Cơ cấu và chất lượng

Trong mô hình thể chế của nước ta, đại diện theo cơ cấu là một nguyên tắc quan trọng của việc thiết kế hệ thống. Ở những mức độ khác nhau, các cơ quan được thành lập trên cơ sở bầu cử đều phải tuân thủ nguyên tắc này. Đối với Quốc hội, cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân, thì nguyên tắc đại diện theo cơ cấu lại càng được đặc biệt coi trọng.

Hội nghị giới thiệu người của Ủy banTrung ương MTTQ Việt Nam ứng cử đại biểu QH khóa XV. Ảnh: Kỳ Anh

Hội nghị giới thiệu người của Ủy banTrung ương MTTQ Việt Nam ứng cử đại biểu QH khóa XV. Ảnh: Kỳ Anh

Trong mô hình thể chế của nước ta, đại diện theo cơ cấu là một nguyên tắc quan trọng của việc thiết kế hệ thống. Ở những mức độ khác nhau, các cơ quan được thành lập trên cơ sở bầu cử đều phải tuân thủ nguyên tắc này. Đối với Quốc hội, cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân, thì nguyên tắc đại diện theo cơ cấu lại càng được đặc biệt coi trọng.

Cơ cấu của Quốc hội về cơ bản phản ánh cơ cấu của xã hội. Các tầng lớp, các thành phần lớn của xã hội đều phải có đại diện trong Quốc hội. Khó khăn ở đây là cấu trúc xã hội rất đa dạng, phản ánh hết tất cả sự đa dạng của xã hội vào cơ cấu của Quốc hội là hoàn toàn không dễ. Thí dụ, đất nước ta có đến 54 dân tộc, trong đó một số dân tộc thiểu số chỉ có dân số khoảng mấy nghìn người. Kỳ bầu cử nào cũng phải có đại biểu của tất cả 54 dân tộc là khó khăn và cũng chưa chắc đã hợp lý. Hay cơ cấu theo ngành nghề cũng vậy. Với nền kinh tế ngày càng phát triển, có đến hàng trăm, hàng nghìn ngành nghề mới ra đời. Không thể cơ cấu để ngành nghề nào cũng có đại diện của mình ở trong Quốc hội. Từ thực tế này, cơ cấu của Quốc hội được chia ra thành cơ cấu cứng và cơ cấu mềm. Cơ cấu cứng là cơ cấu bắt buộc phải có như tỷ lệ đại biểu là nông dân, là công nhân và trí thức…Cơ cấu mềm là cơ cấu có thể được thay đổi theo tình hình thực tế và theo nhiệm kỳ. Có thể nhiệm kỳ này đại diện của dân tộc H’mông được cơ cấu làm đại biểu Quốc hội, nhiệm kỳ sau lại là đại diện của dân tộc Dao. Ngoài ra, cơ cấu cứng còn được coi là cơ cấu bắt buộc phải có; cơ cấu mềm là cơ cấu có thể thay đổi theo tình hình thực tế của việc lựa chọn nhân sự trong quá trình hiệp thương.

Một khó khăn khác là cơ cấu của các ứng cử viên được giới thiệu và cơ cấu của các đại biểu được bầu có thể khác nhau. Quá trình hiệp thương, lựa chọn các ứng cử viên có công phu đến đâu, thì bảo đảm cơ cấu đã được dự kiến cũng sẽ rất khó khăn. Bởi vì rằng không ai có thể "ra lệnh" được cho cử tri là phải bầu như thế nào. Tuy nhiên, sự chênh lệch giữa cơ cấu dự kiến với cơ cấu thực tế sau bầu cử thường không nhiều. Quan trọng nhất ở đây là các cơ cấu cứng thường ít bị thay đổi.

Nhiều người cho rằng cơ cấu và chất lượng có thể xung đột với nhau. Lựa chọn được ứng cử viên phù hợp với cơ cấu thì chưa chắc đã phù hợp với đòi hỏi về chất lượng. Quả thực, nếu một ứng cử viên phải gánh quá nhiều cơ cấu, thì việc bảo đảm chất lượng của ứng cử viên là khó khăn. Thí dụ, phải cơ cấu một ứng cử viên nữ, trẻ tuổi, người dân tộc thiểu số, đang làm thẩm phán chẳng hạn, thì có khi cả tỉnh chưa chắc đã tìm được ai. Và nếu tìm được một người, thì cơ hội để lựa chọn xem người đó có đáp ứng các yêu cầu về chất lượng hay không quả là gần như không còn. Tuy nhiên, trong trường hợp này, tiêu chí cơ cấu mềm cần được áp dụng. Nghĩa là, khi không thể lựa chọn được một ứng cử viên đáp ứng cả bốn tiêu chí, thì cần xác định các tiêu chí theo thứ tự ưu tiên. Những ứng cử viên có chất lượng và đáp ứng được nhiều tiêu chí nhất theo thứ tự ưu tiên thì cần được lựa chọn. Đây là cách phù hợp để không phải hy sinh hoàn toàn cơ cấu cho chất lượng.

Thật ra, bảo đảm được một cơ cấu hợp lý cũng chính là bảo đảm chất lượng hoạt động của Quốc hội. Quốc hội là cơ quan đại diện cho toàn thể nhân dân. Với một cơ cấu đại biểu phù hợp, thì các tầng lớp dân cư khác nhau đều được đại diện và có được tiếng nói ở Quốc hội. Đây là điều kiện tiên quyết để Quốc hội thấu hiểu và phản ánh được lợi ích của đông đảo các tầng lớp nhân dân.

TS Nguyễn Sĩ Dũng

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.com.vn/chinh-tri-hangthang/co-cau-va-chat-luong-640337/