Có còn hơn không
Washington ngày 13-10 thông báo đã đạt được một 'thỏa thuận về mặt nguyên tắc' với Nga nhằm gia hạn Hiệp ước cắt giảm vũ khí tấn công chiến lược mới (New START).
Đây là thỏa thuận song phương duy nhất giới hạn kho vũ khí hạt nhân của Mỹ và Nga, dự kiến hết hạn vào tháng 2-2021.
Phát biểu tại một sự kiện do Quỹ Heritage tổ chức, nhà đàm phán Mỹ Marshall Billingslea cho biết: “Trên thực tế, chúng tôi sẵn sàng gia hạn Hiệp ước New START thêm một khoảng thời gian với điều kiện là họ (Nga) đồng ý “đóng băng” kho vũ khí hạt nhân của họ. Chúng tôi tin rằng có một thỏa thuận về mặt nguyên tắc giữa các cấp lãnh đạo cao nhất trong chính phủ của 2 nước chúng tôi”.
Tuy nhiên, phía Nga đã có phản ứng trái chiều. Hôm 11-10, Đại sứ quán Nga tại Vienna đã dội một gáo nước lạnh vào thông tin của phía Mỹ khi viết trên Twitter: “Nga không đồng ý về việc đóng băng kho vũ khí hạt nhân. Không rõ các quan chức Mỹ lấy thông tin từ đâu. Thỏa thuận khung về giải trừ vũ khí hạt nhân có thể được duy trì bất cứ lúc nào nếu Mỹ chấp nhận các đề xuất của chúng tôi”. Tiếp đó, vào ngày 13-10, Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Ryabkov được hãng truyền thông Sputnik dẫn lời nói rằng các điều khoản đóng băng mà Mỹ đang mong đợi là “không thể chấp nhận được”.
Trước đây, chính phủ của Tổng thống Donald Trump đã từ chối cam kết gia hạn New START. Thay vào đó, các quan chức Mỹ đã cố gắng thuyết phục Nga mở rộng mục tiêu của hiệp ước, bao gồm cả vũ khí hạt nhân chiến thuật. Đây là các vũ khí hạt nhân nhỏ hơn được dùng để phá hủy các mục tiêu quân sự, viễn thông hoặc cơ sở hạ tầng, trong khi vũ khí hạt nhân chiến lược là các loại vũ khí hạt nhân lớn dùng để phá hủy các mục tiêu lớn hơn như các thành phố.
Nga đã tuyên bố sẽ đồng ý gia hạn Hiệp ước New START (ký năm 2010), trong đó hạn chế việc triển khai vũ khí hạt nhân chiến lược của hai bên cũng như các hệ thống phân phối, đồng thời Nga và Mỹ cho phép kiểm tra các kho dự trữ tương ứng của nhau. Việc bổ sung vũ khí hạt nhân chiến thuật vào các hạng mục được đề cập trong New START đồng nghĩa với việc thay đổi thỏa thuận một cách cơ bản và Nga không muốn thay đổi như vậy.
Có thể thấy, Mỹ đã đặt tham vọng quá lớn về New START nên không được Nga chấp thuận trong khi dư luận thế giới mong muốn New START cần được gia hạn. Thời gian còn lại để duy trì New START không còn nhiều và nguy cơ New START biến mất không nhỏ.
Nhận thức rõ điều này, các nhà lãnh đạo từ 20 quốc gia châu Âu đã gửi thỉnh nguyện thư kêu gọi Mỹ và Nga gia hạn New START, đồng thời khẳng định thỏa thuận này đã “đóng góp trực tiếp” vào việc ổn định an ninh châu Âu. Thỉnh nguyện thư nêu rõ: Mặc dù châu Âu không tham gia vào các cuộc đàm phán của New START, nhưng châu Âu vừa là bên thụ hưởng sự ổn định do hiệp ước mang lại, vừa là nạn nhân tiềm tàng của sự không chắc chắn và nguy hiểm lớn hơn nhiều nếu hiệp ước biến mất.
Theo ông Kingston Reif, Giám đốc Chính sách giải trừ vũ khí và giảm thiểu đe dọa tại Hiệp hội Kiểm soát vũ khí (một tổ chức độc lập có trụ sở tại Mỹ), khoảng cách giữa Mỹ và Nga tại thời điểm này vẫn còn tồn tại nhưng quan trọng hơn hết là cần gia hạn New START thêm 5 năm vì lợi ích của toàn cầu.
Nguồn SGGP: http://sggp.org.vn/co-con-hon-khong-691405.html