Cơ cấu thị trường khách du lịch: Tránh phụ thuộc để hạn chế rủi ro trước những biến cố
Tổng cục Du lịch Việt Nam vừa tổ chức một Hội nghị nhằm cơ cấu lại thị trường khách du lịch, khai thác hiệu quả nguồn khách trong thời gian tới, trong bối cảnh du lịch gần như rơi 'chạm đáy' vì Covid-19, khách quốc tế đến Việt Nam giảm 80%, khách nội địa giảm 50% so với năm 2019.
Sốc lại thị trường nội địa
Có một thực tế là, trong năm 2019, khách nội địa dù chiếm 82,5% tổng lượng khách nhưng doanh thu từ mảng này chỉ đạt 44,3%, trong khi đó, khách quốc tế chỉ có 17,5% nhưng doanh thu đã đạt 55,7%. Các con số là câu trả lời cho lý do, nhiều doanh nghiệp lữ hành, bấy lâu nay chỉ tập trung vào thị trường khách quốc tế mà "quên" hẳn thị trường trong nước.
Chính vì thế, cho đến khi dịch bệnh xảy ra, nhiều công ty du lịch và các hãng lữ hành gần như "lao dốc". Từ tháng 3-2020 dừng đón khách quốc tế đồng nghĩa 95% doanh nghiệp lữ hành quốc tế phải dừng hoạt động, các doanh nghiệp còn lại, muốn tồn tại cách duy nhất là quay sang tiếp cận thị trường nội địa.
Dự báo trong năm 2020, khách du lịch quốc tế đến Việt Nam giảm 80%, khách du lịch nội địa giảm 50% so với năm 2019, thiệt hại của ngành du lịch Việt Nam dự báo lên tới 23 tỷ USD.
Ông Nguyễn Trùng Khánh, Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Việt Nam cho biết, thị trường du lịch quốc tế đóng cửa hoàn toàn, ngành Du lịch hiện nay chỉ trông chờ vào sự phục hồi của thị trường nội địa. Trong bối cảnh này, vấn đề chính đặt ra là cần đánh giá lại, xem xét lại cơ cấu ngành, trong đó có cơ cấu thị trường khách, coi đây là cơ hội mở ra giai đoạn mới bảo đảm sự phát triển bền vững cho du lịch Việt Nam.
Cơ cấu lại thị trường thế nào?
Trong những năm gần đây Du lịch Việt Nam đã đạt được những kết quả đột phá, liên tục trong nhiều năm đạt mức tăng trưởng rất cao. Từ năm 2015- 2019, tốc độ tăng trưởng lượng khách luôn đạt 2 con số, là một trong những quốc gia có tốc độ tăng trưởng lượng khách quốc tế nhanh nhất thế giới. Lượng khách nội địa cũng tăng ấn tượng, bình quân 56%. Nếu dịch Covid-19 không xảy ra thì việc du lịch đóng góp 10% GDP là khả quan.
Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Hà Văn Siêu chia sẻ hiện trạng cơ cấu thị trường khách du lịch đến Việt Nam những năm gần đây, chiếm tỷ trọng lớn là thị trường Đông Bắc Á, thị trường ASEAN khá ổn định, thị trường Tây Âu, Bắc Mỹ và Úc tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng.
Về cơ cấu khách quốc tế theo phương tiện vận chuyển, năm 2019, khách đến bằng đường hàng không chiếm 80% tổng lượng khách quốc tế đến Việt Nam, khách đường bộ chiếm 18,7%, còn lại khách đến bằng đường thủy chiếm 1,3%.
Phó Tổng cục trưởng Hà Văn Siêu cũng nhấn mạnh mục tiêu cơ cấu lại thị trường khách du lịch nhằm đảm bảo tăng trưởng bền vững khách du lịch quốc tế đến Việt Nam, khai thác hiệu quả tài nguyên du lịch, phù hợp với xu hướng, nhu cầu của thị trường; Đa dạng hóa thị trường, giảm phụ thuộc vào một số thị trường nhất định, hạn chế rủi ro trước những biến cố trong khu vực và thế giới; Tăng trưởng ổn định khách du lịch nội địa, phân bổ cân đối các vùng miền
Để thực hiện mục tiêu trên, Tổng cục Du lịch đề xuất một số nhiệm vụ, giải pháp về: Nghiên cứu và phát triển sản phẩm du lịch; Xây dựng cơ chế chính sách; Xúc tiến quảng bá đặc biệt là chuyển đổi số trong phát triển thị trường khách du lịch; Tăng cường phát triển nguồn nhân lực nhằm hướng sang cơ cấu thị trường mới…
Chuyển đổi số, bước đi cần thiết
Các giải pháp chuyên đổi số được Tổng cục Du lịch đưa ra hướng tới phát triển thị trường khách du lịch như: Phối hợp với các hãng công nghệ lớn trên thế giới như Google, các đại lý du lịch trực tuyến, các hãng vận chuyển lớn để nghiên cứu thị trường và xây dựng cơ sở dữ liệu khách du lịch; triển khai nghiên cứu, xây dựng một số sản phẩm du lịch thông minh chủ lực trên cơ sở ứng dụng những công nghệ như trí tuệ nhân tạo (AI), dữ liệu lớn dạng số hóa (Big data), Internet vạn vật (IoT)...
Ông Ngô Minh Đức – Chủ tịch Tập đoàn HG Holdings cho rằng trong tương lai, công nghệ sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc kích cầu ngành du lịch, vì vậy các doanh nghiệp cần nhanh chóng chuyển đổi số, xây dựng hệ thống thông tin về khách, về sản phẩm và dịch vụ để có kế hoạch kinh doanh hiệu quả.
Ông Lê Tuấn Anh – Giám đốc Trung tâm Thông tin du lịch (Tổng cục Du lịch) đã nêu ra những thay đổi trong lĩnh vực nghiên cứu thị trường, marketing hay xúc tiến quảng bá dưới tác động của sự phát triển công nghệ số. Các trải nghiệm của du khách trong mỗi chuyến đi trở nên sống động, thú vị hơn. Công nghệ cũng tạo hiệu ứng tích cực trong hỗ trợ công tác đánh giá thị trường, điều tra và thống kê khách du lịch hay phân tích hành vi của khách du lịch trên các nền tảng dữ liệu lớn như: Google, TripAdvisor, Facebook, Youtube…
Theo bà Trâm Nguyễn, Giám đốc điều hành tại Việt Nam, Lào, Campuchia của Tập đoàn Google, các kênh du lịch online, đặc biệt là video trực tuyến đã khơi nguồn cảm hứng du lịch cho du khách. Và để góp phần thúc đẩy sự phục hồi của ngành du lịch Việt Nam, Tập đoàn Google đang phối hợp với Trung tâm Thông tin du lịch, Vụ Thị trường du lịch, Vụ Hợp tác quốc tế (Tổng cục Du lịch) triển khai hỗ trợ thông qua các dự án tôn vinh vẻ đẹp quốc gia, đào tạo kỹ năng số cho doanh nghiệp và cung cấp giải pháp kết nối với khách du lịch. Bà cho biết, các dự án tôn vinh vẻ đẹp quốc gia nổi bật mà Google đã thực hiện là Google Arts & Cultures và Google Adventure Vietnam 2019.