Có cần theo nguyên tác?
Thời gian qua xuất hiện một số phim được sản xuất 'lấy cảm hứng' từ các tác phẩm văn học, từ nhân vật trong văn hóa dân gian, lịch sử…
Những phim này có thuận lợi là luôn tạo được sự chú ý từ chính sự nổi tiếng của tác phẩm, nhân vật. Tuy nhiên, nó cũng là trở ngại bởi khán giả khi xem thường so sánh với nguyên tác và cho rằng phim hiện đại quá, không cảm được…
Chẳng hạn như bộ phim “Cậu Vàng” lấy cảm hứng từ một số truyện ngắn của nhà văn Nam Cao. Nhiều phân đoạn trong phim gây tranh cãi, bởi sự phóng tác đã đi quá trớn, không truyền tải được hồn cốt của tác phẩm. Đồng thời, yếu tố hiện thực xã hội là nội dung được đánh giá cao trong những tác phẩm của nhà văn Nam Cao thì gần như bị bỏ qua hoàn toàn trong bộ phim này. Khi nhà làm phim đi xa khỏi không gian và thời gian của tác phẩm văn học thì người xem khó lòng mà biết tại sao lão Hạc phải khốn khổ, hay xuất thân của Binh Tư…
Trước đó, một số phim được sản xuất theo khuynh hướng “lấy cảm hứng”, như Lục Vân Tiên: Tuyệt đỉnh kungfu (2017), Cuộc chiến với chằn tinh, Trạng Quỳnh… với một số cải biên, sáng tạo được cho là quá đà. Chẳng hạn như, cảnh Lục Vân Tiên xuống trần để đi tìm Nguyệt Nga; thời điểm này Nguyệt Nga ở hạ giới, đang làm chủ một kỹ viện, để tìm hiểu những nhân vật trong một đường dây buôn người hòng giúp các cô gái trốn khỏi nơi lầu xanh...
Gần đây nhất là hai bộ phim đều có chung góc xuất phát điểm là “lấy cảm hứng” từ Truyện Kiều, đồng thời đều hướng đến kỷ niệm 200 năm ngày sinh của đại thi hào Nguyễn Du. Trong đó, phim Kiều do Mai Thu Huyền làm đạo diễn, dự kiến khởi chiếu vào dịp 8/3 tới. Tuy nhiên, khi vừa hé lộ những hình ảnh đầu tiên, Kiều đã vấp phải không ít tranh cãi. Cảnh đầu của teaser hiện lên tấm biển có dòng chữ “Lạc Uyển Lâu” đã bị phản ứng dữ dội. Khán giả cho rằng, việc sử dụng chữ quốc ngữ là không phù hợp với thời gian và bối cảnh của Truyện Kiều.
Phim Kiều @ được giới thiệu là tác phẩm one-shot đầu tiên của điện ảnh Việt Nam do đạo diễn Đỗ Thành An thực hiện, vừa ra mắt hôm 26/2. Phim quy tụ các diễn viên Phan Thị Mơ, Cao Thái Hà, Trần Trung, Minh Khải, Mạnh Lân… Mặc dù dán nhãn C18 (không dành cho khán giả dưới 18 tuổi), Kiều @ cũng nhận những ý kiến khen chê trái chiều ở khâu kịch bản, diễn xuất và kỹ thuật.
Tuy nội dung phim được giới thiệu là lấy cảm hứng từ Truyện Kiều của đại thi hào Nguyễn Du, thế nhưng, ngoài phân đoạn mở đầu gợi nhớ truyện thơ, người xem khó tìm thấy sự liên hệ giữa hai tác phẩm. Đồng thời, nhiều ý kiến cho rằng một phần nội dung Kiều @ tương đối giống Nửa đời hương phấn - vở cải lương bi kịch của hai tác giả Hà Triều, Hoa Phượng. Cũng có thông tin trước đây đạo diễn Võ Thành An dự kiến chuyển thể vở cải lương Nửa đời hương phấn thành phim. Đây cũng có thể là nguyên nhân khiến Kiều @ có sự pha trộn giữa 2 tác phẩm Nửa đời hương phấn và Truyện Kiều?
Nhiều ý kiến cho rằng dùng cụm từ “lấy cảm hứng” là phương án an toàn để nhà làm phim tự do đưa vào những sáng tạo riêng, nhằm làm mới, tăng sức hấp dẫn cho câu chuyện, nhân vật. Tuy nhiên với những tác phẩm văn học hay hình tượng nhân vật có sức sống, tồn tại hằng trăm năm thì sự thêu dệt, thêm thắt, phóng tác… đều dễ bị người xem soi mói khắt khe. Phim “lấy cảm hứng” có cần theo nguyên tác hay không tùy thuộc vào tài năng của đạo diễn. Còn chuyện khen hay chê là quyền của khán giả.
Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/suy-ngam/co-can-theo-nguyen-tac-DQp2OgUGg.html