Có cuộc gọi là lên đường

Trong cùng năm 2014, tôi mới chân ướt bước vào báo Tiền Phong, đã xảy ra 2 sự kiện lớn là cuộc tìm kiếm máy bay MH370 mất tích đầy bí ẩn và giải cứu 12 công nhân bị mắc kẹt trong hầm thủy điện Đạ Dâng. Cả 2 sự kiện đó, vừa là công việc vừa là may mắn tôi đều được tòa soạn cử tham gia đưa tin trực tiếp, với sự phối hợp và hỗ trợ nhịp nhàng của cả tòa soạn để đưa tới bạn đọc những tác phẩm báo chí tốt nhất, nhiều thông tin là độc nhất.

Lực lượng cứu hộ trao đổi với công nhân mắc kẹt qua ống khoan. Ảnh: H.Việt

Lực lượng cứu hộ trao đổi với công nhân mắc kẹt qua ống khoan. Ảnh: H.Việt

Hồi tưởng

Một ngày cuối tháng 12/2014, khi sự cố sập hầm thủy điện Đạ Dâng (Lạc Dương, Lâm Đồng) bước sang ngày thứ 2, các nỗ lực cứu hộ vẫn chưa mang lại kết quả, bạn đọc cả nước khát tin từng phút. Sáng sớm tôi nhận được cuộc gọi của lãnh đạo Ban Kinh tế - Xã hội, cuộc gọi giao nhiệm vụ chưa tới 30 giây, về việc tòa soạn cử tôi vào hiện trường hỗ trợ phóng viên thường trú trực tiếp đưa tin công tác cứu hộ. Vậy là tôi khăn gói lên đường, đồ cá nhân cho vài ngày, máy tính xách tay, máy ảnh, cuốn sổ nhỏ, ít lương khô và kẹo gừng để duy trì năng lượng. Tư trang tối đa không quá 7kg, để đi máy bay không cần ký gửi hành lý giảm thời gian chờ gửi và nhận ở sân bay. Cùng thời điểm, các bộ phận tại tòa soạn lo thủ tục hành chính, vé máy bay để đi chuyến sớm nhất từ Hà Nội vào Đà Lạt, sắp xếp nhân sự trực tiếp xử lý tin, bài, ảnh, clip phóng viên sẽ gửi về.

Nửa tiếng sau, tôi có mặt ở tòa soạn, Trưởng ban Đình Thắng đã chờ sẵn ở sảnh tầng 1 với các loại giấy tờ cần thiết, tôi tiếp nhận kèm các chỉ đạo ngắn gọn và lên xe cơ quan ra thẳng sân bay. Hơn 12 giờ trưa ngày 17/12/2014, tôi có mặt ở sân bay Liên Khương, lên thẳng taxi để tới vị trí đập thủy điện Đạ Dâng cách sân bay gần 60km, trời Đà Lạt vẫn đổ mưa. Cách chân đập thủy điện khoảng 2km, đường đất dốc, trơn trượt, nát bươm sau nhiều ngày mưa và xe công trình, xe cứu hộ ra vào, chiếc taxi buộc phải dừng lại, còn tôi lội bộ vào hiện trường tai nạn.

Trước sự kiện sập hầm thủy điện Đạ Dâng, tháng 3/2014, tôi đang có chuyến công tác lên vùng núi phía Bắc, đang dở hành trình thì tòa soạn gọi về ngay. Máy bay MH370 của hãng hàng không Malaysia Airlines mất tích, khả năng có thể đã vào vùng trời và vùng biển chủ quyền của Việt Nam, Bộ GTVT được giao lập sở chỉ huy điều phối công tác tìm kiếm, cứu nạn. Tôi là phóng viên theo dõi được giao trực tiếp trực sở chỉ huy để “canh” thông tin 24/24h. Bỏ dở chuyển công tác, tôi bắt xe ngược lại Hà Nội tới thẳng Sở chỉ huy của Cục Hàng không.

Tại trung tâm chỉ huy tìm kiếm, anh em phóng viên theo dõi bộ ngành tìm đủ cách, đủ mối quan hệ để hỏi han, dò la tin tức mới nhất. Mỗi người bước ra từ cửa phòng chỉ huy đều có phóng viên sấn tới hỏi han tin tức. Máy bay tìm kiếm, tàu thuyền trong khu vực phát hiện bất kể dấu hiệu nghi vấn nào đều được báo về, như vết dầu loang, vật thể khả nghi trôi dạt… Tại trung tâm các lực lượng sẽ khoanh vùng trên bản đồ để tập trung chỉ đạo tìm kiếm. Tất cả thông tin, hình ảnh có được sẽ cập nhật lập tức về tòa soạn để các bộ phận túc trực xử lý.

Vừa tới nơi, trước tiên là chụp bộ ảnh hiện trường, các phân khu của lực lượng cứu hộ, người thân công nhân đang mắc kẹt, người dân theo dõi. Thông tin sơ bộ có được, tôi soạn ngắn gọn kèm ảnh gửi về tòa soạn, bộ phận thư ký tại tòa soạn biên tập chi tiết và đẩy đăng báo điện tử. Sự kiện được báo Tiền Phong điện tử tường thuật trực tiếp kéo dài từ ngày thứ 2 của sự cố tới khi các công nhân được giải cứu và điều trị ổn định tại bệnh viện, 4 ngày liên tục.

Hình ảnh chỉ báo Tiền Phong có được tại vị trí sạt lở hầm thủy điện Đạ Dâng, lực lượng cứu hộ thực hiện khoan và đào 2 lối hầm để tiếp cận vị trí 12 công nhân mắc kẹt. Ảnh: H.Việt

Hình ảnh chỉ báo Tiền Phong có được tại vị trí sạt lở hầm thủy điện Đạ Dâng, lực lượng cứu hộ thực hiện khoan và đào 2 lối hầm để tiếp cận vị trí 12 công nhân mắc kẹt. Ảnh: H.Việt

Trong ngày đầu ở hiện trường sự cố sập hầm thủy điện Đạ Dâng, báo Tiền Phong chỉ mình tôi là phóng viên có mặt đưa tin (ngày sau đó báo cử thêm phóng viên Đại Dương từ TPHCM tăng cường lên). Một mình tác nghiệp, vừa phải đảm bảo chạy đua thông tin với các báo bạn (có báo ngoài phóng viên tin, còn cả nhóm đa phương tiện), vừa phải có thông tin riêng biệt. Khi có công nhân từ trong hầm thủy điện đi ra phải tìm cách tiếp cận để dò hỏi, vì họ là cầu nối để nắm được thông tin tiến độ các công việc phía trong hầm, nơi phóng viên không được phép vào. Thông tin, hình ảnh có được, dù ngắn hay dài, đều gửi thẳng vào nhóm chát chung có sự tham gia của lãnh đạo báo, thư ký phụ trách, lãnh đạo ban, kỹ thuật viên ảnh và video, để theo phân công từng người sẽ lấy thông tin xử lý gọn gàng đưa lên báo. Với thông tin quan trọng, mới nóng nhất tôi gọi điện thoại thẳng về thư ký phụ trách để đọc và ở nhà gõ lại cho nhanh. Cuối ngày, tôi xử lý thông tin tổng hợp công tác cứu hộ trong ngày thành bài hoàn chỉnh gửi tòa soạn để đăng báo giấy cho số hôm sau.

Trong các cuộc chạy đua thông tin sự kiện nóng, phóng viên qua công việc của mình cũng là người may mắn có được những trải nghiệm sẽ không bao giờ quên, khi được là một phần của sự kiện. Dù mệt, nhưng cảm giác có được thông tin trước các báo bạn, thông tin chỉ riêng mình có là “món ăn” cung cấp năng lượng để vượt qua những mệt mỏi về thể chất. Mỗi bài báo và thông tin cung cấp tới bạn đọc, một đôi khi người đọc chỉ biết tới phóng viên - người được đề tên dưới bài báo, nhưng để có được điều đó sau họ là cả một hệ thống hỗ trợ mà hầu như chỉ người làm báo mới biết. Tôi luôn cảm thấy may mắn và biết ơn tới những người “đầu bếp” đã chế biến “thập cẩm câu chữ, hình ảnh” mà tôi hái lượm về để ra được một bài báo gửi tới bạn đọc mà chỉ tên tôi được đề phía cuối.

Xong việc một ngày, tôi nhờ anh em công nhân cho ngồi nhờ trong lán để ăn lương khô. Thấy vậy, anh em công nhân san các suất cơm hộp của mình, mỗi người một ít đưa tôi, suất cơm góp gần như đã nguội lạnh, lẫn lộn đủ thứ, nhưng ấm lòng và rất ngon. Đêm muộn, sau tin ảnh công tác cứu hộ không ngừng nghỉ, giấc ngủ của những công nhân trên nền đất trải bạt vừa được thay ca gửi về tòa soạn, phóng viên cũng không ngoại lệ, nền đất lạnh cóng, lổn nhổn đá sỏi phía dưới, nhưng ngủ an lành.

Đường hầm cứu hộ do lực lượng cứu hộ đào để tiếp cận và giải cứu thành công 12 công nhân mắc kẹt Ảnh: H.Việt

Đường hầm cứu hộ do lực lượng cứu hộ đào để tiếp cận và giải cứu thành công 12 công nhân mắc kẹt Ảnh: H.Việt

Chiều 18/12/2014, từ TPHCM, phóng viên Đại Dương có mặt ở hiện trường cùng tôi đưa tin, với dự báo công tác cứu hộ sẽ kéo dài. Bằng quan hệ cá nhân, anh Đại Dương và tôi được nhóm công nhân điện cho đi cùng vào hầm tiếp cận vị trí sạt lở chia cắt công nhân. Khi vừa tới, đúng lúc mũi khoan thông, chúng tôi được ở lại tầm 10 phút để tác nghiệp, quay lại cảnh lực lượng cứu hộ trao đổi với anh em công nhân mắc kẹt bên trong qua ống khoan và luồn ống nhựa để đưa nước, cháo vào trong cho các công nhân. Tin, ảnh, clip độc quyền của báo Tiền Phong được chuyển tới bạn đọc, với thông tin sức khỏe và tâm lý anh em công nhân đều ổn, có 12 người mắc kẹt thay vì 11 người như thông tin ban đầu.

Chiều thứ 3 ở hiện trường (ngày 19/12) hầm do công binh đào thông vào trong, những công nhân đầu tiên được cáng ra ngoài trong sự vỡ òa của tất cả những người có mặt. Hối hả, mệt mỏi, nhưng mọi người đều cười sung sướng. Tôi vừa chạy vừa gọi điện ngay về tòa soạn, thông báo tin đã cứu được những công nhân đầu tiên để tòa soạn cập nhật trước, sau đó là hình ảnh được gửi về. Công nhân cuối cùng được đưa ra và lên xe cứu thương về bệnh viện, tất cả cùng rời đi…

LÊ HỮU VIỆT

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/co-cuoc-goi-la-len-duong-post1585706.tpo