Có đáng tự hào khi giỏi 'học hỏi' iPhone
Học hỏi, sao chép tính năng, ngoại hình của iPhone là chuyện cũ trong giới Android. Tuy nhiên, Oppo thuộc số ít nhà sản xuất không ngại che giấu việc này.
“Từ khi ra mắt Find X8, chúng tôi hình thành được một tập người dùng mới, là nhóm chuyển từ iPhone sang. Vấn đề đặt ra là có thói quen nào phải bị phá bỏ, cần học lại hay không? Câu trả lời gần như là không. Chúng tôi tự tin khi phục vụ tốt người dùng từ các hệ điều hành khác nhau”, ông Văn Bá Luýt, Giám đốc Sản phẩm Oppo Việt Nam nói ở chủ đề phần mềm, tại buổi ra mắt dòng điện thoại tầm trung Reno 13 tại Việt Nam.
Trên màn hình trình chiếu, hãng điện thoại đưa các bình luận nhận xét của người dùng đã được chọn lọc, về giao diện người dùng ColorOS 15. Nổi bật là các ý kiến: “Có cả Dynamic Island luôn kìa”, “AirDrop là oke nha. Đang dùng song hành ColorOS và iOS”. Qua phần phát biểu và trình chiếu, thương hiệu Trung Quốc không cố giấu việc sản phẩm của mình được “học hỏi” nhiều tính năng của Apple. Đồng thời, họ cũng tự tin là nhà sản xuất làm việc này giỏi nhất.
Táo khuyết tạo xu hướng, phần còn lại sao chép trở thành câu chuyện muôn thuở ở ngành di động. Tuy nhiên, Oppo vẫn là công ty kiên trì nhất với triết lý này. Không chỉ tại Việt Nam, xu hướng “tái sử dụng” tính năng của sản phẩm đối thủ được công ty làm tại nhiều đợt ra mắt nội địa, quốc tế.
Bằng cách này, Oppo duy trì vị trí một trong những nhà sản xuất Trung Quốc thành công nhất khi phát triển ra toàn cầu. Tuy nhiên, đây cũng là chỉ dấu cho một giai đoạn ngành smartphone thiếu sáng tạo, chậm phát triển.
Oppo học gì từ iPhone
ColorOS giữ vị trí một trong những giao diện người dùng Android giống iOS nhất. Mỗi khi Apple cung cấp hệ điều hành mới, gần như ngay sau đó sản phẩm từ Oppo cũng có những chức năng tương tự. Tại quê nhà Trung Quốc, điện thoại của hãng vẫn hay được gọi với biệt danh “Ophone”, một cách chơi chữ của Oppo + iPhone.
Trên ColorOS 15, sự học tập đẩy lên cấp độ mới khi giao diện này được đại tu phần lõi. Qua đó, toàn bộ hiệu ứng chuyển cảnh, phản hồi thị giác và vuốt chạm làm mới. Kết quả cho ra là chiếc máy có độ mượt đáng kinh ngạc, “như iPhone” theo cách nói của nhiều người.
Theo Android Police, việc cảm thấy iPhone “mượt” nhờ một phần của hiệu ứng thị giác. Những đoạn chuyển tiếp được lấp đầy bằng khung hình động thay vì bỏ trống, khiến người dùng thoải mái hơn. Đây là một phần của thiết kế UX (Trải nghiệm Người dùng) chứ không riêng UI (Giao diện Người dùng). Nhiều năm qua, Táo khuyết vẫn nổi tiếng chăm chút tốt cho UX.
Bằng việc “học hỏi” hệ thống này của Apple, điện thoại Oppo chạy phần mềm mới tái tạo trải nghiệm sử dụng mượt mà. Kết hợp với các yếu tố phần cứng như tốc độ làm tươi và lấy mẫu màn hình, sản phẩm khiến người dùng bất ngờ về tốc độ.
Ngoài UX, khách hàng dễ dàng nhận ra nét tương đồng về giao diện giữa hai hệ điều hành, từ tùy biến màn hình khóa, trung tâm thông báo, điều khiển, phân bổ icon hay hình dáng biểu tượng. Bản mới còn được bổ sung chức năng điều khiển quanh camera trước, tương tự Dynamic Island.
Trước đó, MIUI được tạo ra như một bản ROM mod iOS cho Android, Meizu có thời được mệnh danh là Apple của Trung Quốc. Nhiều nhà sản xuất khác cũng bắt chước thiết kế, tai thỏ... Ngay cả Samsung cũng bị từng bị kiện vì sao chép Táo khuyết.
Tuy nhiên, Oppo vẫn là nhà sản xuất kiên trì với mục tiêu này và làm tốt nhất. Chỉ smartphone của hãng này có thanh gạt tắt âm, nút chụp ảnh cảm ứng hay công cụ AirDrop trực tiếp như iPhone.
Đánh đổi có xứng đáng?
Giỏi sao chép không đồng nghĩa với việc thương hiệu lười sáng tạo. Hãng này vẫn có trung tâm nghiên cứu diện tích hàng nghìn mét vuông ở Đông Quảng, Thâm Quyến (Trung Quốc) để thử nghiệm và phát triển tính năng mới. Nhiều dòng điện thoại của công ty này được đánh giá cao nhờ tính năng chụp ảnh, sạc siêu nhanh, thẻ NFC, màn hình gập…
Dòng Reno đời đầu được khen giàu công nghệ với camera vây cá mập, ống kính tiềm vọng. Oppo từng có chuỗi sự kiện hàng năm có tên Inno Day (Inno trong Innovation - Đổi mới) để giới thiệu giải pháp được họ tự nghiên cứu.
Tuy nhiên, những điều này không che lấp việc nhiều sản phẩm đại chúng của hãng có nét tương đồng với Apple. Đổi lại, Oppo là một trong những thương hiệu Trung Quốc thành công nhất khi tiến ra quốc tế.
Báo cáo thường niên của Counterpoint Research cho thấy nhà sản xuất này ổn định ở mức thị phần 9% toàn cầu, dưới Samsung, Apple và Xiaomi. Tuy nhiên khác với Xiaomi, Vivo, vốn có doanh thu nội địa chiếm phần lớn, Oppo có thế mạnh ở nước ngoài. Ví dụ ở Đông Nam Á, hãng xếp vị trí số một ở Indonesia, Malaysia, Thái Lan, số hai tại Philippines, Việt Nam, số liệu từ Canalys.
Trao đổi với Tri Thức - Znews, quản lý thị trường của một công ty trong chuỗi cung ứng di động tại Việt Nam cho rằng "sao chép" iPhone là cách hiệu quả để giúp các nhà sản xuất Android tiếp cận thị trường mới nổi, thu nhập trung bình. Ở đây, chúng là phương án thay thế khi muốn có trải nghiệm như dòng máy cao cấp, nhưng chi phí đầu tư rẻ hơn.
Mặt khác, việc hãng tái tạo trải nghiệm giống iPhone còn giúp chuyển dịch một nhóm khách hàng của Táo khuyết muốn đổi hệ điều hành hoặc cần thêm điện thoại phụ.
Ví dụ như dòng Reno 13 Oppo mới ra mắt tại Việt Nam. Giá khởi điểm tương đương một chiếc iPhone 11, người dùng có mẫu máy với thiết kế, tính năng tương tự iPhone 16. Trải nghiệm thực tế không thể giống hoàn toàn, nhưng vẫn là lựa chọn thay thế phù hợp hơn chiếc máy 5 năm tuổi.
Vấn đề xuất hiện ở phân khúc giá cao hơn. Số tiền tương đương iPhone đời mới, không có lý do để người dùng mua một chiếc điện thoại “giống iPhone”.
Sao chép có giết chết sáng tạo?
Mặt khác, việc mạo hiểm với các thử nghiệm sáng tạo vẫn là “canh bạc” với các hãng di động. Nếu thất bại, khoản đầu tư cho R&D có thể khiến các nhà sản xuất rơi vào thế khó khi thị trường cạnh tranh khốc liệt. Những hình mẫu đi trước thời đại như LG, HTC hay Sony vẫn là bài học cho nhiều công ty. Do vậy, phát kiến mang tính đột phá không còn xuất hiện thường xuyên.
Trong năm 2024, sản phẩm di động mới mẻ nhất là mẫu màn hình gập 3 Huawei Mate XT. Sau khi ra mắt, điện thoại nói trên tạo ra cơn sốt dù chỉ bán nội địa. Sản phẩm cháy hàng trong tuần đầu mở bán, bị đội giá gấp nhiều lần trên thị trường thứ cấp.
Nhưng sau một tháng, nhiều cửa hàng phải giảm giá mạnh. “Đây là sự chuyển dịch từ cơn sốt ban đầu về thực tế. Vấn đề hiển hiện rõ nét khi chi phí sửa chữa chiếc máy này còn cao hơn nhiều điện thoại cao cấp”, Sina nhận định.
Trang này cũng cho rằng ngành di động đã phát triển vượt mức, vào giai đoạn bão hòa khi chức năng cơ bản được phục vụ tốt, nhà sản xuất chỉ có thể nâng cấp nhỏ giọt. Việc phụ thuộc vào cốt lõi AOSP, vi xử lý của Qualcomm hoặc MediaTek khiến các nhà sản xuất Android bế tắc trong việc chủ động tạo ra cái mới.
Do vậy, theo dấu thương hiệu dẫn đầu, được đánh giá cao về khả năng định hình thị trường, tối ưu trải nghiệm người dùng vẫn là phương án an toàn hơn cho các nhà sản xuất.
Tuy nhiên, nếu xu hướng này tiếp tục, ngành di động sẽ chỉ tồn tại iPhone và điện thoại giống iPhone. Ngoài ra, sao chép cũng không thể là phương án lâu dài cho bất kỳ nhà sản xuất nào khi phải đối mặt với các nguy cơ về bản quyền, tranh chấp pháp lý.
Nguồn Znews: https://znews.vn/co-dang-tu-hao-khi-gioi-hoc-hoi-iphone-post1522464.html