Cơ chế bảo vệ Hiến pháp trong tiến trình xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN

Nghị quyết số 48 của Bộ Chính trị năm 2005 về chiến lược xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật, lần đầu tiên đã xác định xây dựng và hoàn thiện cơ chế bảo vệ Hiến pháp 'xác định cơ chế bảo vệ Hiến pháp, định rõ cơ chế, cách thức bảo đảm tính tối cao của Hiến pháp'.

 Xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN của dân, do dân và vì dân.

Xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN của dân, do dân và vì dân.

Xây dựng và hoàn thiện cơ chế bảo vệ Hiến pháp được coi là một yêu cầu, một nội dung trong nhiệm vụ xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa mà các Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ X, XI, XII và XIII đã đề ra.

1. Tư tưởng về bảo vệ Hiến pháp đã hình thành từ rất lâu trong lịch sử nhà nước và pháp luật thế giới. Sự hình thành và phát triển của tư tưởng này có liên quan chặt chẽ đến sự phát triển của chủ nghĩa lập hiến ở Mỹ và ở châu Âu. Theo đó, việc bảo vệ Hiến pháp không chỉ được coi là một nội dung không thể thiếu của nhà nước pháp quyền mà còn là sản phẩm tất yếu của luận thuyết cho rằng hiến pháp là luật cao nhất, là luật cơ bản.

Ở nước ta, cơ chế bảo vệ Hiến pháp được hiểu là tổng thể các yếu tố, bao gồm thể chế bảo vệ Hiến pháp, cơ quan bảo vệ Hiến pháp và phương thức vận hành bảo vệ Hiến pháp, có quan hệ tương tác lẫn nhau, tạo thành một hệ thống vận hành để tiến hành các hoạt động nhằm bảo đảm cho Hiến pháp được tôn trọng và thực hiện, mọi hành vi vi phạm Hiến pháp đều bị xử lý.

Điều 2 Hiến pháp 2013 quy định: “Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân”. Còn tại Điều 119: “Hiến pháp là luật cơ bản của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, có hiệu lực pháp lý cao nhất; Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, Chủ tịch nước, Chính phủ, Tòa án Nhân dân, Viện Kiểm sát nhân dân, các cơ quan khác của Nhà nước và toàn thể Nhân dân có trách nhiệm bảo vệ Hiến pháp; Cơ chế bảo vệ Hiến pháp do luật định”.

Xét một cách tổng quan, cơ chế bảo vệ Hiến pháp trong Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam phản ánh bản chất của Nhà nước xã hội chủ nghĩa, thể hiện hài hòa tính dân tộc và tính thời đại, chứa đựng những giá trị phổ biến của văn minh nhân loại về Nhà nước pháp quyền, đồng thời phù hợp với các nguyên tắc tổ chức và hoạt động của Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Bảo vệ Hiến pháp là hoạt động đặc biệt được thể hiện ở mục đích, tính chất, nội dung đặc biệt, đòi hỏi phải được tiến hành bởi chủ thể đặc biệt. Bảo vệ Hiến pháp là bảo vệ chủ quyền Nhân dân, bảo vệ chế độ chính trị, nền tảng pháp lý của Nhà nước, bảo vệ những giá trị trường tồn và cao quý nhất trong xã hội. Bảo vệ Hiến pháp không chỉ là bảo vệ và bảo đảm sự tuân thủ những nguyên tắc, quy phạm được thể hiện bằng lời văn của Hiến pháp mà còn bảo vệ tinh thần cốt lõi của Hiến pháp.

2. Trước những yêu cầu xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, thực tiễn thực hiện cơ chế bảo vệ Hiến pháp vẫn còn những khoảng trống. Những vấn đề này đã được nhìn nhận và đề cập đến trong quá trình xây dựng và thi hành Hiến pháp năm 2013, cụ thể:

Một là, mặc dù thể chế bảo vệ Hiến pháp đã xác định được một số nguyên tắc chỉ đạo hoạt động bảo vệ Hiến pháp, quy định về một số nội dung và thẩm quyền của các chủ thể tham gia bảo vệ Hiến pháp nhưng các quy định còn chưa cụ thể, mức độ thể hiện yêu cầu của các nguyên tắc chưa phù hợp với đặc trưng của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa; nhiều nội dung rất quan trọng nhằm bảo vệ Hiến pháp chưa được quy định trong các văn bản qui phạm pháp luật hiện hành của Việt Nam.

Hai là, một số nội dung bảo vệ Hiến pháp đã được xác định nhưng cơ sở pháp lý để thực hiện những nội dung đó chưa đầy đủ, chưa cụ thể, còn chứa đựng những quy định mâu thuẫn: nội dung kiểm tra, giám sát tính hợp hiến của văn bản qui phạm pháp luật chưa bao gồm kiểm tra, giám sát đối với văn bản qui phạm pháp luật do Quốc hội ban hành; quy định về giải thích Hiến pháp còn sơ sài. Cơ chế bảo vệ Hiến pháp chưa tách bạch giữa kiểm tra, giám sát tính hợp hiến và kiểm tra, giám sát tính hợp pháp của văn bản và hành vi của các cơ quan và cá nhân mà Hiến pháp trao quyền.

Ba là, thể chế bảo vệ Hiến pháp thiếu tính hệ thống: Do nhiệm vụ bảo vệ Hiến pháp được giao cho nhiều thiết chế khác nhau nên các qui phạm về bảo vệ Hiến pháp được chứa đựng rải rác trong rất nhiều văn bản, thậm chí cả văn bản dưới luật. Phương thức vận hành của cơ chế bảo vệ Hiến pháp chưa được qui định một cách cụ thể, chi tiết, một số biện pháp mang tính tùy nghi nên hạn chế tính khả thi. Một vài thiết chế có thẩm quyền bảo vệ Hiến pháp nhưng thiếu hình thức, quy trình, thủ tục thực hiện thẩm quyền.

Bốn là, qua giám sát cho thấy, những văn bản có dấu hiệu trái với Hiến pháp, luật, nghị quyết của Quốc hội ít xảy ra nhưng những văn bản dưới luật có quy định chưa thống nhất với luật, hoặc chồng chéo lại chưa được rà soát, theo dõi, phát hiện xử lý kịp thời. Mặt khác, các thiết chế Chủ tịch nước và Thủ tướng Chính phủ cũng có những thẩm quyền nhất định xem xét tính hợp hiến của văn bản quy phạm pháp luật, nhưng trong thực tế hai thiết chế này hầu như không thực hiện thẩm quyền này của mình.

Bên cạnh đó, thiết chế bảo vệ Hiến pháp mang tính phi tập trung và không chuyên trách; thẩm quyền bảo vệ Hiến pháp được giao cho nhiều cơ quan, cá nhân khác nhau như: Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ..., nhưng thiếu sự phân công rõ ràng. Phương thức hoạt động của cơ chế bảo vệ Hiến pháp còn dàn trải, đa số các biện pháp mang tính chất tư vấn, khuyến nghị nên hiệu lực pháp lý thấp.

3. Hiến pháp năm 2013 đã được triển khai sâu rộng trên mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, trong đó vấn đề bảo vệ Hiến pháp cũng được các cơ quan nhà nước, Nhân dân và toàn xã hội quan tâm đúng mức. Để hoàn thiện cơ chế bảo vệ Hiến pháp đồng bộ, phù hợp, trong giai đoạn tới cần chú trọng những vấn đề sau:

Thứ nhất, cơ chế bảo vệ Hiến pháp phải tuân thủ các nguyên tắc tổ chức và hoạt động của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Các nguyên tắc “tất cả quyền lực Nhà nước thuộc về Nhân dân”, “hiệu lực tối cao của Hiến pháp” và “quyền lực Nhà nước thống nhất, có sự phân công, phối hợp và kiểm soát giữa các cơ quan nhà nước trong thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp” có quan hệ chặt chẽ với nhau. Trong đó, “tất cả quyền lực Nhà nước thuộc về Nhân dân” là nền tảng, là nguyên tắc chỉ đạo các nguyên tắc khác của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Sự phân công, phối hợp và kiểm soát giữa các cơ quan khi thực hiện quyền lực nhà nước là dựa trên ý chí của Nhân dân và nhằm thực hiện quyền lực thống nhất ở Nhân dân.

Thứ hai, tiếp tục củng cố một số điểm hợp lý, bảo đảm phát huy kết quả tích cực đã đạt được của cơ chế bảo vệ Hiến pháp hiện hành. Cụ thể là: xác định một cách đúng đắn, rõ ràng về tính chất, phạm vi, thẩm quyền giám sát của Quốc hội; kiện toàn tổ chức và hoạt động của Quốc hội để thực hiện có hiệu quả giám sát việc thi hành Hiến pháp và giám sát tính hợp hiến của văn bản quy phạm pháp luật; đổi mới một số hình thức giám sát của Quốc hội. Trong số các thiết chế bảo vệ Hiến pháp, Quốc hội là thiết chế quan trọng nhất, được giao những thẩm quyền cao nhất và có ý nghĩa quyết định cuối cùng trong các hoạt động bảo vệ Hiến pháp. Đồng thời, giữa các thiết chế có sự phân công nhiệm vụ bảo vệ Hiến pháp mang tính thứ bậc và có sự phối hợp với nhau, hoạt động của thiết chế này hỗ trợ cho hoạt động của thiết chế khác.

Thứ ba, đổi mới tư duy pháp lý, nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò giá trị của Hiến pháp, cơ chế bảo vệ Hiến pháp. Hoàn thiện cơ chế bảo vệ Hiến pháp trong là một quá trình tương đối dài. Song song với việc nghiên cứu thiết lập một cơ chế bảo vệ Hiến pháp mới tương thích với nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa cần tiến hành các giải pháp để nâng cao hiệu quả của cơ chế bảo vệ Hiến pháp hiện hành.

Bên cạnh tính pháp lý là đạo luật cơ bản của Nhà nước, có hiệu lực pháp lý cao nhất cả về không gian và thời gian, Hiến pháp cần được coi là văn bản chứa đựng những giá trị xã hội cao quý nhất của xã hội, thể hiện ý chí tối cao của Nhân dân. Cần thấy rằng cơ chế bảo vệ Hiến pháp là tổng thể các yếu tố bao gồm thiết chế thực hiện, các nguyên tắc, qui định pháp lý, phương thức hoạt động, những bảo đảm về cơ sở vật chất và ý thức, văn hóa pháp lý... vận hành theo nguyên tắc chung nhằm bảo đảm sự tôn trọng và thực hiện Hiến pháp, xử lý mọi hành vi vi phạm Hiến pháp. Trong cơ chế bảo vệ Hiến pháp, việc tổ chức thiết chế thực hiện là vấn đề then chốt nhất.

Thứ tư, xây dựng một cơ chế bảo vệ Hiến pháp mới đồng bộ, thống nhất, rõ ràng và phương thức hoạt động mang tính tài phán Hiến pháp.

Các hoạt động bảo vệ Hiến pháp cần được tiến hành đồng đều, đáp ứng yêu cầu điều kiện kinh tế - xã hội của nước ta. Cần phải đa dạng hóa các phương thức vận hành của cơ chế bảo vệ Hiến pháp, không chỉ mang tính chính trị hay chỉ có giá trị tư vấn, khuyến nghị mà cần tăng cường các hình thức giám sát của Nhân dân qua giám sát, thông qua phản biện xã hội cũng như các hình thức dân chủ trực tiếp khác. Các yếu tố của cơ chế bảo vệ Hiến pháp cần được đồng bộ với nhau và toàn bộ cơ chế bảo vệ Hiến pháp cần vận hành thường xuyên, nhịp nhàng, hiệu quả cao.

Thứ năm, bảo đảm tính đồng bộ, rõ ràng, minh bạch và hiệu lực của cơ chế bảo vệ Hiến pháp, mọi vi phạm Hiến pháp phải được phán quyết và xử lý. Cơ chế bảo vệ Hiến pháp trực tiếp liên quan đến Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, Chủ tịch nước, Chính phủ, Tòa án Nhân dân, Viện Kiểm sát nhân dân, các cơ quan khác của Nhà nước và toàn thể Nhân dân, do vậy, cần khắc phục tình trạng chồng chéo, đùn đẩy, khó xác định được trách nhiệm giữa các thiết chế bảo vệ Hiến pháp hiện nay.

Bảo vệ Hiến pháp không chỉ dừng lại là bảo đảm sự tôn trọng và thi hành Hiến pháp, ngăn ngừa và xử lý mọi hành vi vi phạm Hiến pháp; bảo vệ Hiến pháp cũng chính là bảo vệ chủ quyền của Nhân dân, vai trò lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước, từ nền tảng pháp lý và những giá trị, cao quý nhất của xã hội, qua đó, bảo đảm sự ổn định và phát triển bền vững chế độ chính trị.

------------------------------

TÀI LIỆU THAM KHẢO

[1] Bộ Chính trị, Nghị quyết 48-NQ/TW về chiến lược xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam đến năm 2010, định hướng đến năm 2020.

[2] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia - Sự thật, 2021.

[3] Quốc hội, Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2013, Nxb. Chính trong trị quốc gia - Sự thật, 2014.

ThS. Phạm Thanh Sơn, Khoa Luật, Học viện An ninh nhân dânThS. Võ Quang Trung, Khoa Nghiệp vụ cơ bản - Học viện An ninh nhân dân

Nguồn Xây Dựng Đảng: http://www.xaydungdang.org.vn/nhan-quyen-va-cuoc-song/co-che-bao-ve-hien-phap-trong-tien-trinh-xay-dung-nha-nuoc-phap-quyen-xhcn-19327