100% nhà ở kết hợp kinh doanh phải mở lối thoát nạn thứ 2
HĐND TP Hà Nội vừa thông qua nghị quyết ban hành Đề án nâng cao năng lực và bảo đảm an toàn Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ trên địa bàn Thủ đô giai đoạn đến năm 2025, định hướng năm 2030. Đề án đặt mục tiêu 100% hộ gia đình tự trang bị bình chữa cháy; mỗi gia đình có một người được tập huấn kỹ năng chữa cháy, thoát nạn. Với hộ gia đình, nhà để ở kết hợp sản xuất, kinh doanh, 100% phải mở lối thoát nạn thứ 2.
Từng chứng kiến nhiều vụ hỏa hoạn thương tâm, ông Duy Lợi đã tự thiết kế lối thoát nạn cho ngôi nhà của mình cũng như thuần thục với các trang thiết bị phòng cháy chữa cháy.
Thực tế cho thấy không phải gia đình nào cũng có ý thức như nhà ông Lợi. Thậm chí nhiều hộ còn cải tạo nhà ở làm nơi kinh doanh nhưng chủ quan trong PCCC nên khi xảy ra hỏa hoạn không có lối thoát hiểm dẫn đến hậu quả nghiêm trọng.
Thống kê của UBND TP Hà Nội cho thấy, trong 10 năm qua, trên địa bàn xảy ra gần 4.500 vụ cháy, 18 vụ nổ, trên 8.000 vụ sự cố nhỏ khác nhau. Việc yêu cầu tất cả nhà ở hộ gia đình kết hợp sản xuất kinh doanh có lối thoát nạn thứ 2 là cần thiết. Song nhà dân đan xen, xây san sát nhau, khiến việc mở lối thoát nạn thứ 2 sẽ gặp nhiều khó khăn.
Theo tiêu chuẩn lối thoát nạn thứ 2 có kích thước rộng 0,8 m, cao 1,9m và đường dẫn lối thoát nạn không ảnh hưởng bởi nguy hiểm của đám cháy. Tuy nhiên, điều kiện mở phụ thuộc vào từng công trình cụ thể để có giải pháp phù hợp. Với những công trình xây mới, kiên quyết, bắt buộc thực hiện theo đúng tiêu chuẩn phòng cháy. Với những công trình đang tồn tại, phải giám sát chặt chẽ, đồng thời với hiện trạng đó người dân nên thiết kế để mở lối thoát hiểm an toàn.
Mời quý vị theo dõi nội dung chi tiết!