Có cần người khác 'sống thử'?
Vài ngày qua, các tài khoản sở hữu nhiều lượt theo dõi trên nền tảng mạng xã hội, liên tục đấu tố nhau qua các video giới thiệu quán ăn không chân thật.
Khác với thế hệ trước đây, công dân số, hay người trẻ gen Y, gen Z có đủ cách tham khảo trước khi quyết định mua một món hàng, hay đến một quán ăn nào đó. Có hàng triệu tài khoản từ các nền tảng mạng xã hội như YouTube, TikTok, Facebook… liên tục đưa ra những video, hình ảnh, bài viết giới thiệu từ quán ăn, cửa hàng thời trang bình dân đến những thương hiệu nước hoa, mỹ phẩm, hay điểm du lịch nghỉ dưỡng cao cấp.
Vài ngày qua, các tài khoản sở hữu nhiều lượt theo dõi trên nền tảng mạng xã hội, liên tục đấu tố nhau qua các video giới thiệu quán ăn không chân thật. Hàng loạt các tài khoản trên nền tảng YouTube, TikTok sau khi có được lượt theo dõi nhất định từ người dùng bằng những video giới thiệu mỹ phẩm, trang điểm, bắt đầu lấn sang chuyện giới thiệu đồ ăn. Có thể nói, giới thiệu quán ăn, điểm du lịch là nội dung dễ thu hút người xem trên các nền tảng trực tuyến hiện nay, dù là bài bản hay qua loa đều có một lượt xem từ vài ngàn đến vài chục ngàn, chưa đầy 2 ngày đăng tải.
Kiếm tiền từ mạng xã hội, cách tính chung chính là lượt theo dõi và lượt xem từ người dùng. Như nguyên tắc có cầu ắt có cung, còn người xem thì còn người làm video giới thiệu. Trước khi ăn gì, mua gì, không ít bạn trẻ có thói quen lướt tới lướt lui các trang giới thiệu và cuối cùng quyết định dựa trên những video triệu lượt xem, tài khoản triệu người theo dõi. Liệu chúng ta có cần người khác “sống thử” quá nhiều như vậy?
Một lần ghé quán ăn chưa ngon lắm, hay mua phải món hàng chưa ưng ý… trong cuộc sống 4.0, không thiếu hình thức để khách hàng góp ý với cửa hàng, quán ăn, từ trực tiếp đến gián tiếp. Đó chính là cái tâm của người sử dụng sản phẩm văn minh. Người trẻ có cần thiết phải trải nghiệm cuộc sống dựa trên những video giới thiệu của người khác, mà đôi khi mang đầy tính chủ quan?
Và người sáng tạo nội dung trên mạng xã hội, dù sở hữu hàng trăm ngàn hay triệu lượt theo dõi, cũng không có nghĩa được phép tự cho mình cái quyền phán xét người khác. Sau những video vì mục đích đấu tố cá nhân, nhằm dồn người khác vào đường cùng khi giới thiệu không chân thực về chất lượng sản phẩm của các YouTuber; hàng loạt quán ăn đã dán hình “miễn tiếp” các YouTuber như V.H.L., C.G.C.R, N.N…
Mạng xã hội tốt hay xấu phụ thuộc vào cách chúng ta sử dụng và ứng xử khi cách nhau một màn hình, đừng để thế giới ảo nhưng tổn thương là có thật. Và người trẻ cần trải nghiệm thực tế, tự rút cho mình kinh nghiệm, bài học để trưởng thành chứ không phải sống một cuộc đời chờ người khác “sống thử” qua các video.
Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn//co-can-nguoi-khac-song-thu-833458.html