Cơ cấu tổ chức của Chính phủ nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV
Sáng 23/7, Quốc hội thảo luận và biểu quyết thông qua Nghị quyết về cơ cấu tổ chức của Chính phủ nhiệm kỳ 2021-2026.
Theo đó, quan điểm cơ cấu tổ chức của Chính phủ khóa XV là quán triệt chủ trương đẩy mạnh cải cách hành chính, đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết số 18-NQ/TW của Hội nghị Trung ương 6 khóa XII và Nghị quyết số 56/2017/QH14 của Quốc hội. Kết hợp hài hòa, hợp lý, hiệu quả giữa kế thừa, ổn định với đổi mới, phát triển và hội nhập, đáp ứng yêu cầu xây dựng nền hành chính nhà nước phục vụ Nhân dân, dân chủ, chuyên nghiệp, hiện đại, trong sạch, vững mạnh, quản lý thống nhất, thông suốt, hiệu lực, hiệu quả. Đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, cá thể hóa trách nhiệm người đứng đầu đi đôi với tăng cường kiểm tra, giám sát, kiểm soát quyền lực; phát huy sự chủ động, sáng tạo của các cấp, các ngành và khai thác hiệu quả các nguồn lực của địa phương; phân định hợp lý chức năng, nhiệm vụ của các bộ, cơ quan ngang bộ, bảo đảm tính thống nhất, bao quát, thông suốt của nền hành chính quốc gia.
Mục tiêu: Xây dựng cơ cấu tổ chức của Chính phủ theo hướng tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả trên cơ sở tổ chức hợp lý các bộ đa ngành, đa lĩnh vực và tăng cường phân cấp, phân quyền, bảo đảm phát huy đầy đủ vị trí, vai trò, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Chính phủ đã được Hiến pháp quy định, đáp ứng yêu cầu xây dựng nền hành chính hiện đại, phục vụ Nhân dân.
Nguyên tắc: Tiếp tục thực hiện tổ chức mô hình bộ quản lý đa ngành, đa lĩnh vực với quy mô và phạm vi quản lý phù hợp, bảo đảm gắn kết và đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước giữa các ngành, lĩnh vực. Kiện toàn tổ chức bên trong Bộ, cơ quan ngang Bộ gắn với việc rà soát, bổ sung, hoàn thiện chức năng, nhiệm vụ, bảo đảm tinh gọn và đáp ứng các tiêu chí thành lập tổ chức do Chính phủ quy định. Kiên định thực hiện nguyên tắc một việc chỉ giao một cơ quan chủ trì, chịu trách nhiệm chính; những việc có liên quan đến cơ quan khác thì xác định rõ cơ quan phối hợp nhằm giải quyết hiệu quả các vấn đề giao thoa, bảo đảm không bỏ trống nhiệm vụ.
Cụ thể về cơ cấu tổ chức của Chính phủ khóa XV
Cơ cấu tổ chức của Chính phủ nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV (nhiệm kỳ 2021-2026) giữ ổn định như khóa XIV có 22 cơ quan, gồm 18 Bộ và 04 cơ quan ngang Bộ. Cụ thể, các Bộ gồm: Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Bộ Ngoại giao, Bộ Nội vụ, Bộ Tư pháp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Giao thông vận tải, Bộ Xây dựng, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Y tế.
Các cơ quan ngang Bộ gồm: Ủy ban Dân tộc, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Thanh tra Chính phủ, Văn phòng Chính phủ.
Sau khi Quốc hội ban hành Nghị quyết về cơ cấu tổ chức của Chính phủ nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV, Chính phủ sẽ chỉ đạo tổ chức sửa đổi, bổ sung Quy chế làm việc của Chính phủ, bảo đảm phân định rõ thẩm quyền, trách nhiệm giữa Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ và Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ; đồng thời, tăng cường phân cấp, phân quyền, nâng cao trách nhiệm của các Bộ, cơ quan ngang Bộ, đi đôi với kiểm tra, giám sát, kiểm soát quyền lực, bảo đảm bộ máy hành chính thống nhất, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Ban hành Nghị định của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của các Bộ, cơ quan ngang Bộ; tiếp tục kiện toàn tổ chức bộ máy bên trong theo hướng thu gọn đầu mối, giảm cấp trung gian gắn với tinh giản biên chế của các Bộ, cơ quan ngang Bộ theo tinh thần Nghị quyết số 18, 19-NQ/TW của Hội nghị Trung ương 6 khóa XII và Nghị quyết số 56/2017/QH14 của Quốc hội. Thực hiện nghiêm Nghị quyết số 56/2017/QH14 của Quốc hội về việc không lồng ghép các quy định về tổ chức bộ máy, biên chế vào các luật, pháp lệnh chuyên ngành không thuộc lĩnh vực tổ chức bộ máy nhà nước.
Nhiệm vụ trọng tâm của Chính phủ sẽ tập trung chỉ đạo thực hiện trong thời gian tới như sau:
Thứ nhất, lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý, điều hành với các giải pháp toàn diện, hiệu quả, mang tính đột phá, khả thi để phấn đấu thực hiện thắng lợi các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ đề ra tại Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021 - 2030, các nghị quyết của Quốc hội về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm và hằng năm, nhằm đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới, phát triển nhanh và bền vững đất nước; củng cố vững chắc quốc phòng - an ninh, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định; chủ động, tích cực hội nhập quốc tế, không ngừng nâng cao vị thế, uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế.
Thứ hai, thực hiện quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ đặt ra theo Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng ban hành kèm theo Nghị quyết số 50/NQ-CP ngày 20/5/2021 của Chính phủ, đặc biệt là công tác hoàn thiện thể chế, xây dựng pháp luật gắn với nâng cao hiệu lực, hiệu quả tổ chức thi hành pháp luật, xây dựng được hệ thống pháp luật thống nhất, đồng bộ, khả thi, công khai, minh bạch, ổn định, có sức cạnh tranh quốc tế, lấy quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người dân là trung tâm, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, khơi dậy khát vọng phát triển đất nước vì cuộc sống phồn vinh và hạnh phúc của Nhân dân.
Thứ ba, tích cực triển khai thực hiện hiệu quả Chương trình tổng thể cải cách hành chính Nhà nước và hiện đại hóa nền hành chính quốc gia. Đẩy mạnh sắp xếp tổ chức bộ máy hành chính các cấp gắn với tinh giản biên chế, nâng cao chất lượng công vụ, công chức và cơ cấu lại đội ngũ công chức, viên chức đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ chính trị trong tình hình mới, nhất là việc tăng cường trách nhiệm, kỷ luật, kỷ cương trong thực thi công vụ và trách nhiệm của người đứng đầu.