Cơ cấu lại ngành nông nghiệp, hướng đến phát triển bền vững
Đề án Cơ cấu lại ngành nông nghiệp tỉnh Tây Ninh theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững trên địa bàn tỉnh Tây Ninh giai đoạn 2021-2025 đã góp phần tạo chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức của các sở, ban, ngành, tổ chức, cá nhân về cơ cấu lại nông nghiệp.
Với mục tiêu nâng cao lợi thế cạnh tranh, giá trị gia tăng và hướng tới phát triển bền vững, phong trào thi đua thực hiện Đề án Cơ cấu lại ngành nông nghiệp tỉnh Tây Ninh theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững trên địa bàn tỉnh Tây Ninh giai đoạn 2021-2025 đã góp phần tạo chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức của các sở, ban, ngành, tổ chức, cá nhân về cơ cấu lại nông nghiệp.
Qua đó, thu hút sự tham gia của tất cả các thành phần kinh tế, xã hội vào quá trình cơ cấu lại nông nghiệp; nông dân và doanh nghiệp trực tiếp đầu tư đổi mới quy trình sản xuất, công nghệ và thiết bị để nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh và sử dụng tài nguyên hiệu quả hơn.
Phát triển các mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, thân thiện với môi trường
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), trong lĩnh vực trồng trọt, cơ cấu cây trồng trên địa bàn tỉnh có sự chuyển biến rõ nét theo hướng tập trung, hình thành các vùng sản xuất chuyên canh gắn với thị trường, công nghiệp chế biến và xuất khẩu; giá trị sản phẩm bình quân thu được trên đất trồng trọt năm 2023 đạt 109 triệu đồng/ha.
Hoàng Xuân Farm (thị xã Trảng Bàng) là trang trại trồng dưa lưới có tổng diện tích khoảng 5 ha, mỗi ngày đơn vị cung cấp ra thị trường từ 1,5 tấn đến 2 tấn dưa lưới. Hiện đơn vị có các giống dưa lưới như dưa Hà Lan vỏ vàng ruột xanh, dưa bạch kim vỏ trắng ruột trắng, dưa Thái vỏ xanh ruột cam, dưa lưới dài vỏ vàng ruột cam.
Bà Văn Thị Cẩm Lệ- Giám đốc Hoàng Xuân Farm cho biết, để có những sản phẩm chất lượng, đơn vị phải nghiên cứu và chuẩn về quy trình kỹ thuật, quản lý chặt chẽ từng vụ; áp dụng khoa học kỹ thuật như tưới nhỏ giọt, tích hợp công nghệ chuyển đổi dữ liệu để theo dõi sự phát triển của cây qua điện thoại thông minh có kết nối internet... Từ đó cho ra những sản phẩm đạt năng suất, đồng đều, chất lượng ngày càng được nâng cao.
Hiện các sản phẩm của Hoàng Xuân Farm cung cấp cho 5 hệ thống siêu thị lớn như Aeon, Co.opMart, Big C, E Mart, Lotte Mart; một đơn vị hàng hải và hãng hàng không Vietnam Airlines, cung cấp suất ăn cho các chuyến bay nội địa và quốc tế.
Đại diện Sở NN&PTNT đánh giá, phát triển nông nghiệp sạch, theo tiêu chuẩn ngày càng được chú trọng, đến nay, ngành đã hỗ trợ cho 120 cơ sở chứng nhận GAP với trên 9.000 ha, trong đó: rau khoảng 970 ha, cây ăn trái gần 1.900 ha và lúa gần 6.200 ha.
Nhiều mô hình nông nghiệp công nghệ cao, các tiến bộ, khoa học kỹ thuật ngày càng được ứng dụng rộng rãi trong sản xuất như: hệ thống nhà lưới, nhà màng kết hợp các kỹ thuật tưới tiết kiệm, điều tiết ẩm độ, ánh sáng; ứng dụng công nghệ sinh học trong phòng trừ sâu bệnh; kỹ thuật tưới phun mưa, nhỏ giọt cho các loại cây trồng mía, mì, cây ăn trái... với trên 120.000 ha. Qua thống kê, tỷ lệ diện tích áp dụng tưới tiên tiến, tiết kiệm nước trên địa bàn tỉnh đạt 31%; tỷ lệ giá trị sản phẩm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đạt 37,8%.
Công tác triển khai quản lý và cấp mới mã số vùng trồng được thực hiện thường xuyên. Ngành Nông nghiệp hỗ trợ đăng ký, cấp thông tin mã số vùng trồng và mã cơ sở đóng gói xuất khẩu để đáp ứng yêu cầu và mở rộng thị trường xuất khẩu. Tính đến nay, toàn tỉnh có 15 vùng trồng cây ăn trái được cấp mã số xuất khẩu và đang duy trì hoạt động: Trung Quốc (12 mã số), Hoa Kỳ (1 mã số), EU (2 mã số) với các loại trái cây như: chuối, mít, xoài, nhãn, sầu riêng, chanh và 4 cơ sở đóng gói được cấp mã số và duy trì hoạt động xuất khẩu đến thị trường Trung Quốc.
Ngoài ra, từ năm 2019 đến nay, ngành Nông nghiệp hỗ trợ thực hiện cài đặt phần mềm cho gần 250 cơ sở sản xuất với tổng diện tích khoảng 1.700 ha, hỗ trợ in 130.500 tem truy xuất nguồn gốc cho 5 loại sản phẩm: xoài, bưởi da xanh, dưa lưới, mãng cầu ta, mãng cầu Thái (na hoàng hậu).
Trong lĩnh vực chăn nuôi, nổi bật là việc thu hút mạnh nhà đầu tư xây dựng các dự án chăn nuôi trên địa bàn tỉnh. Có 148 dự án xin chủ trương đầu tư và 112 dự án đã được UBND tỉnh chấp thuận với tổng vốn đầu tư 9.600 tỷ đồng, trong đó: 34 dự án chăn nuôi gà với gần 9,5 triệu con; 72 dự án chăn nuôi heo với gần 955.000 con...
Hệ thống cơ sở giết mổ được quy hoạch cụ thể, từng bước xóa bỏ, di dời các cơ sở nằm trong khu dân cư, không bảo đảm an toàn thực phẩm, môi trường. Một số dự án lớn như: Công ty TNHH MTV Bò sữa Việt Nam - Trang trại bò sữa Tây Ninh với sản lượng sữa tươi cung cấp cho chế biến 90 tấn/ngày đạt tiêu chuẩn GlobalGAP; nhà máy ấp trứng Bel Gà Tây Ninh có công suất 19 triệu con giống/năm; trang trại gà đẻ của Công ty TNHH QL VietNam Agroresources.
Nâng cấp chuỗi giá trị các ngành hàng nông nghiệp
Lãnh đạo Sở NN&PTNT cho biết, thời gian qua, ngành Nông nghiệp tích cực triển khai thực hiện các đề án, dự án, mô hình khuyến nông, ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, gồm 4 dự án và 62 mô hình trên lĩnh vực trồng trọt; 3 dự án và 13 mô hình trên lĩnh vực chăn nuôi; 18 mô hình trên lĩnh vực thủy sản.
Các mô hình khuyến nông tập trung vào thực hiện các giải pháp về khoa học, công nghệ trong công tác giống, kỹ thuật sản xuất, quản lý dịch hại, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, ổn định chăn nuôi, khuyến khích nuôi trồng thủy sản và lâm nghiệp, giúp gia tăng năng suất bình quân, tiết kiệm chi phí sản xuất, nâng cao giá trị gia tăng, đẩy mạnh hình thành và phát triển các tổ liên kết sản xuất, tổ hợp tác, hợp tác xã nông nghiệp, vùng sản xuất tập trung, quy mô lớn, thực hiện liên kết sản xuất - tiêu thụ.
Sở phối hợp Viện Di truyền nông nghiệp, Trung tâm Nông nghiệp nhiệt đới quốc tế và Trung tâm Nghiên cứu thực nghiệm nông nghiệp Hưng Lộc thực hiện 3 mô hình khảo nghiệm với gần 300 dòng mì mới có tính kháng khảm để nhân rộng phục vụ nhu cầu sản xuất của người dân trồng mì trong tỉnh. Đến nay, đã công bố tính kháng của 6 giống (HN1, HN5, HN3, HN36, HN80, HN97) và cung cấp khoảng 2.000 ha giống mì kháng bệnh khảm cho người dân sản xuất, bảo đảm năng suất và sản lượng cây mì.
Đơn vị tham mưu UBND tỉnh triển khai thực hiện đề án Phát triển chuỗi giá trị và cụm ngành nông nghiệp tỉnh Tây Ninh và kế hoạch phát triển chuỗi giá trị chăn nuôi trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2022-2025. Đến nay, các chuỗi liên kết sản xuất - tiêu thụ dần được hình thành và nhân rộng, nhất là trên các cây trồng, vật nuôi thế mạnh của tỉnh như lúa, mía (thực hiện liên kết chuỗi tương đối hoàn chỉnh); rau, cây ăn quả và sản phẩm chăn nuôi (thực hiện liên kết một phần). Tỷ lệ giá trị sản phẩm nông, lâm, thủy sản được sản xuất dưới các hình thức hợp tác và liên kết đạt 13,3%.
Cụ thể, có gần 61.000 ha mì công nghiệp được tiêu thụ, chế biến tại các doanh nghiệp chế biến khoai mì trên địa bàn tỉnh. Đối với cây mía, hầu hết diện tích sản xuất trong năm đều được ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm với Nhà máy đường Thành Thành Công - Biên Hòa từ đầu vụ.
Đối với cây mãng cầu, khoảng 200 ha/5.500 ha mãng cầu được liên kết tiêu thụ sản phẩm với Hợp tác xã nông nghiệp mãng cầu Thạnh Tân, Công ty TNHH Biểu Chiêu và Hợp tác xã DVNN Minh Trung. Cây chuối có khoảng 300 ha/2.000 ha chuối già Nam Mỹ của Công ty TNHH Huy Long An Mỹ Bình (175 ha) và Công ty cổ phần Thành Thành Công - Biên Hòa (gần 130 ha) có hợp đồng xuất khẩu được ký kết, chủ yếu xuất khẩu sang các thị trường Nhật Bản, Hàn Quốc, Malaysia, Trung Quốc.
Đối với cây dưa lưới, khoảng 25 ha/40 ha có hợp đồng liên kết tiêu thụ sản phẩm như Công ty TNHH Hoàng Xuân, Hợp tác xã thương mại dịch vụ nông nghiệp Phúc Lợi, Công ty ong mật Bảo An, Trang trại Bà Đen Farm, Công ty CP Nông nghiệp Hải Âu... Đối với cây lúa, trên 3.000 ha/gần 150.000 ha diện tích gieo trồng lúa có hợp đồng liên kết tiêu thụ sản phẩm với Công ty CP sản xuất thương mại Lúa Vàng Việt, Công ty TNHH DVNN Lộc Trời...
Theo Sở NN&PTNT, trong thời gian tới, ngành Nông nghiệp sẽ rà soát lại các chỉ tiêu sản xuất, tập trung triển khai có hiệu quả kế hoạch cơ cấu lại ngành Nông nghiệp giai đoạn 2021-2025 nhằm góp phần định hướng cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo yêu cầu của thị trường, từng bước nâng cao chất lượng sản phẩm đáp ứng tiêu chuẩn xuất khẩu.
Trong đó, chú trọng về giống, ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ, đẩy mạnh chế biến sản phẩm sau thu hoạch; quản lý chặt chẽ mã vùng trồng hiện có, hướng dẫn cấp mới mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói xuất khẩu; truy xuất nguồn gốc; tiếp tục thực hiện có hiệu quả chuyển đổi cơ cấu cây trồng.