Cơ cấu nợ công theo hướng bền vững nâng cao xếp hạng tín nhiệm quốc gia
Trong 6 tháng đầu năm, Bộ Tài chính đã triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm kiểm soát chặt chẽ nợ công, đảm bảo các chỉ tiêu trong giới hạn an toàn nợ theo quy định. Tại Hội nghị trực tuyến sơ kết về tình hình thực hiện nhiệm vụ tài chính - ngân sách nhà nước 6 tháng đầu năm và kế hoạch triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2019 được tổ chức sáng 12/7, Bộ Tài chính cho biết sẽ tiếp tục đẩy mạnh triển khai các nhiệm vụ, giải pháp cơ cấu lại nợ công theo hướng bền vững, đảm bảo khả năng trả nợ, góp phần ổn định vĩ mô, nâng cao xếp hạng tín nhiệm quốc gia
Theo đó, để đảm bảo công tác cơ cấu lại ngân sách nhà nước, Bộ Tài chính đã phối hợp với các bộ, ngành, địa phương trong việc triển khai kế hoạch hành động của ngành tài chính thực hiện các chủ trương, giải pháp cơ cấu lại NSNN, quản lý nợ công, bảo đảm nền tài chính quốc gia an toàn, bền vững.
Ngoài ra, Bộ Tài chính đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ, Ban Kinh tế Trung ương sơ kết tình hình thực hiện 3 năm 2016-2018 về kế hoạch hành động thực hiện các chủ trương, giải pháp cơ cấu lại NSNN. Bên cạnh đó, Bộ Tài chính cũng đã thực hiện trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chương trình quản lý nợ trung hạn 3 năm giai đoạn 2019 - 2021, kế hoạch vay, trả nợ của Chính phủ và các hạn mức vay nợ năm 2019.
Theo Bộ Tài chính, trong quá trình điều hành cấu lại ngân sách nhà nước, đã giảm bội chi NSNN đã thấp hơn mức Quốc hội quyết định cả về số tuyệt đối và số tương đối, ngoài ra, Bộ cũng siết chặt quản lý vay và bảo lãnh Chính phủ, nhờ vậy đã giảm tỷ lệ nợ công từ mức 63,7%GDP năm 2016 xuống còn 58,4%GDP năm 2018.
Cùng với đó, để tiếp tục đẩy mạnh triển khai các nhiệm vụ, giải pháp cơ cấu lại nợ công theo hướng bền vững, đảm bảo khả năng trả nợ, góp phần ổn định vĩ mô, nâng cao xếp hạng tín nhiệm quốc gia, Bộ Tài chính đã triển khai các giải pháp, cụ thể:
Một là, đa dạng các nhà đầu tư trái phiếu Chính phủ, giảm tỷ trọng nắm giữ trái phiếu của ngân hàng thương mại xuống còn khoảng 47% (cuối năm 2016 khoảng 78%), tăng tỷ trọng nắm giữ của các nhà đầu tư là các tổ chức tài chính khác lên 53%.
Hai là, phát hành trái phiếu kỳ hạn từ 5 năm trở lên (bao gồm kỳ hạn dài 20-30 năm) để kéo dài kỳ hạn danh mục trái phiếu Chính phủ, giảm lãi suất huy động trái phiếu Chính phủ.
Bà là, tiếp tục tăng cường quản lý, giám sát, kiểm soát bội chi và vay nợ của ngân sách địa phương trong phạm vi dự toán Quốc hội quyết định.
Bốn là, tổ chức đánh giá tình hình thực hiện chiến lược nợ công và nợ nước ngoài của quốc gia giai đoạn 2011-2020 và tầm nhìn đến năm 2030.
Năm là, xây dựng quan điểm, mục tiêu, định hướng vay và trả nợ công giai đoạn 2021-2030 và kế hoạch 05 năm giai đoạn 2021-2025.