Cơ cấu lãnh đạo, tổ chức bộ máy Sở An toàn thực phẩm TPHCM ra sao?
Cơ cấu lãnh đạo Sở An toàn thực phẩm TPHCM gồm Giám đốc và không quá 3 Phó Giám đốc. Trong đó, Giám đốc Sở An toàn thực phẩm là Ủy viên UBND TPHCM do HĐND thành phố bầu ra.
Ngày 8/12, kỳ họp thứ 13, HĐND TPHCM khóa X bước vào ngày làm việc cuối cùng. Các đại biểu đã thông qua nghị quyết quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức bộ máy của Sở An toàn thực phẩm.
Tại kỳ họp chuyên đề hồi tháng 9, HĐND TPHCM đã thông qua tờ trình về thành lập Sở An toàn thực phẩm TPHCM, sẽ chính thức đi vào hoạt động từ ngày 1/1/2024.
Theo đó, Sở An toàn thực phẩm TPHCM có chức năng tham mưu, giúp chính quyền thành phố quản lý Nhà nước về an toàn thực phẩm, thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm hành chính về lĩnh vực này. Đồng thời, sở sẽ chịu trách nhiệm cấp giấy chứng nhận kiểm dịch sản phẩm động vật ra khỏi địa bàn.
Về nhiệm vụ và quyền hạn, Sở An toàn thực phẩm sẽ tham mưu, trình UBND TPHCM các dự thảo quyết định liên quan lĩnh vực, phạm vi quản lý. Cơ quan này cũng dự thảo kế hoạch phát triển lĩnh vực an toàn thực phẩm, chương trình, dự án, đề án, biện pháp tổ chức thực hiện các nhiệm vụ về an toàn thực phẩm trên địa bàn.
Sở An toàn thực phẩm TPHCM chịu trách nhiệm công tác quản lý Nhà nước về an toàn thực phẩm trong lĩnh vực thuộc ngành y tế, công thương, nông nghiệp và là Thường trực Ban Chỉ đạo liên ngành về an toàn thực phẩm trên địa bàn thành phố.
Sở còn có nhiệm vụ kiểm tra, thanh tra, xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực an toàn thực phẩm, giải quyết khiếu nại, tố cáo, phòng, chống tham nhũng tiêu cực theo quy định của pháp luật.
Sở An toàn thực phẩm TPHCM được bố trí trụ sở làm việc tại địa chỉ 57 đường Nguyễn Thị Minh Khai (phường Bến Thành, quận 1) và cơ sở 2 tại số 18 đường Cách Mạng Tháng Tám (phường Bến Thành, quận 1).
Cơ cấu lãnh đạo Sở An toàn thực phẩm TPHCM gồm Giám đốc và không quá 3 Phó Giám đốc. Trong đó, Giám đốc Sở An toàn thực phẩm là Ủy viên UBND TPHCM do HĐND thành phố bầu ra.
Nguồn nhân lực của Sở An toàn thực phẩm được sử dụng từ số lượng người làm việc tại Ban Quản lý An toàn thực phẩm thành phố trước đây. UBND thành phố sẽ giao biên chế cho cơ quan này gắn với chức năng, nhiệm vụ, hoạt động và nằm trong tổng biên chế hành chính, số lượng người làm việc của địa phương.
Việc thành lập Sở An toàn thực phẩm TPHCM đảm bảo không phát sinh tổng số lượng biên chế công chức hành chính, số lượng người làm việc được giao trong tổng biên chế của TPHCM.