Có cần thiết cho trẻ học chữ trước lớp 1?
Năm học 2020-2021 là năm học đầu tiên áp dụng chương trình, sách giáo khoa (SGK) mới đối với học sinh lớp 1. Mặc dù vậy, nhiều phụ huynh vẫn cho con đi học chữ để đảm bảo trẻ “đọc thông, viết thạo" trước khi vào lớp 1. Điều này có thực sự cần thiết?
* “Đến hẹn lại lên”
Sau khi nghỉ học do dịch Covid-19, Trường mầm non Hoa Sen (TP.Biên Hòa) chỉ còn 130/151 trẻ lớp lá đi học. Trong đó, một vài trường hợp trẻ về quê ở với ông bà hoặc chuyển nơi ở mới, số còn lại không nêu rõ nguyên nhân. Tuy nhiên, theo kinh nghiệm nhiều năm, các giáo viên ở đây đều cho rằng những học sinh này nghỉ học ở trường mầm non để tập trung cho việc học chữ trước khi vào lớp 1.
Theo ông Nguyễn Minh Kiếm, Phó trưởng phòng Nghiệp vụ 1 (Sở GD-ĐT): “Hiện nay, các trường học ở Đồng Nai đã chọn xong SGK. Trên cơ sở sĩ số học sinh của năm học vừa qua, chúng tôi đã dự kiến số lượng sách cho NXB in sách. Ngoài ra, các trường cũng sẽ đăng ký số lượng trực tiếp với Công ty Sách và thiết bị trường học. Chậm nhất đến ngày 15-8, SGK sẽ in kịp để tới tận tay phụ huynh, học sinh”.
“Năm học nào cũng vậy, cứ qua Tết là trường lại bị giảm sĩ số học sinh lớp lá. Các con được cha mẹ cho đi học chữ trước khi vào lớp 1”- cô Trần Thị Hạnh, Phó hiệu trưởng nhà trường cho biết.
Khác với Trường mầm non Hoa Sen, Trường mầm non Trảng Dài không bị giảm sĩ số học sinh lớp lá. Nhưng theo cô Tăng Thị Lan, Phó hiệu trưởng nhà trường, điều này không có nghĩa là phụ huynh không cho con đi học chữ. Họ chọn giải pháp cho con đến các trung tâm luyện chữ hoặc học thêm ở nhà giáo viên sau khi tan học ở trường.
Nếu chỉ dừng lại ở việc học, nhận biết 29 chữ cái tiếng Việt thì chuyện đi học chữ của trẻ mẫu giáo 5-6 tuổi sẽ không có nhiều điều đáng bàn, bởi lẽ, làm quen với chữ cái là một trong những nội dung học tập ở trường mầm non theo chương trình của Bộ GD-ĐT. Tuy nhiên, việc học chữ trước khi vào lớp 1 này lại đi xa hơn: dạy bé ghép vần, đọc bài, luyện viết vào vở ô li; thậm chí với môn Toán, trẻ còn được học cộng trừ có nhớ trong phạm vi 100… Điều này là hoàn toàn trái với tinh thần chỉ đạo của Bộ GD-ĐT. Dù vậy, cứ “đến hẹn lại lên”, năm nào phụ huynh có con sắp vào lớp 1 cũng “đua” nhau tìm chỗ cho con học trước chương trình.
* Học ở trường mầm non là đủ
Theo chương trình của Bộ GD-ĐT, ở bậc học mầm non, trẻ đã được làm quen với chữ cái và phép toán trong phạm vi 10. Theo đó, trẻ sẽ được học chữ cái thông qua các hoạt động như: tập đồ, sao chép, nhận diện chữ cái… Đối với môn Toán, các bé sẽ được làm quen với phép tính cộng trừ trong phạm vi 10 dưới dạng câu hỏi “thêm, bớt”… Đây là nền tảng cho bé học theo kịp chương trình ở lớp 1.
Nếu giáo viên ở mầm non đảm bảo dạy đúng chương trình của Bộ GD-ĐT và giáo viên bậc tiểu học không dạy “lướt” thì các bé hoàn toàn có thể bắt nhịp được với chương trình mới mà không gặp khó khăn.
Riêng năm học này, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên thời gian năm học buộc phải rút ngắn lại. Tuy nhiên, Bộ GD-ĐT cũng đã có công văn hướng dẫn công tác tổ chức chăm sóc, giáo dục trẻ em mầm non, đáp ứng yêu cầu chương trình giáo dục trong bối cảnh phòng, chống dịch Covid-19.
Theo đó, đối với trẻ mẫu giáo 5-6 tuổi, trên cơ sở hướng dẫn của Bộ GD-ĐT tại tài liệu Hướng dẫn giáo viên mầm non chuẩn bị cho trẻ em 5 tuổi sẵn sàng vào học lớp 1, cơ sở giáo dục mầm non thống nhất, hướng dẫn giáo viên lựa chọn những nội dung giáo dục cốt lõi, cần thiết, ưu tiên tổ chức các hoạt động giáo dục giúp trẻ em đạt những kiến thức, kỹ năng cần thiết, chuẩn bị cho trẻ em có tâm thế tốt để vào học lớp 1.
Để thực hiện tốt điều này, các trường mầm non chủ động tạo môi trường chữ, môi trường số trong và ngoài lớp học cho trẻ tiếp xúc, làm quen. Chẳng hạn, trong lớp học, ngoài giờ tập tô chữ cái, trẻ còn được chơi trò nhận diện - nối chữ trong giờ hoạt động tự do. Tranh ảnh, trang trí ở trong và ngoài lớp học đều có chữ cái để trẻ tiếp cận, học mọi lúc, mọi nơi.
Ông Nguyễn Minh Kiếm, Phó trưởng phòng Nghiệp vụ 1 (Sở GD-ĐT) cho rằng, học sinh không cần phải học trước chương trình lớp 1. Vì nếu được học trước thì khi vào học chính thức trẻ sẽ có tâm lý chủ quan, không chịu suy nghĩ, không còn ham học. Đồng thời, bài học sẽ trở nên nhàm chán đối với trẻ, khiến trẻ không còn hứng thú với việc học.
“Chương trình mới được thiết kế theo hướng phát triển năng lực, phẩm chất của trẻ. Do vậy, sự hứng thú trong học tập là rất quan trọng”- ông Kiếm cho hay.
Việc học chữ trước khi vào lớp 1 ban đầu có thể mang đến thuận lợi cho cả giáo viên, phụ huynh lẫn học sinh (giáo viên, phụ huynh không phải vất vả, học sinh học nhẹ nhàng hơn…) nhưng về lâu dài sẽ tác động xấu đến ý thức học tập của trẻ. Việc trẻ được dạy đọc, viết trước cũng sẽ khiến cho trẻ có tâm lý chủ quan, giảm hứng thú tiếp cận bài học khi chính thức bước vào năm học mới.