Cơ chế nào để giám sát lời hứa của đại biểu với cử tri?

Người dân luôn quan tâm, đó là sau khi trúng cử, đại biểu sẽ thực hiện lời hứa với cử tri như thế nào, việc giám sát lời hứa của đại biểu ra sao.

Một buổi tiếp xúc cử tri của ứng cử viên đại biểu HĐND tại TPHCM

Một buổi tiếp xúc cử tri của ứng cử viên đại biểu HĐND tại TPHCM

Chúng ta chuẩn bị bước vào ngày toàn dân đi bầu cử để chọn ra những người ưu tú, xuất sắc đại diện cho tiếng nói của cử tri trên nghị trường Quốc hội, nghị trường HĐND các cấp. Một vấn đề mà người dân luôn quan tâm, đó là sau khi trúng cử, đại biểu sẽ thực hiện lời hứa với cử tri như thế nào, việc giám sát lời hứa của đại biểu ra sao.

Cử tri băn khoăn việc thực hiện lời hứa của đại biểu

Tiếng ồn từ hoạt động hát karaoke, từ loa thùng bán kẹo kéo công suất lớn gây ra được Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc TPHCM tổng hợp ý kiến của cử tri và đưa ra tại kỳ họp thứ 20 của HĐND TPHCM khóa IX đã tạo nên buổi chất vấn sôi nổi. Ông Nguyễn Thành Phong - Chủ tịch UBND TPHCM và là đại biểu HĐND khóa IX cũng nhận được tin nhắn trực tiếp của cử tri phản ánh sự bức xúc trên.

Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong

Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong

Ông Phong cho biết, khi nhận được tin nhắn của người dân, ông đã chuyển tiếp cho lãnh đạo các địa phương có phản ánh để kiểm tra và giải quyết. TPHCM cũng khẩn trương để có một chương trình hành động cụ thể nhằm ngăn chặn vấn nạn hát karaoke, loa kẹo kéo… công suất lớn ảnh hưởng người dân. Theo ông Nguyễn Thành Phong, ông luôn cố gắng giải quyết từng vấn đề trong thẩm quyền, không để lần sau cử tri phải nhắc lại.

"Thông thường khi tiếp xúc cử tri, qua ý kiến của bà con, sau đó văn phòng Ủy ban tập hợp lại và gửi những kiến nghị cử tri đó đến từng sở. Nội dụng nào thuộc thẩm quyền quận thì quận giải quyết; thuộc thẩm quyền và ý kiến tham mưu của sở thì sở có trả lời và giải quyết để lần sau tiếp xúc không xảy ra tình trạng bà con nhắc lại ý kiến đã nêu từ trước đó", ông Phong chia sẻ.

Đó là một trong những lời hứa của đại biểu với cử tri được thực hiện. Nhưng cũng còn không ít lời hứa kéo dài. Hàng chục năm nay, gia đình bà Phạm Thị The đang sống mòn trên dự án treo Bình Quới-Thanh Đa. Gia đình bà không thể sửa nhà, bán nhà hoặc không thể chia cho anh chị em bởi không thể thực hiện được thủ tục pháp lý. Theo bà The, vấn đề này được đưa ra tại nhiều cuộc tiếp xúc của đại biểu dân cử với cử tri nhưng đến nay họ chỉ nhận được lời hứa. Bà The và hàng ngàn hộ dân ở đây chỉ mong chính quyền giải quyết nhanh việc quy hoạch để ổn định cuộc sống.

Với cử tri, điều mà họ băn khoăn, là vì sao nhiều đại biểu đưa ra cam kết với cử tri nhưng đến cuối nhiệm kỳ thì không thực hiện được. Dẫn câu chuyện cụ thể về việc người dân trong khu phố mình viết đơn phản ánh về tình trạng ô nhiễm môi trường xảy ra trong khu phố mình sinh sống ở TP. Thủ Đức lên Phó Bí thư, Chủ tịch HĐND phường, Thường trực HĐND phường nhưng không hề nhận được phản hồi, Tiến sĩ Nguyễn Việt Hùng - chuyên gia nghiên cứu về các vấn đề xã hội, nguyên Trưởng Khoa xây dựng Đảng, Học viện Cán bộ TPHCM đề nghị, cần có khâu kiểm tra việc thực hiện lời hứa của đại biểu với cử tri.

Tiến sĩ Nguyễn Việt Hùng

Tiến sĩ Nguyễn Việt Hùng

"Các vị đại biểu HĐND cấp phường hứa sẽ giải quyết vấn đề môi trường, chắc chắn là chống xả rác tràn lan, chắc chắn có khu chơi cho trẻ em, khu tập thể dục dưỡng sinh cho người già. Họ hứa vậy nhưng mà có không. Vậy phải hậu kiểm lời hứa thế nào", ông Hùng đặt vấn đề.

Quy định cụ thể việc giám sát lời hứa

Về việc giám sát lời hứa của đại biểu, theo Luật sư Trương Thị Hòa - Ủy viên Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TPHCM, chủ yếu thông qua báo cáo tại các cuộc tiếp xúc với cử tri. Báo cáo giúp cử tri biết được lời hứa của đại biểu đã thực hiện đến đâu, vướng mắc chỗ nào bởi không phải lời hứa nào cũng có thể được thực hiện trọn vẹn, không phải lời hứa nào cũng có thể thực hiện được một sớm một chiều. Tuy nhiên, vấn đề này tại các cuộc tiếp xúc cử tri chưa được thực hiện tốt.

"Theo tôi nên có quy định về việc báo cáo những việc mình đã làm được trong các kỳ tiếp xúc cử tri và dành thời gian cho đại biểu báo cáo", luật sư Trương Thị Hòa đề nghị.

Ông Trần Việt Anh - Ủy viên Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cho biết, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp phối hợp với các cơ quan đại biểu dân cử của Quốc hội và địa phương thường xuyên đánh giá lại các chương trình hành động của các đại biểu. Tuy nhiên, theo ông Trần Việt Anh, cần cụ thể hóa bằng quy định và nghiên cứu luật hóa lời hứa. Có như vậy vừa giúp cử tri biết được lời hứa của đại biểu đã thực hiện như thế nào và ngược lại đại biểu cũng có thể cho cử tri biết, lời hứa của mình đang vướng mắc những gì.

Đặt vấn đề thực hiện quy định đối với việc giám sát lời hứa của đại biểu, Tiến sĩ Vũ Trung Kiên - Phó trưởng khoa Xây dựng Đảng, Học viện Chính trị khu vực 2, cho rằng, việc giám sát của cử tri là quan trọng nhất. Nếu cử tri thực sự quan tâm thì sẽ chất vấn đại biểu; yêu cầu phải báo cáo lại nội dung chất vấn trong lần tiếp xúc khác.

Tiến sĩ Vũ Trung Kiên

Tiến sĩ Vũ Trung Kiên

Có thể nói đại biểu dân cử là vinh dự to lớn của bất kỳ ai, bởi họ chính là người mà triệu triệu cử tri tin tưởng đặt niềm tin làm người đại diện cho ý chí, nguyện vọng của nhân dân; thay mặt nhân dân thực hiện quyền lực của Nhà nước. Quy định lựa chọn rất chặt chẽ, điều cần thiết nhất là phải phát huy tốt tinh thần dân chủ trong tổ chức, trong nhân dân để lựa chọn ra những đại biểu thực sự xứng đáng; những đại biểu thực sự vì nước vì dân./.

Nhóm PV/VOV-TPHCM

Nguồn VOV: https://vov.vn/chinh-tri/quoc-hoi/co-che-nao-de-giam-sat-loi-hua-cua-dai-bieu-voi-cu-tri-858492.vov