Cơ chế EPR sẽ làm thay đổi thói quen trong sản xuất của doanh nghiệp

EPR được xây dựng và thực thi nhằm thay đổi thói quen sản xuất thông qua việc sử dụng vật liệu theo hướng thân thiện môi trường, kéo dài vòng đời sản phẩm.

Đó là khẳng định của ông Nguyễn Thi - Văn phòng giúp việc Hội đồng EPR Quốc gia (gọi tắt Văn phòng EPR) khi nói về quy định mở rộng trách nhiệm của nhà sản xuất, nhập khẩu trong thu hồi, xử lý sản phẩm thải bỏ (hay còn gọi là cơ chế EPR).

Từng bước hoàn thiện cơ sở pháp lý

Theo ông Nguyễn Thi, Luật Bảo vệ môi trường 2005 tại Điều 62 đã quy định về EPR, trong đó các nhà sản xuất và nhập khẩu phải tự thiết lập hệ thống thu hồi sản phẩm thải bỏ để thực hiện trách nhiệm của mình và đến Luật Bảo vệ môi trường 2020 (sửa đổi) thì cơ chế EPR đã yêu cầu các nhà sản xuất, nhập khẩu thực hiện trách nhiệm của mình theo tỷ lệ và quy cách bắt buộc.

Cơ chế EPR đã yêu cầu các nhà sản xuất, nhập khẩu thực hiện trách nhiệm của mình theo tỷ lệ và quy cách bắt buộc (Ảnh minh họa)

Cơ chế EPR đã yêu cầu các nhà sản xuất, nhập khẩu thực hiện trách nhiệm của mình theo tỷ lệ và quy cách bắt buộc (Ảnh minh họa)

Bộ Tài nguyên và Môi trường đã xây dựng các cơ sở pháp lý để triển khai thực hiện cơ chế EPR mang tính bắt buộc thông qua ban hành Nghị định số 08/2022/NĐ-CP của Chính phủ ban hành ngày 10/01/2022 quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ môi trường, trong đó có chương 6 quy định chi tiết việc thực hiện EPR ở Việt Nam.

Ông Thi cho biết, các doanh nghiệp căn cứ vào các phương pháp, lựa chọn các cách thức để triển khai, thực hiện. Liên quan đến định mức tái chế (Fs) hiện Bộ Tài nguyên và Môi trường đã hoàn thiện các quy định chi tiết để trình Thủ tướng Chính phủ ban hành.

Bên cạnh đó, Thông tư quy định về quản lý sử dụng số tiền đóng góp của nhà sản xuất, nhập khẩu vào Quỹ Bảo vệ môi trường đã trình Bộ Tài nguyên và Môi trường xem xét, ban hành.

Hiện Văn phòng Quốc gia EPR đã được thành lập cùng với đó, Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng đã xây dựng Cổng thông tin kê khai trực tuyến đối với trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất.

Hiện nay đã có hơn 200 nhà sản xuất, nhập khẩu kê khai trên hệ thống này và hệ thống đã bắt đầu vận hành một cách suôn sẻ. Bộ Tài nguyên và Môi trường đã sẵn sàng để cho các doanh nghiệp triển khai trách nhiệm của mình theo lộ trình”- ông Thi cho hay.

Cơ chế EPR làm thay đổi thói quen của nhà sản xuất

Theo ông Nguyễn Thi, cơ chế EPR đã tác động trực tiếp vào hoạt động thu gom, tái chế cũng như gia tăng tỷ lệ thu gom, tái chế. Tuy nhiên, mục tiêu mà cơ chế EPR hướng tới lớn hơn chính là làm thay đổi thói quen sản xuất, thay đổi việc sử dụng vật liệu đầu vào theo hướng thân thiện môi trường, kéo dài vòng đời sản phẩm, qua đó dễ dàng thug om tái chế hoặc tái sử dụng. Đây chính là một quá trình mà EPR tác động từ khâu thiết kế lựa chọn nguyên vật liệu cho đến quá trình sản xuất tiêu dùng, đến thải bỏ, thu gom…. Tất cả quá trình này là quá trình kinh tế tuần hoàn và EPR chính là một công cụ để các nhà sản xuất cần phải quan tâm để có thể giảm bớt sản phẩm thải bỏ ra môi trường.

Ông Nguyễn Thi - Văn phòng EPR Quốc gia (Ảnh: Cấn Dũng)

Ông Nguyễn Thi - Văn phòng EPR Quốc gia (Ảnh: Cấn Dũng)

Trong quá trình thực hiện chúng ta sẽ gặp rất nhiều khó khăn vướng mắc mà trước hết là từ hệ thống thu gom, tái chế đến nhận thức rồi đến quá trình thực tế triển khai.

Điều này đã thấy rõ vì EPR mặc dù được triển khai từ 2005 nhưng đây là cơ chế mới, nên doanh nghiệp tiếp cận còn hạn chế. Chủ yếu là các doanh nghiệp lớn- doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài quan tâm. Đồng thời, cấp độ quản lý nhà nước của chúng ta còn chưa tương xứng trong thực thi EPR, cùng với đó là hệ thống thu gom manh mún, nhỏ lẻ chủ yếu từ hệ thống đồng nát, làng nghề”- ông Thi khẳng định.

Thực thi EPR đòi hỏi hệ thống thu gom, tái chế phải ở mức độ quy mô công nghiệp, do vậy vấn đề đặt ra là phát triển hệ thống thu gom như thế nào là vấn đề mà trong thời gian tới EPR cần phải khắc phục để nâng cao hiệu quả thu gom ở Việt Nam.

EPR có được thừa nhận thành công hay không, chủ yếu phần lớn là do hệ thống thu gom được thực hiện theo quy mô công nghiệp. Và quy định phân loại rác tại nguồn của chúng ta được quy định bắt đầu từ tháng 1/2025 sẽ là cơ sở để thúc đẩy hệ thống thu gom phát triển hiện đại”- ông Thi khẳng định.

Theo ông Nguyễn Thi, để EPR thành công còn cần sự ủng hộ từ các doanh nghiệp lớn như Công ty CP Tái chế Nhựa Duy Tân, Coca-Cola, Nestlé, Unilever… và đặc biệt là PRO Việt Nam (Liên minh Tái chế bao bì Việt Nam)- đây là tổ chức cực kỳ quan trọng vì nó được các doanh nghiệp ủy quyền để thực hiện EPR, hiện PRO Việt Nam đang phát triển và nó cần có thêm thời gian, nếu có lợi mạng lưới PRO sẽ phát triển và cơ quan xây dựng chính sách phải tạo ra cơ sở pháp lý để cho PRO thấy được lợi ích của mình để họ tiếp tục đầu tư thực hiện, thu gom tái chế ở quy mô công nghiệp.

Tuy nhiên để PRO Việt Nam phát triển đòi hỏi phải có thị trường, nói về vấn đề này ông Lê Anh- Giám đốc Phát triển bền vững của Công ty CP Nhựa Tái chế Duy Tân chia sẻ: Chúng ta chưa có thị trường đầu ra tức là chưa quan tâm đến thị trường đầu ra của các hoạt động tái chế. Nếu chỉ tập trung vào hoạt động tái chế thì có thể gây ra hệ lụy rất lớn là tồn động và không thể thực hiện tái chế một cách bình thường được.

Hiện hoạt động phân loại rác vẫn chưa được phổ biến dẫn đến chi phí cho thu gom, phân loại rác lớn (Ảnh: Thu Hường)

Hiện hoạt động phân loại rác vẫn chưa được phổ biến dẫn đến chi phí cho thu gom, phân loại rác lớn (Ảnh: Thu Hường)

Cùng với đó, phân loại chưa tốt khiến tỉ lệ hao hụt trong sản xuất sau nhiều bước xử lý lên tới 40-45% chính là nguyên nhân khiến chi phí tái chế vẫn cao. Giá hạt nhựa tái chế của Duy Tân cao hơn nhựa nguyên sinh khoảng 20–25% là rào cản trong tiếp cận khách hàng”- ông Lê Anh cho hay.

Hiện Bộ Công Thương được Chính phủ giao cho nghiên cứu để đưa ra tỷ lệ sử dụng vật liệu nhựa tái chế trong sản xuất sản phẩm. Tỷ lệ này đảm bảo nhà sản xuất phải sử dụng một lượng nhựa được tái chế tại Việt Nam. Theo đó, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã đưa ra quy định nhãn xanh, nhãn sinh thái về bao bì trong đó yêu cầu các doanh nghiệp nếu muốn được dán nhãn sinh thải thì bao bì phải sử dụng ít nhất 20% lượng nhựa tái chế.

Với cách thức như vậy, chúng ta dần dần từng bước khắc phục những khó khăn mà EPR đang gặp phải”- ông Thi khẳng định.

Thu Hường

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/co-che-epr-se-lam-thay-doi-thoi-quen-trong-san-xuat-cua-doanh-nghiep-335659.html