Có con riêng khi chưa ly hôn: Có bị xử phạt?
Mặc dù pháp luật chỉ công nhận hôn nhân một vợ, một chồng nhưng thực tế vẫn xảy ra chuyện ngoại tình của vợ/chồng dẫn tới có con riêng khi chưa ly hôn.
* Có con riêng khi chưa ly hôn
Ông V.H. và bà T.L. (ngụ P.Hố Nai, TP.Biên Hòa) kết hôn vào năm 2000, có 2 con chung (23 tuổi và 15 tuổi). Cuộc sống hôn nhân của họ có nhiều thăng trầm, lúc hợp, lúc tan nhưng chưa ly hôn chính thức.
Đầu năm 2023, bà L. quyết định ly hôn với chồng và tuyên bố rằng, người con 23 tuổi mới là con chung, do con quá 18 tuổi nên ở với ai tùy con lựa chọn. Còn người con nhỏ 15 tuổi không phải là con chung giữa bà với ông H. nên khi ly hôn bà nhận nuôi mà không cần ông H. chu cấp.
Ông H. chia sẻ, thời điểm sinh người con nhỏ, ông bà vẫn là vợ chồng. Nếu ông đi giám định ADN để xác định quan hệ huyết thống, truờng hợp con nhỏ không phải là con ruột của ông thì bà L. có bị xử lý hành chính, hình sự vì vi phạm Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 hay không?
Trong khi đó, trường hợp của ông C.K. (ngụ P.Tân Phong, TP.Biên Hòa) lại khá đặc biệt. Dù biết vợ là bà M.G. có con riêng với người tình khi vợ chồng ông chưa ly hôn nhưng ông C.K. vẫn chấp nhận vì muốn giữ hạnh phúc và không muốn 2 con chung cùng họ hàng thân quen biết chuyện. Nay vợ chồng ông ly hôn, ông yêu cầu nuôi con riêng của vợ và 2 con chung cho có anh em nhưng không được bà M.G. đồng ý.
“Mặc dù pháp luật, đạo đức xã hội không chấp nhận chuyện vợ/chồng có quan hệ ngoài luồng, có con riêng với người tình nhưng trẻ không có lỗi khi sinh ra, sự việc éo le này là do người lớn, dẫn đến anh em chia cắt rất tội nghiệp” - ông C.K. tâm sự.
* Rắc rối về mặt pháp lý
Theo luật sư Đỗ Văn Gọn (Đoàn Luật sư tỉnh), Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 có quy định, con sinh ra không phụ thuộc vào tình trạng hôn nhân của cha mẹ đều có quyền và nghĩa vụ như nhau đối với cha mẹ của mình. Chính vì vậy, một người dù đã có vợ, có chồng hợp pháp khi lén lút quan hệ và có con chung với người khác thì người con này vẫn có quyền ngang nhau đối với cha/mẹ như anh/chị/em cùng cha khác mẹ hoặc cùng mẹ khác cha với mình.
Do đó, theo pháp luật, họ có quyền thừa kế hưởng di sản của cha mẹ ruột khi mất mà không có di chúc, được cha dượng/mẹ kế làm thủ tục nhận làm con và được cha/mẹ đẻ dù không sống cùng, nuôi dưỡng, chăm sóc làm thủ tục xác định mối quan hệ cha/mẹ con với nhau.
“Chung sống như vợ chồng là việc người đang có vợ, có chồng chung sống với người khác một cách công khai hoặc không công khai nhưng cùng sinh hoạt chung như một gia đình. Việc chung sống như vợ chồng thường được chứng minh bằng việc: có con chung, được hàng xóm và xã hội xung quanh coi như vợ chồng, có tài sản chung, đã được gia đình, cơ quan, đoàn thể giáo dục mà vẫn tiếp tục duy trì quan hệ đó” - luật sư NGUYỄN ĐỨC (Hội Luật gia tỉnh) cho biết.
Luật sư Đỗ Văn Gọn phân tích, trong trường hợp vợ có con riêng khi chưa ly hôn, pháp luật cho phép người chồng được quyền yêu cầu người cha đẻ của con thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng. Muốn làm điều đó, bắt buộc phải tiến hành giám định ADN để làm căn cứ xác định quan hệ huyết thống. Còn muốn nuôi dưỡng, chăm sóc đứa bé này chỉ thực hiện được khi vợ và cha đẻ của đứa trẻ đồng ý.
Riêng trường hợp người chồng/vợ muốn tố cáo vợ/chồng của mình vi phạm chế độ hôn nhân một vợ, một chồng, chỉ thực hiện được khi đôi bên chưa ly hôn và phải chứng minh được người vợ/chồng đang sống với người tình một cách công khai hoặc không công khai nhưng cùng sinh hoạt chung như một gia đình bằng việc có con chung, được hàng xóm và xã hội xung quanh coi như vợ chồng, có tài sản chung, đã được gia đình cơ quan, đoàn thể giáo dục mà vẫn tiếp tục duy trì quan hệ đó.
Theo khoản 1, Điều 59 Nghị định 82/2020/ NĐ-CP ngày 15-7-2020 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp; hành chính tư pháp; hôn nhân và gia đình; thi hành án dân sự; phá sản doanh nghiệp, HTX, người nào đang có vợ hoặc đang có chồng mà chung sống như vợ chồng với người khác thì bị phạt tiền từ 3-5 triệu đồng. Còn tại Khoản 1, Điều 182 Bộ luật Hình sự sửa đổi, bổ sung năm 2017 thì người nào đang có vợ, có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người khác thuộc một trong các trường hợp sau đây thì bị phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ đến 1 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 1 năm: làm cho quan hệ hôn nhân của một hoặc hai bên dẫn đến ly hôn; đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này mà còn vi phạm.
Do đó, theo luật sư Đỗ Văn Gọn, với các trường hợp nêu trên, sẽ không xử lý người vợ được. Thực tế các ông, bà đang sống chung, chăm sóc con nên không có cơ sở để khẳng định vợ của mình đang sống chung với người khác như vợ chồng được. Bởi hiện tại, pháp luật không có quy định cụ thể về khái niệm ngoại tình cũng như hình thức xử lý đối với hành vi ngoại tình. Pháp luật chỉ có quy định về xử phạt vi phạm hành chính, xử lý hình sự trong trường hợp một người đang có vợ hoặc đang có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người khác. Cho nên, dù hành vi ngoại tình, có con chung với người khác là có xảy ra và nó chỉ biểu hiện ở mức độ lén lút, không công khai, không tổ chức chung sống như vợ chồng thì không có căn cứ để xử lý như hành vi vi phạm chế độ hôn nhân một vợ, một chồng.