Cơ chế chính sách đã có nhưng chưa được thực hiện nghiêm

Theo ông Đỗ Viết Chiến, nguyên Cục trưởng Cục phát triển đô thị (Bộ Xây dựng), để khắc phục tình trạng các đô thị xây dựng không theo quy hoạch, Chính phủ đã ban hành Nghị định 11/2013/NĐ-CP về quản lý đầu tư phát triển đô thị. Tuy nhiên cơ chế chính sách đã có nhưng chưa được thực hiện nghiêm.

Thực trạng các khu đô thị tại các thành phố lớn hiện nay được quy hoạch một đằng, khi thực hiện một nẻo. (Ảnh minh họa)

Nghị định 11 quy định các khu đô thị mới phát triển bắt buộc phải thông qua chương trình phát triển đô thị. Điều này đã khắc phục tình trạng đầu tư dàn hàng ngang, nhà đầu tư xin đâu cho đó. Phát triển các khu đô thị mới phải dựa trên nhu cầu thực tế. Sau hai năm thực hiện Nghị định 11, các địa phương sau khi rà soát lại đã chấm dứt được tình trạng đầu tư dàn trải. Đồng thời, quy định xác định khu vực phát triển đô thị và chỉ có trong khu vực này mới được phát triển các dự án, không đánh đồng các dự án với nhau.

“Bây giờ phải đầu tư theo quy hoạch và có kế hoạch. Thêm nữa là không mở rộng đô thị một cách tràn lan. Do đó, tôi cho rằng mảng cơ chế chính sách giờ đây gần như đã bao phủ toàn diện”, ông Chiến nói.

Theo GS. Đặng Hùng Võ, để các khu đô thị phát triển theo đúng quy hoạch, hai xu hướng tất yếu đó là xanh và thông minh, bởi nếu không có những yếu tố này thì dân sẽ không ở.

GS. Đặng Hùng Võ cũng lấy ví dụ về sự phát triển của khu đô thị Phú Mỹ Hưng (TP. HCM). Đây là một trong những khu đô thị đầu tiên của Việt Nam, có tư duy đô thị khá tốt, có tính bền vững.

Còn tại khu vực Hà Nội, ông Đặng Hùng Võ đánh giá, các khu đô thị đi về phía Tây vẫn bị vướng một cái gì đó xuất phát từ quy hoạch sau khi sáp nhập Hà Tây vào, tính bền vững không mạnh lắm, không tốt lắm. “Tôi vẫn hy vọng khu vực phía Bắc hoặc phía Đông sẽ có những khu đô thị tạo được điểm nhấn hơn”, ông Võ nhấn mạnh.

Đồng tình với ông Võ, ông Đỗ Viết Chiến cho rằng, các khu đô thị phát triển về sau này sẽ chú trọng nhất đến giá trị bền vững, giá trị con người nhiều hơn. Tuy nhiên, để xây dựng đô thị xanh và thông minh thì đầu tư phải cao hơn, như cần chi phí để tạo hồ nước, tạo cây xanh, mạng lưới điện tử, tự động hóa, …

Bên cạnh các khu đô thị hướng đến xanh và thông minh, GS. Đặng Hùng Võ cho rằng cần phải có những khu đô thị đặc thù, hiện nay đã bắt đầu có ý tưởng về khu đô thị thể thao. Trên thực tế, nhiều khu đô thị xây dựng sau, thậm chí có điều chỉnh quy hoạch, nhưng vẫn không thể đáp ứng được các tiêu chí về một khu đô thị xanh và thông minh.

Nhiều khu đô thị tại vùng ven như ở huyện Mê Linh, Hoài Đức… còn bỏ hoang, gây mất mỹ quan đô thị. Nếu các đô thị này được hoàn thiện cũng không thể đáp ứng được những tiêu chí theo Nghị định 11.

Nghị định đã có, nhưng chủ đầu tư không thực hiện vẫn chưa có chế tài xử phạt. Những chủ đầu tư bỏ quên trường học, bỏ quên nhà ở xã hội, hay “bức tử” đô thị vẫn “vô tư” phân lô bán nhà, bán nền.

Ông Chiến kiến nghị, Việt Nam mới đang chập chững ở những bước đầu tiên, mô hình thì có thể học tập ở những nước đã phát triển. Tuy nhiên, Nhà nước cần đưa ra khung pháp lý cụ thể để từ đó các doanh nghiệp có thể phát triển theo. Việc tạo ra sân chơi và luật chơi chính là vai trò của Nhà nước.

Hùng Quang

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/co-che-chinh-sach-da-co-nhung-chua-duoc-thuc-hien-nghiem-post65639.html