Cơ chế thẩm tra, giám sát sẽ thực hiện như thế nào đối với CHK Long Thành?

Đề cập đến vấn đề thẩm tra, giám sát nhà đầu tư của cơ quan quản lý Nhà nước đối với Dự án Cảng hàng không (CHK) Quốc tế Long Thành, có ý kiến cho rằng, Chính phủ cần tập trung nguồn lực để đảm bảo thực hiện dự án, tránh tiêu cực và Quốc hội cần tăng cường giám sát trong quá trình thực hiện.

CHK Quốc tế Long Thành sẽ được xây dựng trong 5 năm. Ảnh: ADCC.

CHK Quốc tế Long Thành sẽ được xây dựng trong 5 năm. Ảnh: ADCC.

Đây là kiến nghị của Đại biểu Trần Hoàng Ngân, Đoàn ĐBQH TPHCM tại phiên thảo luận về báo cáo nghiên cứu khả thi dự án CHK Quốc tế Long Thành giai đoạn 1, diễn ra ngày 12/11.

Đồng quan điểm, đại biểu Nguyễn Thanh Hồng, Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Dương cũng cho rằng, với trách nhiệm của mình, Quốc hội cần giám sát hằng năm, Chính phủ phải có báo cáo về tình hình thực hiện để Quốc hội thảo luận, qua đó kịp thời giải quyết những vấn đề phát sinh.

Phát huy vai trò tự chủ, không buông lỏng quản lý Nhà nước

Báo cáo giải trình, tiếp thu ý kiến các ĐBQH của Bộ GTVT cho biết, theo quy định pháp luật hiện hành xác định vai trò của Nhà nước trong quản lý đầu tư kết cấu hạ tầng hàng không, vai trò thẩm tra, giám sát đối với nhà đầu tư trong việc xây dựng CHK Quốc tế Long Thành sẽ gồm:

Việc quản lý, thông qua quy hoạch sẽ do Bộ GTVT là cơ quan nhà nước giám sát việc đầu tư đảm bảo đúng quy hoạch CHK được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Quản lý đầu tư của Tổng Công ty Quản lý bay Việt Nam (VATM) do Bộ GTVT quản lý dự án thông qua đại diện của Bộ GTVT tại VATM và thông qua việc chấp thuận kế hoạch đầu tư phát triển 5 năm và hằng năm của VATM theo quy định của Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp.

Quản lý đầu tư của Tổng Công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) sẽ do Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp chịu trách nhiệm.

Công tác thẩm định thiết kế cơ sở sẽ do 2 cơ quan thực hiện gồm: Cơ quan chuyên môn về xây dựng của Bộ Xây dựng thực hiện thẩm định thiết kế cơ sở công trình dân dụng (nhà ga hành khách…) và cơ quan chuyên môn về xây dựng của Bộ GTVT thực hiện thẩm định thiết kế cơ sở các công trình chuyên ngành hàng không.

Tương tự, công tác thẩm định thiết kế kỹ thuật (đối với thiết kế 3 bước), thiết kế bản vẽ thi công (đối với thiết kế 2 bước) và dự toán cũng do cơ quan chuyên môn của Bộ Xây dựng và Bộ GTVT thực hiện.

Về việc Quản lý chất lượng công trình: Bộ Xây dựng và Bộ GTVT thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước về chất lượng công trình xây dựng. Trong đó có 3 nhiệm vụ chính gồm: Tổ chức kiểm tra định kỳ theo kế hoạch, kiểm tra đột xuất công tác quản lý chất lượng của các chủ thể tham gia xây dựng công trình và kiểm tra chất lượng các công trình xây dựng; Kiểm tra công tác nghiệm thu đối với công trình xây dựng chuyên ngành; Tổ chức giám định chất lượng đối với các công trình xây dựng.

Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể cho biết, để đảm bảo các công trình tại CHK Long Thành giai đoạn 1 được triển khai đồng bộ, thuận lợi, Bộ GTVT đã kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét, giao Ban Chỉ đạo nhà nước các công trình, dự án trọng điểm quốc gia thành lập bộ phận chuyên trách để chỉ đạo thực hiện riêng cho Dự án này.

Đồng thời, với các ý kiến về sự tăng cường giám sát của Chính phủ và Quốc hội, Bộ trưởng khẳng định, Bộ GTVT sẽ quan tâm đến công tác kiểm tra, thanh tra trong quá trình chuẩn bị thực hiện Dự án, đặc biệt là khâu giám sát.

“Bộ GTVT mong muốn Quốc hội có sự giám sát thường xuyên đối với Dự án quan trọng cấp quốc gia này, cũng như xây dựng các chính sách, quy định có liên quan để đảm bảo phát huy lợi thế tự chủ cho hoạt động doanh nghiệp nhưng không buông lỏng quản lý tài sản nhà nước”, Bộ trưởng cho biết.

Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể giải trình về các vấn đề xây dựng CHK quốc tế Long Thành trên diễn đàn Quốc hội. Ảnh: VGP/Đoàn Bắc.

Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể giải trình về các vấn đề xây dựng CHK quốc tế Long Thành trên diễn đàn Quốc hội. Ảnh: VGP/Đoàn Bắc.

5 năm sẽ hoàn thành giai đoạn 1

Mặc dù hầu hết các ĐBQH đều nhấn mạnh cử tri, nhân dân và cá nhân đại biểu đều đồng ý phải xây dựng sân bay Long Thành càng sớm càng tốt nhưng Phó Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa Mai Sỹ Diến cũng bày tỏ lo lắng về việc “qua tham khảo việc xây dựng các cảng hàng không đã thực hiện thì tiến độ này là rất khó khả thi”.

Các đại biểu Nguyễn Thanh Hồng (Bình Dương), Nguyễn Văn Thân (Thái Bình) và Trương Trọng Nghĩa (TPHCM) cũng bày tỏ lo lắng về tiến độ của đại dự án này và đề nghị nghiên cứu thành lập ủy ban quốc gia về dự án này.

Bộ GTVT cho biết, tiến độ các mốc chính của Dự án dự kiến hiện nay như sau:

Khi được Quốc hội xem xét và thông qua dự án trong tháng 11/2019, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt dự án vào tháng 12/2019. Đến tháng 2/2020, Bộ GTVT sẽ hoàn thành lựa chọn tư vấn thiết kế kỹ thuật. Lập hồ sơ thiết kế kỹ thuật hoàn thành trong tháng 6/2020.

Khởi công dự án (thi công hạng mục san nền) tiến hành trong tháng 01/2021.

Thi công hạng mục khu bay trong tháng 3/2022; Thi công hạng mục nhà ga trong tháng 6/2022. Và hoàn thành thi công xây dựng trong tháng 12/2025.

Bộ GTVT cho biết, thời gian dự kiến xây dựng CHK Long Thành trong 5 năm phù hợp với việc triển khai xây dựng một số CHK ở Việt Nam và trên thế giới như CHK Phú Quốc (4 năm), Nhà ga hành khách CHK Nội Bài (3,5 năm), Nhà ga hành khách CHK Tân Sơn Nhất (3 năm), CHK Quốc tế Survanabhumi – Thái Lan (5 năm), CHK Quốc tế Đại Hưng – Bắc Kinh (5 năm).

Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cũng cam kết trên Quốc hội sẽ cố gắng tối đa để đảm bảo tiến độ, chất lượng dự án trên cơ sở nhanh chóng chọn được nhà đầu tư để có phương án khởi công, xây dựng công trình vào năm 2021.

Sẽ có thành phố sân bay Long Thành?

Quốc hội đang bàn chuyện xây dựng sân bay quốc tế Long Thành và việc xây dựng thành phố sân bay tại đây một lần nữa lại được đề cập đến như một xu hướng không thể không có.

Thực tế, mô hình thành phố sân bay đang được phát triển một cách mạnh mẽ tại châu Âu, Đông Bắc Á, đặc biệt là tại Trung Đông. Trong khu vực, các CHK Kuala Lumpur, Singapore cũng được coi là những thành công của mô hình này.

Kinh nghiệm trên thế giới cho thấy khi hình thành 1 sân bay quốc tế từ 25 triệu đến 50 triệu khách, sẽ hình thành thành phố sân bay với sự phát triển của các trung tâm thương mại, logistic, trung tâm về cư trú cho cán bộ khu vực này.

Ông Lại Xuân Thanh, Chủ tịch Tổng Công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) khi nói về thành phố sân bay cũng khẳng định đây là mô hình, định hướng quy hoạch và đầu tư xây dựng CHK quốc tế được cộng đồng hàng không quốc tế phát triển từ cuối những năm 80 của thế kỷ XX.

Định hướng này lấy dịch vụ vận chuyển hàng không làm trung tâm để hình thành và phát triển các trung tâm công nghiệp, dịch vụ thương mại, logistics, hội nghị, văn phòng, cơ sở y tế, nhà hàng, khách sạn, vui chơi giải trí, hệ thống giao thông thuận tiện như một đô thị (nhưng không phát triển về khu dân cư). Hành khách đến cảng hàng không đó có thể dự hội nghị, gặp gỡ, mua sắm mà không cần phải vào thành phố.

Được biết, ngay sau khi Thủ tướng phê duyệt quy hoạch CHK quốc tế Long Thành, năm 2007, UBND tỉnh Đồng Nai đã phê duyệt nhiệm vụ quy hoạch chung xây dựng khu vực xung quanh cảng giai đoạn 2007-2025, với diện tích 25.000 ha. Theo đó, vùng phụ cận sân bay được sẽ quy hoạch theo hướng là một đô thị hiện đại.

Phan Trang

Nguồn Chính Phủ: http://baochinhphu.vn/kinh-te/co-che-tham-tra-giam-sat-se-thuc-hien-nhu-the-nao-doi-voi-chk-long-thanh/379911.vgp