Cơ cấu lại các ngành công nghiệp theo hướng hiện đại
Những năm qua, tỉnh Sơn La đã đẩy mạnh thu hút đầu tư, khuyến khích, hỗ trợ các doanh nghiệp khai thác tiềm năng, lợi thế của địa phương, đẩy mạnh phát triển công nghiệp theo hướng hiện đại, nâng cao chất lượng giá trị sản phẩm gắn với mở rộng thị trường xuất khẩu, góp phần quan trọng vào tăng trưởng kinh tế, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động, tạo động lực phát triển nông nghiệp hàng hóa, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.
Khuyến khích đầu tư lĩnh vực công nghiệp
Nhìn lại 5 năm qua, tỉnh ta đã tổ chức nhiều hoạt động quảng bá, nhiều hội nghị xúc tiến đầu tư. Các đồng chí lãnh đạo tỉnh đã trực tiếp đi nhiều nơi, “gõ cửa” nhiều tập đoàn, doanh nghiệp lớn để mời gọi đầu tư trên mảnh đất Sơn La giàu tiềm năng. Đồng thời, đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư và có những cơ chế, chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp đến đầu tư sản xuất, kinh doanh. Công tác quy hoạch, tạo mặt bằng bàn giao “đất sạch” và đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng cũng được tỉnh quan tâm đầu tư tạo điều kiện thuận để các doanh nghiệp triển khai nhanh tiến độ dự án và sớm đi vào hoạt động.
Theo bà Phạm Thị Doan, Giám đốc Sở Công Thương, giai đoạn 2015 - 2020, Sở Công Thương đã tham mưu cho UBND tỉnh ban hành hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành một số cơ chế, chính sách để phát triển công nghiệp trên địa bàn, như: Nghị quyết 23/2016/NQ-HĐND ngày 14/12/2016 của HĐND tỉnh về chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp sản xuất may công nghiệp, giày da trên địa bàn tỉnh; Quyết định số 38/2018/QĐ-UBND ngày 02/11/2018 của UBND tỉnh ban hành Quy chế quản lý kinh phí và mức chi cho các hoạt động khuyến công trên địa bàn tỉnh Sơn La...
Sơn La đã thực sự trải thảm, tạo sự thông thoáng, dọn đường cho các nhà đầu tư. “Đất lành chim đậu”, ngày càng có nhiều doanh nghiệp lớn đến khảo sát, đầu tư ở Sơn La. Chỉ riêng tại khu công nghiệp Mai Sơn có quy mô 150 ha đã cấp giấy chứng nhận đầu tư cho 10 dự án, với tổng mức vốn đăng ký 826 tỷ đồng. Nổi bật nhất là ngành công nghiệp chế biến có sự gia tăng khá nhanh về quy mô, số lượng. Bên cạnh duy trì ổn định sản xuất, kinh doanh của các cơ sở chế biến đã có (trên 20 cơ sở chế biến chè, 1 nhà máy đường, nhà máy tinh bột sắn; 7 cơ sở sản xuất cà phê nhân), giai đoạn 2016-2020, tỉnh ta đã thu hút đầu tư thêm nhiều nhà máy khác, như: Nhà máy chế biến sâu tinh chế cà phê từ sản phẩm cà phê Sơn La, có công suất 5.000 tấn cà phê nhân/vụ; Nhà máy chế biến tinh bột sắn của Công ty cổ phần chế biến nông sản BHL, công suất 200 tấn tinh bột sắn/ngày; Nhà máy chanh leo, rau, củ, quả xuất khẩu của Công ty cổ phần Nafoods Tây Bắc tại Mộc Châu; Nhà máy chế biến quả tươi và thảo dược Vân Hồ của Công ty cổ phần chế biến thực phẩm công nghệ cao - Tập đoàn TH, công suất 18.000-20.000 chai/giờ; Nhà máy chế biến bảo quản nông sản công nghệ cao của Công ty TNHH IC Food Sơn La tại Vân Hồ với công suất 1.800 tấn rau tươi/năm; Nhà máy chế biến mủ cao su của Công ty cổ phần cao su Sơn La tại huyện Thuận Châu, công suất 9.000 tấn/năm; Nhà máy chế biến tinh dầu sả và tinh dầu quế của HTX Phú Sơn tại huyện Mường La; Nhà máy chế biến của Công ty cổ phần thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao... Các nhà máy đã thực hiện liên kết với nông dân xây dựng vùng nguyên liệu, ký kết tiêu thụ sản phẩm tạo sự gắn kết lợi ích và trách nhiệm trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, đảm bảo sự phát triển ổn định bền vững.
Ông Trương Anh Dũng, Phó Tổng giám đốc Công ty cổ phần cà phê Phúc Sinh Sơn La, cho biết: Qua thông tin Hiệp hội Cà phê Việt Nam cho biết, tỉnh Sơn La đang thu hút doanh nghiệp đầu tư chế biến sâu cà phê Sơn La, chúng tôi đã lên khảo sát các vùng nguyên liệu và thực sự thấy được tiềm năng thế mạnh cà phê Sơn La. Khi chúng tôi quyết định đầu tư ở Sơn La, được các đồng chí lãnh đạo tỉnh, các ngành liên quan trực tiếp dẫn đến vùng quy hoạch thuận lợi về giao thông, điện và hệ thống cấp nước, nhanh chóng bàn giao mặt bằng hơn 18 ha. Công ty được tỉnh cấp chủ trương đầu tư cuối năm 2017 thì đến cuối năm 2018 đã đưa nhà máy vào hoạt động với tổng mức đầu tư 100 tỷ đồng, gấp đôi kinh phí cam kết đầu tư ban đầu. Môi trường đầu tư thông thoáng, thời gian tới, Công ty sẽ mở rộng đầu tư nhà máy ngay tại vùng nguyên liệu ở các huyện khác, tạo thuận lợi và giảm chi phí vận chuyển cho nông dân.
Ảnh: Phan Trang
Tạo động lực phát triển bền vững
Với sự quan tâm đầu tư phát triển công nghiệp có trọng tâm, trọng điểm gắn với tiềm năng thế mạnh địa phương, tốc độ tăng trưởng bình quân khu vực công nghiệp trong 5 năm qua đạt 4,85%/năm. Cơ cấu sản xuất công nghiệp dịch chuyển theo hướng chuyên môn hóa, hiện đại hóa, chuyển dần từ chế biến thô sang chế biến sâu, nâng cao giá trị gia tăng của các sản phẩm; đẩy mạnh phát triển công nghiệp chế biến, chế tạo, giảm tỷ trọng công nghiệp khai khoáng nhằm cơ cấu lại ngành công nghiệp hướng tới mục tiêu phát triển bền vững. Ngành công nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng đáp ứng cơ bản nhu cầu xây dựng trong tỉnh, chất lượng sản phẩm ngày càng được nâng cao, từng bước mở rộng thị trường. Công nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng không nung ngày càng phát triển, góp phần tiết kiệm tài nguyên thiên nhiên, tiết kiệm năng lượng và bảo vệ môi trường. Sản xuất và phân phối điện duy trì ổn định, đáp ứng nhu cầu điện sản xuất và sinh hoạt trong tỉnh và hóa điện lưới quốc gia, tổng sản lượng mỗi năm đạt khoảng 12 tỷ kWh. Hình thành một số cơ sở sản xuất than sinh khối tận dụng được các phế liệu nông nghiệp (lõi ngô, rơm rạ...).
Nói về quy hoạch phát triển công nghiệp, bà Phạm Thị Doan, Giám đốc Sở Công Thương thông tin: UBND tỉnh đã ban hành Quyết định phê duyệt điều chỉnh, bổ sung quy hoạch phát triển cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh đến năm 2025 với tổng số 8 cụm công nghiệp, với tổng diện tích gần 145 ha, gồm: Cụm công nghiệp Thành phố; Mộc Châu; Gia Phù, Quang Huy (Phù Yên); Mường La; Phổng Lái, Tông Cọ (Thuận Châu); Quỳnh Nhai. Để việc quy hoạch phát triển công nghiệp của tỉnh phù hợp hơn trong tình hình mới, Sở Công Thương đang phối hợp cùng Sở Kế hoạch và Đầu tư rà soát, xây dựng “Phương hướng phát triển ngành công nghiệp tỉnh Sơn La” để tích hợp vào “Quy hoạch tỉnh Sơn La thời kỳ 2021-2030 tầm nhìn đến năm 2050”, báo cáo UBND tỉnh, trình Thủ tướng chính phủ phê duyệt.
Giai đoạn 2021-2025, công nghiệp tiếp tục được xác định là ngành đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế chung của tỉnh với định hướng phát triển: Cơ cấu lại các ngành công nghiệp theo hướng hiện đại, nâng cao hàm lượng khoa học công nghệ, trí tuệ và giá trị gia tăng của sản phẩm. Xây dựng Sơn La thành trung tâm chế biến nông sản của vùng Tây Bắc. Tập trung ưu tiên phát triển công nghiệp công nghệ cao, công nghệ sinh học thân thiện môi trường; công nghiệp chế biến sâu nông, lâm, thủy sản và dược liệu đạt tiêu chuẩn xuất khẩu; công nghiệp năng lượng sạch, năng lượng tái tạo, nhất là năng lượng gió, năng lượng mặt trời; ưu tiên các dự án sử dụng công nghệ “cao, mới, sạch, tiết kiệm”, sử dụng nhiều nguyên liệu của tỉnh, phụ kiện trong nước, sử dụng nhiều lao động địa phương, có cam kết chuyển giao công nghệ, đào tạo nhân lực tại chỗ, liên doanh, liên kết sản xuất với các doanh nghiệp, hợp tác xã. Đẩy mạnh các giải pháp thu hút các nhà đầu tư; huy động nguồn lực đầu tư hạ tầng các khu, cụm công nghiệp để thu hút đầu tư các nhà máy công nghiệp phụ trợ, linh kiện điện tử, công nghiệp công nghệ cao... Khuyến khích phát triển các nghề và xây dựng mô hình một số làng nghề sản xuất tiểu thủ công nghiệp quy mô nhóm hộ gia đình, hướng vào sản xuất hàng tiêu dùng. Phấn đấu tốc độ tăng trưởng bình quân ngành công nghiệp đạt 5%/năm.
Với những chính sách khuyến khích thu hút đầu tư và định hướng phát triển có trọng tâm, trọng điểm, tỉnh Sơn La sẽ tiếp tục đẩy mạnh phát triển công nghiệp bền vững, đảm bảo sự phát triển xanh, nhanh, bền vững theo đúng tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Sơn La nhiệm kỳ 2020-2025 đề ra.