện từ lâu đời. Bây giờ, cá xanh ngày càng ít đi do nhiều người vô ý thức đánh mìn, thả thuốc bừa bãi có tính hủy diệt. Tuy nhiên, ở thượng nguồn Đại Giang, cá xanh có thể xem là loại cá đặc sản cần được bảo vệ giữ gìn. Khách du lịch khi đến với đường Hồ Chí Minh tham quan cũng có thể cùng người ở thượng nguồn tắm thác và thử tay cầm cần cọ cá xanh, cũng là thú vui và hấp dẫn. Người thượng nguồn Đại Giang cho đến nay vẫn ý thức sâu sắc một hoạt động phục vụ cuộc sống bằng cách đánh bắt cá cổ truyền và giữ nguyên giá trị độc đáo của nét sinh hoạt văn hóa sông nước mà ít nơi nào có được.