Cơ chế 'trói buộc' nông nghiệp - 'Xé rào' để đột phá (Bài cuối): Cần 'xé rào'

Sau khi đất nước giải phóng, tình trạng sản xuất nông nghiệp được đưa vào vận hành qua các HTX. Những quy định, cơ chế sản xuất tập trung của thời bao cấp ít có sự đổi mới theo tình hình thực tế dẫn đến trì trệ, năng suất thấp và hàng loạt bất cập. Chính sách 'Khoán 100', 'Khoán 10' ra đời có ý nghĩa to lớn trong đổi mới cho nông nghiệp, nông thôn phát triển. Đáng nói, những quyết sách chiến lược ấy đều được xuất phát từ quá trình tìm hướng tháo gỡ bất cập và những phát hiện của thực tiễn... Phát triển nông nghiệp hiện đại ở Thanh Hóa nói riêng và cả nước nói chung, cũng cần nhìn rõ để có lộ trình tháo gỡ những bất cập.

Hàng trăm mô hình chuyển đổi trồng cây ăn quả trên đất rừng sản xuất ở Thanh Hóa phát huy hiệu quả kinh tế cao. Ảnh: PV

Hàng trăm mô hình chuyển đổi trồng cây ăn quả trên đất rừng sản xuất ở Thanh Hóa phát huy hiệu quả kinh tế cao. Ảnh: PV

Cần gỡ bất cập “hạn điền”

Ở các xã, Nhà nước giao cho quản lý diện tích đất nông nghiệp sử dụng vào mục đích công ích (trên thực tế gọi là “đất 5%” vì trước đây quy định diện tích này không quá 5% diện tích đất nông nghiệp của xã), có thể là đất nuôi trồng thủy sản, trồng cây lâu năm hay sản xuất cây hàng năm. Từ hàng chục năm qua, các địa phương thường ký hợp đồng cho người dân thuê phần đất này để phát triển sản xuất. Nhưng thẩm quyền của cấp xã chỉ được ký hợp đồng thời hạn không quá 5 năm. Đây là quy định có từ hàng chục năm trước, nay đã lạc hậu với thực tiễn.

Qua khảo sát ở rất nhiều địa phương, thực trạng đất 5% của các xã quản lý bị bỏ hoang, nhiều người dân muốn tích tụ làm trang trại nhưng thời hạn 5 năm quá ngắn để đầu tư chuồng trại, trồng cây ăn quả. Đây là sự “trói buộc” của cơ chế với những người muốn đầu tư các mô hình sản xuất quy mô lớn, hiện đại.

Tại xã Nga Vịnh (Nga Sơn), diện tích đất 5% phần nhiều rơi vào những khu đồng xa, nhiễm phèn khó sản xuất nên bị bỏ hoang nhiều. Phó Chủ tịch UBND xã Nga Vịnh Lê Văn Dự, cho biết: “Với đất sản xuất 5%, thẩm quyền của xã chỉ được ký hợp đồng giao thầu không quá 5 năm. Các mức thầu nhiều năm qua liên tục được UBND xã giảm xuống nhưng người dân vẫn không mặn mà. Nhiều người muốn tích tụ diện tích lớn để cải tạo làm trang trại, nhưng thời hạn đó quá ngắn để thu hồi vốn sau khi đầu tư hạ tầng sản xuất. Trong xã, nhiều diện tích đất sản xuất ngoại đê giáp về phía xã Hà Vinh huyện Hà Trung cũng đang được một số người dân trả lại”. Tình trạng này không chỉ ở Nga Vịnh, nhiều xã của huyện Nga Sơn mà trên địa bàn cả tỉnh, cả nước. Bởi những quy định về “hạn điền” ấy đã có từ thời kỳ đổi mới, chỉ phù hợp với sản xuất nhỏ lẻ, không mang tính thương mại.

Ở xã Trường Giang huyện chiêm trũng Nông Cống, những tháng cuối năm 2024, người nuôi trồng thủy sản như “ngồi trên đống lửa” khi thời hạn thuê thầu các đầm nuôi sắp hết. Có diện tích nuôi trồng thủy sản lớn thứ 2 trong xã, anh Lê Thiên Lâm ở thôn Đông Hòa ký hợp đồng thầu 13ha từ năm 2011 theo dự án nuôi tôm công nghiệp đầu tiên của tỉnh. Những năm sau đó, chủ đầm sinh năm 1984 tiếp tục dồn đổi và hợp đồng thêm 7ha khác, nâng tổng diện tích lên 20ha. Những năm đầu, hình thức nuôi tôm trên ao đất năm được năm mất, anh cũng như nhiều hộ còn chuyển phần lớn diện tích sang nuôi tôm quảng canh hoặc nuôi các loại cá. Gần chục năm trở lại đây, hình thức nuôi tôm công nghệ cao trong nhà lưới, trong bể xi măng mới thịnh hành nên anh liên tục đầu tư lớn, đến nay chưa thể thu hồi vốn.

“Tôi đã đầu tư hơn 10 tỷ đồng vào phát triển hạ tầng đầm nuôi, có những ô xây dựng bể và lợp mái vòm cùng gắn các thiết bị đo đạc, cấp nước hiện đại nên lên đến 2 – 3 tỷ đồng. Đến năm 2025, tôi có 14ha đầm nuôi hết hạn hợp đồng và hết năm 2026 sẽ hết hạn phần còn lại. Nay theo quy định, muốn nuôi tiếp phải đấu thầu công khai, nếu không trúng thầu thì khoản tiền lớn đã đầu tư coi như mất trắng. Chúng tôi rất muốn các cấp, ngành liên quan có cơ chế ưu tiên rõ ràng cho người đang đầu tư dở” – anh Lê Thiên Lâm lo lắng.

Nhìn về lịch sử

Vào thập niên 60 của thế kỷ trước, Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phúc Kim Ngọc đã nhận thấy bất cập từ thực tiễn sản xuất tập trung nên khởi xướng việc “khoán hộ” trong sản xuất nông nghiệp. Ông đã có câu nói sau này thành nổi tiếng và là căn cứ cho sự đổi mới trên toàn quốc: “Xã viên không coi ruộng đất là của mình nên họ chẳng thiết tha gì với đồng ruộng. Phải để nông dân làm chủ mảnh đất của mình”. Những việc làm của ông được coi là “xé rào” chính sách bởi khi đó ta đang vận hành quản lý sản xuất kiểu tập trung máy móc theo điều kiện XHCN của Liên Xô. Ông Kim Ngọc đã bị kiểm điểm bởi dám “đi ngược” với chính sách, với quan điểm phát triển lúc bấy giờ.

"Xã Trường Giang có dự án nuôi tôm công nghiệp do huyện Nông Cống được giao làm chủ đầu tư từ năm 2003, tổng diện tích quy hoạch 66ha, gồm cả đất hoang hóa, đất ruộng kém hiệu quả được xã ký hợp đồng thuê lại của dân. Đến cuối năm 2024 có 1 hợp đồng hết hạn thuê thầu, đến 2025 và 2026 thì lần lượt hết hạn tất cả. Theo nguyện vọng của người nuôi và căn cứ tình hình đã đầu tư trên thực tế, xã muốn tạo điều kiện gia hạn cho các chủ đồng. Nhưng theo các quy định hiện nay, phải tổ chức đấu giá nên những người đang đầu tư rất lo sợ không tiếp tục trúng thầu”.

Ông Nguyễn Văn Liêm

Chủ tịch UBND xã Trường Giang, huyện Nông Cống

Để rồi, thực trạng sản xuất nông nghiệp khi ấy ngày càng trì trệ, đất nước đói nghèo, người dân không đủ lương thực, chán nản nên không còn nhiều động lực sản xuất... Nhận thấy những bất cập cần phải đổi mới, đến năm 1988 Bộ Chính trị ra Nghị quyết 10 về đổi mới quản lý kinh tế nông nghiệp hay còn được gọi là “Khoán 10”, tháo bỏ sự ràng buộc, kìm hãm của cơ chế quản lý lạc hậu.

Theo các thông tin thống kê sau này, đã được Tạp chí Cộng sản ghi lại: “Nghị quyết số 10 NQ/T.Ư về đổi mới quản lý kinh tế nông nghiệp là quyết sách có tác dụng trực tiếp, tạo ra những chuyển biến căn bản và sâu rộng trong quá trình phát triển nông nghiệp, nông thôn. Ðây là bước phát triển tất yếu của quá trình đổi mới, chủ trương giao cho nông dân quyền quản lý đối với đất đai và các tư liệu sản xuất chính, quyền chủ động lớn hơn trong tổ chức sản xuất để có cơ hội hưởng thụ trực tiếp các sản phẩm làm ra. Bên cạnh đó, Ðảng và Nhà nước cũng có nhiều giải pháp nhằm tháo gỡ những khó khăn, xóa bỏ các cơ chế trói buộc cho nên đã giải quyết một bước quan trọng về lương thực. Nếu như năm 1988, nước ta phải nhập khẩu 199,5 nghìn tấn lương thực thì đến năm 1989 nước ta đã xuất khẩu 1,4 triệu tấn gạo và liên tục đẩy mạnh xuất khẩu trong các năm tiếp theo. Mười năm sau (năm 1999), nước ta đã xuất khẩu gạo đạt 4,5 triệu tấn, đứng thứ hai thế giới”.

Rõ ràng những cơ chế, chính sách đột phá về phát triển nông nghiệp đều được xây dựng trên cơ sở khắc phục những phát hiện bất cập ở thực tiễn. Ở một thời điểm, có thể là ý kiến phản biện trái chiều, song nếu cùng nhìn lại, có sự sàng lọc để cùng thay đổi mới là động lực phát triển. Nông nghiệp hiện nay trong xu thế hội nhập và cạnh tranh không chỉ trong nước mà cả quốc tế, cần tổ chức sản xuất hợp quy luật và xu thế phát triển.

Có “cởi trói” những vấn đề bất hợp lý trong cơ chế đến đâu thì sản xuất trên thực tế mới bung ra để phát triển đột phá. Xu hướng phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp hiện đại, phải tích tụ, phát triển phong phú các loại hình nông nghiệp. Chuyển đổi mục đích cho phát triển các mô hình du lịch nông nghiệp cũng đang trở nên cần thiết. Cùng với đó, những đối tượng cây trồng trên đất rừng sản xuất cũng nên được nhìn “thoáng” hơn để phát huy giá trị quỹ đất lâm nghiệp mà vẫn giữ được rừng. Vấn đề “hạn điền” giao đất sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp, nên tìm hướng giải quyết “thông thoáng” hơn để nông dân, doanh nghiệp gắn chặt sản xuất, yên tâm đầu tư phát triển các mô hình quy mô lớn, gắn áp dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất. Tái cơ cấu nông nghiệp cũng cần thay đổi tư duy bởi mỗi giai đoạn cần có cách định hướng để “điều khiển” sản xuất theo hướng phù hợp thực tiễn.

Nhóm PV

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/co-che-troi-buoc-nong-nghiep-xe-rao-de-dot-pha-bai-cuoi-can-xe-rao-235288.htm