Cơ cấu thu, chi ngân sách được cải thiện, nợ công giảm mạnh
5 năm qua, nhiệm vụ cơ cấu lại ngân sách nhà nước, khu vực công theo tinh thần Nghị quyết số 24/2016/QH14 của Quốc hội đã đạt nhiều kết quả ấn tượng. Trong đó, cơ cấu thu, chi ngân sách đã được cải thiện theo hướng bền vững; đáng chú ý là nợ công đã giảm mạnh…
Chuyển biến tích cực về cơ cấu thu, chi ngân sách
Báo cáo của Chính phủ cho thấy, nhiệm vụ cơ cấu lại ngân sách nhà nước (NSNN), khu vực công được giao tại Nghị quyết số 24/2016/QH14 ngày 8/11/2016 của Quốc hội về kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2016 -2020 đã đạt nhiều kết quả ấn tượng. Trong đó, cơ cấu thu, chi NSNN đã có những cải thiện đáng kể. Cơ cấu NSNN thay đổi tích cực về quy mô, về cơ cấu thu, chi. Quy mô thu NSNN được cải thiện, cơ cấu thu bền vững hơn.
Cụ thể, trong giai đoạn 2016 - 2020, tổng thu NSNN đạt khoảng 24,36% GDP, trong đó tỷ trọng thu nội địa tiếp tục được cải thiện, bình quân 5 năm (2011-2015) là 68,7%; năm 2016 là 80,5%, cập nhật 3 năm (2017 - 2019) là 81,08% trong tổng thu NSNN.
Cơ cấu chi NSNN đã tăng tỷ trọng chi đầu tư phát triển, giảm tỷ trọng chi thường xuyên. Tỷ trọng chi đầu tư phát triển năm 2016 chiếm 28,18% tổng chi NSNN, giảm xuống 24,99% năm 2019, dự toán năm 2020 là 26,94%. Tỷ trọng chi thường xuyên cũng giảm dần tương ứng.
Trong giai đoạn vừa qua, bội chi NSNN được quản lý chặt chẽ và giảm cả về số tuyệt đối và tương đối so với dự toán. Nếu như năm 2016 tỷ lệ bội chi là 5,12% GDP, thì đến năm 2019 tỷ lệ này giảm còn 3,4% GDP, dự toán năm 2020 là 3,44% GDP.
Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch Covid -19, Chính phủ dự báo có thể bội chi NSNN thực tế sẽ cao hơn mức dự toán năm 2020, dự kiến ước khoảng 319,4 nghìn tỷ đồng, bằng 4,99% GDP.
Báo cáo của Chính phủ cũng chỉ ra những tồn tại, hạn chế như: Cơ cấu chi ngân sách vẫn mất cân đối, chi thường xuyên tiếp tục tăng nhanh hơn chi đầu tư. Hệ thống thu NSNN chưa thực sự bền vững, dư địa thu NSNN giảm, nhất là trong bối cảnh Covid-19. Tình trạng chuyển giá, trốn thuế gây thất thu NSNN, nhất là khu vực ngoài quốc doanh, khu vực FDI vẫn còn xảy ra khá phổ biến…
Để cơ cấu lại NSNN, khu vực công theo hướng bền vững, ổn định, trong giai đoạn 2021 - 2025 Chính phủ xác định tăng tỷ lệ thu nội địa, tăng tích lũy từ NSNN cho đầu tư phát triển; tăng sức chống chịu, bảo đảm an toàn, an ninh tài chính quốc gia; Đồng thời, đẩy mạnh việc quản lý tài chính - ngân sách trung hạn, quán triệt nguyên tắc chi trong phạm vi nguồn lực, vay trong phạm vi trả nợ...
Nợ công giảm mạnh
Theo báo cáo của Chính phủ, sau 5 năm nỗ lực thực hiện, Nghị quyết số 24/2016/QH14, đến nay đã hoàn thành 14 mục tiêu và có 1 mục tiêu dự kiến hoàn thành. Đáng chú ý là nợ công đã giảm mạnh. Nếu như cuối năm 2016, nợ công bằng 63,7% GDP, năm 2019 đã giảm xuống 55% GDP. Năm 2020, do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, nợ công có thể tăng lên mức 56-57% GDP, song vẫn thấp hơn rất nhiều so với mục tiêu đặt ra cho giai đoạn 2016 - 2020 là không quá 65% GDP.
Trong báo cáo gửi Quốc hội về kết quả thực hiện các nghị quyết của Quốc hội trong lĩnh vực tài chính, Chính phủ dự báo đến ngày 31/12/2020, so với GDP ước thực hiện, dư nợ công bằng khoảng 56,8%, dư nợ chính phủ bằng khoảng 50,8%. Việc thực hiện kế hoạch vay, trả nợ của Chính phủ cho cân đối NSNN được điều hành, quản lý trong phạm vi dự toán Quốc hội quyết định.
Trên cơ sở những kết quả đã đạt được, Chính phủ cho biết sẽ xây dựng kế hoạch vay, trả nợ công 5 năm (giai đoạn 2021 - 2025), trong đó bao gồm mức trần và ngưỡng cảnh báo về nợ theo hướng thấp hơn so với giai đoạn 2016 - 2020 để đảm bảo an toàn nợ công và khả năng trả nợ của ngân sách, tạo dư địa tài khóa để ứng phó với nghĩa vụ nợ dự phòng của NSNN, với rủi ro thị trường hay cú sốc vĩ mô trong bối cảnh mới.