'Cò' chạy dự án ở Lâm Đồng được giảm án
Ngày 14/5, TAND tỉnh Lâm Đồng tiến hành xét xử phúc thẩm đối với bị cáo Trần Thạch Anh (SN 1961, ngụ TP Bảo Lộc) về tội 'Làm giả tài liệu, con dấu của cơ quan, tổ chức'. Luật sư bảo vệ quyền lợi cho người liên quan trong vụ án chỉ ra nhiều nội dung cần làm rõ và đề nghị trả hồ sơ điều tra bổ sung. Tuy nhiên, những lập luận này bị HĐXX bác, tuyên chấp nhận kháng cáo giảm nhẹ hình phạt của bị cáo.
Thuyết phục người liên quan rút đơn kháng cáo?
Theo hồ sơ vụ án, năm 2014, thông qua một người quen, bị cáo Thạch Anh nhận xin dự án bà Nguyễn Thị Trúc Linh (SN 1993) là đại diện Công ty TNHH Phụng Trà Linh (sau đây gọi là Cty Phụng Trà Linh), chuyên sản xuất các loại trà, trụ sở thôn 5, xã B’Lá, huyện Bảo Lâm, tỉnh Lâm Đồng.
Từ năm 2014 đến ngày 18/2/2017, bị cáo Thạch Anh nhận tiền và quà là trà khô do bà Linh giao để “chạy” dự án hơn 1,6 tỉ đồng. Bị cáo Thạch Anh khai rằng số tiền trên đưa cho nhiều người để “bôi trơn” xin dự án. Tuy nhiên, những người khác không thừa nhận việc nhận tiền từ bị cáo.
Quá trình “xin” dự án, bị cáo đưa cho bà Linh 7 tài liệu được xác định là giả. Trong đó, bị cáo tự làm giả 2 tài liệu nhằm mục đích “làm cho bà Linh tin tưởng dự án vẫn đang thực hiện”. Sau khi biết bị cáo có hành vi làm giả, lừa dối, bà Linh tố cáo đến công an. CQĐT tỉnh Lâm Đồng sau đó khởi tố bị cáo tội “Làm giả tài liệu, con dấu của cơ quan, tổ chức”.
Phiên sơ thẩm, bị cáo bị tuyên 24 tháng tù giam, buộc bồi thường cho bà Linh 945 triệu đồng (trước đó đã trả 580 triệu đồng), đồng thời kiến nghị xem xét khởi tố bị cáo tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.
Tại phiên tòa phúc thẩm, bị cáo thừa nhận toàn bộ hành vi và xin giảm nhẹ hình phạt. Trong phần xét hỏi, HĐXX dành nhiều thời gian giải thích nhằm thuyết phục người liên quan là bà Linh rút đơn kháng cáo hoặc chỉ kháng cáo một phần bản án chứ không phải kháng cáo toàn bộ bản án như ban đầu.
HĐXX cho rằng: “Tòa đã làm hết trách nhiệm. VKS truy tố tội danh nào thì tòa xử tội danh đó, không thì thôi. Theo tố tụng hình sự là như vậy. Tất cả những yêu cầu đều thỏa mãn, tiền cũng đã được tuyên và bị cáo hứa sẽ trả lại. Tại sao còn kháng cáo toàn bộ bản án? Người liên quan nên hiểu là luật chỉ cho phép kháng cáo những phần nào liên quan đến người liên quan thì mới kháng cáo”. Dù HĐXX gồm 3 thẩm phán cố gắng thuyết phục người liên quan rút một phần kháng cáo nhưng bà Linh không đồng ý.
Đến phần đại diện VKS hỏi, công tố viên tiếp tục giải thích những gì mà HĐXX đã nêu ra. Chủ tọa lại giải thích việc kháng cáo của bà Linh để bà này rút một phần kháng cáo. Chỉ trong phần hỏi, bà Linh đã lặp lại yêu cầu “giữ nguyên kháng cáo” 6 lần nhưng vẫn bị “thuyết phục”.
Về phía bị cáo thừa nhận ngày 23/6/2016 khi biết dự án không thực hiện được nhưng để lừa dối, làm cho bà Linh tin dự án vẫn đang tiến triển nên đã làm giả tài liệu như cáo buộc. Và để bà Linh tin nên bị cáo tiếp tục nhận tiền, trà khô nhưng số lượng bao nhiêu không nhớ.
Luật sư đề nghị trả hồ sơ điều tra bổ sung
Ở phần tranh luận, đại diện VKS cho rằng phần hình sự không có cơ sở để chấp nhận kháng cáo giảm nhẹ của bị cáo. Cấp sơ thẩm cũng đã kiến nghị xử lý bị cáo hành vi “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” nên cũng không chấp nhận kháng cáo của người liên quan. Về phần dân sự, do bị cáo không kháng cáo và người liên quan thống nhất số tiền 945 triệu đồng, bị cáo chấp nhận trả nên đề nghị giữ nguyên bản án sơ thẩm.
Bảo vệ quyền và lợi ích cho bà Linh, Luật sư (LS) Huỳnh Phước Hiệp (Đoàn LS TP HCM) nêu quan điểm: “Về phần bồi thường thiệt hại 945 triệu cho Cty Phụng Trà Linh, tôi cho rằng cấp sơ thẩm đã vội vàng, chưa làm rõ. Bởi lẽ, Cty Phụng Trà Linh mới thành lập, chưa hoạt động, các thành viên chưa góp vốn nên tiền để xin dự án là của Công ty Sinh An Việt Nam do chồng bà Linh làm giám đốc.
Cty Phụng Trà Linh cũng chưa sản xuất nên không có trà để đưa cho bị cáo. Các biên lai nhận tiền đều là của Công ty Sinh An Việt Nam. Vì vậy, cấp sơ thẩm tuyên buộc bị cáo trả lại tiền, trà cho Cty Phụng Trà Linh là vi phạm pháp luật. Cần phải xác định tiền này là của ai, trà của ai mới trả lại được nhưng sơ thẩm chưa làm rõ”.
Về nội dung hình sự trong vụ án, LS Hiệp cho rằng trong hồ sơ vụ án không xác định bị cáo là người làm giả giấy tờ, tài liệu; cũng không xác định được công cụ, phương tiện để bị cáo làm giả văn bản. Mặt khác bị cáo khai nhờ một người trong tiệm photo làm giả thì có đồng phạm hay không cũng chưa làm rõ.
“Trong kết luận điều tra và cả tại phiên tòa, bị cáo thừa nhận có lừa dối bà Linh khi biết dự án không thực hiện được và lấy số tiền 27 triệu đồng, 40 kg trà khô. CQĐT nhận định số tiền này là nhỏ. Nhận định này là chưa đúng vì dùng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt 2 triệu đồng đã là phạm tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.
Tuy nhiên, cáo trạng lại không truy tố và tòa sơ thẩm trả hồ sơ nhiều lần vẫn không thực hiện”, LS Hiệp trình bày đồng thời đề nghị làm rõ số tiền 1,6 tỷ đồng bị cáo đã nhận sử dụng vào mục đích gì? Với hàng loạt vấn đề nêu ra, LS Hiệp đề nghị hủy án sơ thẩm, trả hồ sơ điều tra lại.
Khi tranh luận về phần dân sự, đại diện VKS đã thay đổi quan điểm. Công tố viên cho rằng bản án sơ thẩm tuyên bị cáo bồi thường cho bà Linh 945 triệu đồng là trái luật vì tội danh “Làm giả tài liệu, con dấu của cơ quan, tổ chức” không có phần thiệt hại về dân sự. Do đó, vị đại diện VKS đề nghị hủy phần dân sự này. Dù trước đó, vị này đề nghị giữ nguyên án sơ thẩm.
HĐXX cấp phúc thẩm đã bác bỏ lập luận của LS, bác kháng cáo của bà Linh; chấp nhận kháng cáo của bị cáo và tuyên giảm án cho bị cáo còn 12 tháng tù giam. Về dân sự, HĐXX tuyên hủy phần dân sự ở bản án sơ thẩm. Số tiền 945 triệu đồng sẽ được giải quyết ở một vụ án khác.