Cơ chế bảo mật phải theo kịp tốc độ gia tăng thanh toán điện tử
Để nâng cao ý thức bảo mật của người dùng, Phó Thống đốc NHNN đề nghị truyền thông rộng rãi về các phương thức, cách thức lừa đảo, như qua tin nhắn, điện thoại, giả danh cán bộ, lừa đảo qua Facebook... để người dân nắm được các nguy cơ lừa đảo, cách phòng tránh.
Giao dịch khoảng 35 tỷ USD/ngày, ngân hàng phải có hệ thống an toàn
Tại Hội thảo "Chuyển đổi số ngân hàng, tài chính và cơ hội của nông dân", do Trung ương Hội Nông dân Việt Nam và NHNN phối hợp tổ chức ngày 13/10, tại Hà Nội, Phó Thống đốc NHNN Phạm Tiến Dũng khẳng định, các ngân hàng (NH) sẽ không tồn tại nếu không cung ứng dịch vụ trên không gian số một cách tốt, chất lượng, chi phí hợp lý và an toàn.
NHNN đã ban hành Thông tư 06/2023/TT-NHNN, trong đó có quy định về cho vay bằng phương tiện điện tử (từ 1/9/2023), dư nợ cho vay của NH qua phương thức điện tử đối với một khách hàng là cá nhân vay vốn phục vụ nhu cầu đời sống không vượt quá 100 triệu đồng tại một tổ chức tín dụng. NHNN đang phối hợp Bộ Công an đánh giá khách hàng vay theo các khía cạnh xác thực khách hàng và dựa vào cơ sở dữ liệu (CCCD) và khi cơ sở dữ liệu này được làm giàu dữ liệu hơn, bao gồm cả các thông tin về thuế, bảo hiểm xã hội... thì sẽ cho vay tín chấp nhiều hơn.
Phó Thống đốc đề nghị các NH lắng nghe ý kiến bà con nông dân vùng nông thôn, thiết kế sản phẩm, dịch vụ phù hợp, vì địa bàn nông thôn rất lớn.
Về vấn đề bảo mật, Phó Thống đốc Phạm Tiến Dũng cam kết ứng dụng của NH là an toàn, không có câu chuyện hack vào máy chủ của NH hay hack tài khoản. Để nâng cao ý thức bảo mật của người dùng, Phó Thống đốc đề nghị truyền thông rộng rãi về các phương thức, cách thức lừa đảo, như qua tin nhắn, điện thoại, giả danh cán bộ, lừa đảo qua Facebook... để người dân nắm được các nguy cơ lừa đảo, cách phòng tránh.
"Hiện nay, mỗi ngày giao dịch thanh toán qua hệ thống NH tương đương 35 tỷ USD (khoảng 800.000 tỷ đồng), vì vậy, ngành NH phải đảm bảo an toàn cho các giao dịch đó và sẽ phải cung cấp dịch vụ tốt hơn, đảm bảo tiện-lợi-an toàn", ông Phạm Tiến Dũng nhấn mạnh.
Phó Thống đốc Phạm Tiến Dũng nhấn mạnh, không thể làm dịch vụ công trực tuyến cấp độ 4, không thể thanh toán hóa đơn được nếu ngành NH không có hệ thống thanh toán. NH luôn đi trước trong công nghệ, tuy nhiên, một mình hệ thống thanh toán của NH không thể làm hết được nếu các bên khác không có sự thay đổi, kết nối liên thông.
"Chúng ta phải cùng nhau xây dựng thành hệ sinh thái để bà con có thể lên ứng dụng NH đặt mua, thanh toán các sản phẩm nông nghiệp... NH đi trước tạo tiền đề cho các ngành khác. Về phía mình, ngành NH cam kết cung cấp dịch vụ tài chính một cách tiện lợi, an toàn, chi phí hợp lý, NH luôn đồng hành cùng bà con nông dân", Phó Thống đốc Phạm Tiến Dũng khẳng định.
Nêu cao cảnh giác đánh cắp dữ liệu, lừa đảo trực tuyến
Ông Phạm Văn Quyên, Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc HTX Nam Việt chia sẻ: Hiện nay HTX Nam Việt đã và đang ứng dụng rất nhiều các dịch vụ số của NH, trong đó quan trọng nhất là thanh toán điện tử. Tuy nhiên, hiện nay còn nhiều người dân mất tiền trong tài khoản NH.
"Người dân vùng nông thôn như chúng tôi nhiều khi vô tình nhấn vào đường link giả mạo nên bị đối tượng lừa đảo rút sạch tiền, vì vậy người dân lo lắng, bất an khi sử dụng dịch vụ NH số. Khi người dân mất tiền giải quyết thế nào, cơ quan chức năng có giải pháp để khắc phục vấn đề trên? Tôi cho rằng, chỉ khi các câu hỏi này được trả lời thì những người nông dân như chúng tôi mới thật sự sẵn sàng sử dụng các dịch vụ NH, tài chính số", ông Phạm Văn Quyên nêu ý kiến.
Còn ông Nguyễn Văn Nam, Giám đốc HTX Sản xuất và tiêu thụ mỳ Chũ Nam Thể băn khoăn về bảo mật thông tin. Cụ thể, hiện nay đối tượng lừa đảo có nhiều cách để lừa đảo lấy được số CCCD để lừa đảo lấy cắp tiền.
"Tôi đề nghị cơ quan chức năng giải quyết tình trạng sim ảo, sim rác; tăng bảo mật và giải quyết việc mua bán thông tin cá nhân để người nông dân yên tâm", ông Nguyễn Văn Nam nói.
Ông Phạm Anh Tuấn, Vụ Trưởng Vụ Thanh toán NHNN khuyến cáo bà con nông dân, người tiêu dùng phải ý thức được việc bảo mật thông tin cá nhân của mình. Nghị định 13 cũng đã mở đường tạo điều kiện pháp lý để bảo vệ thông tin cá nhân.
Chúng ta phải biết bảo vệ thông tin cá nhân của mình, tuyệt đối không cung cấp thông tin liên quan đến tài chính NH. Vừa qua NHNN cũng đã có văn bản yêu cầu tất cả tổ chức tín dụng trung gian thanh toán, khi gửi tin nhắn, email đến người tiêu dùng, tuyệt đối không sử dụng đường link. Bởi hiện nay việc giả mạo đường link trong tin nhắn đã khiến người tiêu dùng bị lừa. Một số NH trong khu vực cũng đã có các chỉ đạo tương tự.
"Chúng tôi khuyến nghị tất cả các tổ chức tín dụng khi cung cấp dịch vụ mobile banking tại quầy phải xác minh điện thoại chính chủ, thông qua việc gửi tin nhắn đến 1404. Giao dịch viên phải kiểm tra lại toàn bộ thông tin khi khách hàng cung cấp để đảm bảo rằng, người đăng ký dịch vụ mobil banking chính là chủ là tài khoản đã được mở. Điều đó sẽ hạn chế tới mức thấp nhất những thông tin thất thoát, thông tin được mua bán, trao đổi", ông Phạm Anh Tuấn nói
Trung tá Triệu Mạnh Tùng, Phó Cục trưởng A05, Bộ Công an chia sẻ, tội phạm lừa đảo qua mạng phát triển là vì người dân sử dụng các dịch vụ qua mạng rất lớn, dẫn đến các hoạt động đời sống, tài nguyên, tài sản đưa lên môi trường mạng rất nhiều. Trong khi đó, các biện pháp bảo vệ của Nhà nước, cá nhân chưa tương xứng, thì đương nhiên dẫn đến những nguy cơ.
Có nhiều đối tượng coi lừa đảo là một nghề để hoạt động. Số vụ việc lừa đảo xảy ra là rất rộng, thậm chí có sự cấu kết giữa giữa trong nước và nước ngoài. Người nông dân, người ở vùng sâu, vùng xa là những người yếu thế, cũng là những người dùng mà đối tượng lừa đảo nhắm tới để chiếm dụng tài sản.
Thường thì người dân bị mất tài khoản bởi các đối tượng lợi dụng hành vi thiếu an toàn, chẳng hạn như các đối tượng gửi đường link có mã độc, người dùng vô tình bấm vào và bị các đối tượng đánh cắp thông tin.
Hoặc các đối tượng lợi dụng thông tin cá nhân của khách hàng lộ lọt trên mạng xã hội để lừa đảo, dẫn dắt qua các hình thức được hưởng hoa hồng từ hoạt động thương mại điện tử.
Thậm chí, các đối tượng còn tinh vi giả danh công an, viện kiểm sát để tham gia các vụ án để yêu cầu người dân chuyển tiền. Ông Tùng khẳng định, không có cơ quan công an, viện kiểm sát nào lại yêu cầu người dân chuyển tiền thông qua điện thoại.
"Bộ Công an đang phối hợp với NHNN triển khai rất nhiều biện pháp ngăn chặn lừa đảo. Tình trạng lừa đảo đã giảm đi nhiều. Sắp tới, ngành NH sử dụng ứng dụng nhận diện qua khuôn mặt sẽ hạn chế được việc sử dụng tài khoản của người khác để thực hiện giao dịch", đại diện A05 cho hay.
Ông Lương Quốc Đoàn, Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam khẳng định: Việc tham gia chuyển đổi số của nông dân góp phần không nhỏ cho thành công của chương trình chuyển đổi số quốc gia; xác định chuyển đổi số với 3 trụ cột chính là chính phủ số, kinh tế số, xã hội số nhằm tạo sự bứt phá mạnh mẽ về tăng năng suất, sức cạnh tranh của nền kinh tế nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước cũng như nâng cao đời sống cho người dân.
Chuyển đổi số trong nông nghiệp là một trong những 8 lĩnh vực ưu tiên trong chuyển đổi số. Trong đó, người nông dân là trung tâm của chuyển đổi số.
Hội Nông dân Việt Nam đã kết nối với các chuyên trang về chuyển đổi số, kinh tế số trên cổng thông tin, fanpage của các cấp hội, phối hợp với các bộ ngành, xây dựng ứng dụng (app) nông dân dự kiến sẽ ra mắt ngày 15/12 sẽ chính thức ra mắt để hỗ trợ tốt nhất cho người dân.