Cơ chế, chính sách đặc thù của Hà Nội phải đặt trong sự phát triển chung của cả nước
Đó là nội dung Thứ trưởng Bộ Tư pháp Phan Chí Hiếu đã nhấn mạnh tại cuộc họp Hội đồng thẩm định dự thảo Nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách tài chính - ngân sách đặc thù với TP. Hà Nội vào sáng 12/5. Tham dự cuộc họp có Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Doãn Toản.
TP. Hà Nội có vị trí, vai trò đặc biệt quan trọng, là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa, giáo dục đào tạo, khoa học công nghệ lớn của đất nước. Tuy nhiên, Hà Nội vẫn còn gặp một số vướng mắc, khó khăn như: công tác quy hoạch, quản lý đô thị chưa theo kịp yêu cầu phát triển; cơ sở hạ tầng còn nhiều bất cập; ô nhiễm môi trường; ùn tắc giao thông; ngập úng; tình trạng tăng dân cư tự phát đã gây sức ép lớn đối với hệ thống hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội ở khu vực nội thành...
Do vậy, việc quy định thí điểm một số cơ chế, chính sách tài chính – ngân sách đặc thù sẽ tạo động lực cho TP.Hà Nội tiếp tục phát triển nhanh, bền vững hơn, có sức thu hút và lan tỏa lớn ở vùng kinh tế trọng điểm phía Bắc, đóng góp lớn hơn vào sự phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách chung của cả nước.
Tại cuộc họp, sau khi nghe các ý kiến, Thứ trưởng đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo cần bám sát vào chủ trương phát triển TP.Hà Nội đã được xác định trong Nghị quyết số 11-NQ/TW ngày 6/1/2012 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội giai đoạn 2011-2020 và Kết luận số 46-KL/TW ngày 19/4/2019 của Bộ Chính trị về Đề án thí điểm quản lý theo mô hình chính quyền đô thị tại TP. Hà Nội. Từ đó, bổ sung các nhiệm vụ, giải pháp phù hợp mục tiêu, phương hướng phát triển Thủ đô trong điều kiện mới.
Thứ trưởng cũng yêu cầu cần rà soát, nghiên cứu kỹ lưỡng nhu cầu thực tế của Hà Nội để khắc phục các vướng mắc, khó khăn liên quan tới vấn đề tài chính và ngân sách; tập trung làm rõ các chính sách lớn; bổ sung đánh giá về điều kiện đảm bảo nguồn tài chính. Đồng thời rà soát kỹ các quy định pháp luật để tránh xung đột với các luật hiện hành như Luật Thủ đô; Luật Ngân sách Nhà nước; Luật Quản lý, sử dụng tài sản công; Luật Đầu tư công...
“Cơ chế chính sách đặc thù của Hà Nội phải đặt trong sự phát triển chung của cả nước, do đó cần có nguyên tắc phù hợp với khả năng, nguồn lực của Nhà nước, không vượt quá những cơ chế chính sách đặc thù áp dụng cho các thành phố khác như TP. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng”, Thứ trưởng nhấn mạnh.