Có cơ hội đi Nhật Bản, kiếm 20 triệu đồng/tháng nhờ đi thực tập sớm
Trong khi Quốc Dũng có cơ hội đến Nhật Bản trong quá trình thực tập, Minh Hiếu lại có mức thu nhập hấp dẫn ngay khi còn là sinh viên.
"Tháng 12/2023, trong quá trình thực tập, mình được cử đi Nhật Bản để nghiên cứu về chuyển đổi bền vững. Đó là lần đầu tiên mình được đi nước ngoài, ngay từ khi còn là sinh viên. Nếu không đi thực tập sớm, có lẽ, cơ hội tốt như vậy khó đến với mình".
Đó là chia sẻ của Nguyễn Quốc Dũng (sinh viên năm 3, khoa Kinh tế Quốc tế, Học viện Ngoại giao).
Trong khi đó, đi thực tập từ năm nhất và tích lũy kinh nghiệm thực tế sớm, đến nay, Đặng Minh Hiếu (sinh viên năm 3, ngành Quản trị thương hiệu, trường Khoa học liên ngành và Nghệ thuật - Đại học Quốc gia Hà Nội) đã tự xây dựng cho mình một đội nhóm riêng, cung cấp các dịch vụ phát triển thương hiệu cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Trao đổi với Tri thức - Znews, Minh Hiếu cho hay khi mới lên đại học, cậu đã nghe nhiều người nhắc đến việc "mới năm nhất, thực tập sớm làm gì, cứ chơi đi".
Thế nhưng, Hiếu cho rằng thời gian đại học là có hạn, không thể lãng phí. Nếu đi thực tập sớm, cậu có nhiều bài học và kiến thức, xây dựng các mối quan hệ, đồng thời có thêm thu nhập và vẫn có dư thời gian để nghỉ ngơi nếu biết sắp xếp.
Không đợi đến kỳ thực tập chính thức theo kế hoạch của trường vào kỳ 2 năm thứ 3, từ kỳ 2 năm nhất, nam sinh đã bắt đầu thực tập song song tại Phòng Truyền thông và Tuyển sinh của trường đại học và một doanh nghiệp về thời trang, vị trí thực tập sinh sáng tạo nội dung.
Tương tự, Quốc Dũng cũng thực tập song song 3 đơn vị cùng lúc từ năm 2 đại học, bao gồm Vụ Đông Nam Á - Nam Á - Nam Thái Bình Dương của Bộ Ngoại giao; Viện Nghiên cứu chiến lược và khoa Kinh tế Quốc tế của Học viện Ngoại giao.
"Theo kế hoạch của khoa, tận năm thứ tư, mình mới đi thực tập chính thức. Nhưng sau khi cân nhắc, mình đã lựa chọn đi thực tập sớm hơn để tích lũy kinh nghiệm, kỹ năng và thái độ trước khi bước vào kỳ chính thức của trường", Dũng chia sẻ.
Đừng nghĩ "sinh viên năm nhất, năm 2 không làm được gì"
Trước câu hỏi "Mới năm nhất, đã học được gì mà đi thực tập?", Hiếu cho rằng đại học là nơi đào tạo sinh viên bài bản và khoa học về một lĩnh vực nào đó. Thế nhưng, điều đó không đồng nghĩa với việc sinh viên phải học hết chương trình đại học mới có đủ kiến thức để làm (ngoại trừ những ngành mang tính đặc thù như y tế, kỹ thuật).
Hiếu nhận định với ngành Quản trị thương hiệu, cậu hoàn toàn có thể đi thực tập từ sớm. Nhất là khi nam sinh đã có kinh nghiệm tham gia các câu lạc bộ, các cuộc thi liên quan đến truyền thông, marketing từ khi còn học THPT. Bên cạnh đó, từ năm nhất, Hiếu đã được tiếp cận một số môn cơ sở ngành, do đó, không thể nói kiến thức ngành của cậu là con số 0.
Để bù đắp lại những phần kiến thức "bị hổng", chưa được học, Hiếu nghiên cứu khung đào tạo của trường ngay từ sớm để biết mình phải học những thứ gì để tự học thêm.
Dù vậy, nam sinh cũng thừa nhận thông thường, các doanh nghiệp ít tuyển dụng sinh viên năm nhất. Nhà tuyển dụng đều yêu cầu ít nhất là sinh viên năm 2, đa số là sinh viên năm 3-4, khi các bạn đã có đủ lượng kiến thức nhất định.
"Do vậy, trong CV, mình tập trung thể hiện kỹ năng, kinh nghiệm, các thành tựu đã đạt được từ thời THPT để tạo ấn tượng và thuyết phục nhà tuyển dụng ở vòng phỏng vấn. Quan trọng, mình phải tự tin, dám thử và có thái độ tốt", Hiếu cho hay cậu gửi CV tới 4 doanh nghiệp và đều nhận được phản hồi tốt.
Ở vị trí thực tập sinh sáng tạo nội dung, Hiếu tham gia vào quá trình sáng tạo, sản xuất nội dụng, thiết kế hình ảnh, quay video...
Tương tự, Quốc Dũng cũng cho biết dù là chương trình thực tập do trường giới thiệu, không mất công tìm kiếm nhưng nam sinh cũng phải cạnh tranh với nhiều sinh viên trong trường, nhất là những sinh viên năm 3-4 có nhiều lợi thế hơn về mặt kiến thức.
Trong hồ sơ của mình, Dũng trình bày kết quả học tập, hoạt động câu lạc bộ và khả năng, tâm huyết với vị trí ứng tuyển. Nam sinh phải trải qua nhiều vòng xét duyệt, kiểm tra đầu vào để chứng minh được mình là người phù hợp với vị trí đó.
Làm thực tập sinh, Dũng đảm nhận khối lượng công việc khá rộng. Từ việc hỗ trợ nghiên cứu, dịch tài liệu đến làm giấy tờ, sổ sách, tổng hợp tin tức và làm báo cáo. Giống như Hiếu, Dũng cũng phải tự bù đắp kiến thức thông qua việc tự học, tự tìm hiểu từ sách, báo để quá trình thực tập được thuận lợi.
Được nhiều hơn mất
Trao đổi với Tri thức - Znews, cả Quốc Dũng và Minh Hiếu đều thừa nhận việc đi thực tập sớm phần nào hưởng đến lịch trình học tập, sinh hoạt. Tuy nhiên, nếu sắp xếp thời gian và công việc hợp lý, sinh viên sẽ "được nhiều hơn mất" từ việc đi thực tập.
Quốc Dũng cho hay thực tập sinh ở 3 đơn vị, các mối quan hệ của cậu được mở rộng, ngày càng chất lượng hơn.
Việc thực tập giúp nam sinh có kiến thức chuyên sâu hơn, thành thạo các thao tác, kỹ năng khi làm nghiên cứu, phù hợp với định hướng học lên cao hơn sau khi tốt nghiệp đại học.
"Kỹ năng dịch thuật của mình cải thiện đáng kể, đã có thể tự tin dịch những hợp đồng giao dịch quốc tế. Bên cạnh đó, mình cũng rèn luyện được tư duy đa chiều và mạnh dạn đề xuất những chiến lược cho bài nghiên cứu", Dũng nói.
Không dừng lại ở đó, nam sinh cho hay trong quá trình thực tập sớm, cậu được tiếp xúc với những tài liệu không phải nơi nào cũng có. Hơn hết, những kinh nghiệm trong quá trình thực tập giúp Dũng ứng dụng ngay vào việc học và nghiên cứu khoa học tại trường.
Tháng 12/2023, trong số gần 20 thực tập sinh của khoa Kinh tế Quốc tế, Dũng là một trong 5 sinh viên được lựa chọn cử đi nghiên cứu tại Nhật Bản. Trở về từ chuyến đi, Dũng nói cậu được tiếp xúc và thảo luận về những vấn đề nóng bỏng như phát triển số, chuyển đổi bền vững, vấn đề dân số toàn cầu...
"Nếu chần chừ đợi đến năm 4 mới đi thực tập, mình sẽ không thể có cơ hội tốt như vậy", Dũng nhận định.
Với Minh Hiếu, khoảng thời gian cuối năm nhất, do quá tập trung vào công việc thực tập, đã có lúc, nam sinh xao nhãng, mất cân bằng với việc học.
"Thời điểm đó, thực tập 2 đơn vị một lúc, mình khá gò bó về mặt thời gian khi phải chạy đi chạy lại liên tục. Buổi sáng, mình sẽ thực tập ở doanh nghiệp, buổi chiều sẽ đi học và thực tập ở trường. Buổi tối cũng chỉ nghỉ ngơi một lát rồi tiếp tục làm việc, học tập", Hiếu cho hay thời điểm căng thẳng nhất vẫn là thời gian vừa thực tập, vừa chuẩn bị cho thi cử.
Tương tự Dũng, những thứ Minh Hiếu nhận lại từ quá trình thực tập là kinh nghiệm, kiến thức và kỹ năng. Việc được trải nghiệm thực tế giúp nam sinh hiểu sâu hơn những thứ mình đang học trên giảng đường.
Khi bước vào học các môn chuyên ngành, cậu có thể vận dụng những gì được học trên trường để hỗ trợ quá trình đi làm và ngược lại. Nhờ vậy, điểm số của Hiếu vẫn đảm bảo ở mức tốt.
Có kiến thức, có thêm những mối quan hệ, giữa năm 2, Hiếu quyết định nghỉ công việc thực tập sinh tại cả 2 đơn vị để thực hiện kế hoạch riêng. Nam sinh cùng bạn xây dựng thành một nhóm cung cấp dịch vụ xây dựng và phát triển thương hiệu cho một số doanh nghiệp.
Đến nay, Hiếu duy trì công việc này được 6 tháng và hợp tác với 5-7 doanh nghiệp vừa và nhỏ. Mỗi tháng, nam sinh có thu nhập khoảng 10-20 triệu đồng ngay từ khi còn là sinh viên.
Dù vậy, Hiếu nhận định giai đoạn này, việc học vẫn là quan trọng nhất. Thực tập, làm thêm chỉ là bước đệm chuẩn bị cho quá trình sau tốt nghiệp. Vì vậy, sau thời gian ngắn mất cân bằng, Hiếu tự đặt ra giới hạn cho công việc để đảm bảo chất lượng cho việc học.