Cô dâu Thúy Nga - chú rể Hoàng Minh chọn tổ chức đám cưới kiểu Huế. Họ diện cổ phục triều Nguyễn thay cho váy cưới lộng lẫy và áo vest thanh lịch.
Ngày 28/1, bộ ảnh cưới cô dâu chú rể diện áo cổ phục Nhật Bình và áo tấc của La Thúy Nga (sinh năm 1992, Kiên Giang) và Đinh Hoàng Minh (sinh năm 1992, Trà Vinh) vào ngày trọng đại được nhiều người quan tâm.
PV Người Đưa Tin Pháp luật liên hệ với La Quốc Bảo (23 tuổi) - em trai cô dâu Thúy Nga - người đưa ra ý tưởng tổ chức đám cưới cho chị gái mình. Bảo cho hay: “Về ý tưởng tổ chức đám cưới kiểu Huế, mình đưa ra trước đó lâu rồi nhưng do dịch COVID-19, đám cưới lên lịch mấy lần nhưng phải chuyển sang ngày khác. Cuối cùng, gia đình mình thấy cuối năm đẹp trời, mọi thứ có vẻ êm xuôi nên quyết định tổ chức trước Tết thành ra chỉ có 48 ngày chuẩn bị cho đám cưới của chị mình”.
Cô dâu mặc áo Nhật Bình... Chia sẻ về ý tưởng tổ chức đám cưới kiểu Huế, chàng trai 9X cho hay: “Đám cưới kiểu Huế thì cô dâu mặc Nhật Bình, chú rể mặc áo tấc. Đoàn rước dâu có hai em bé cầm lồng đèn Huế vẽ chữ song hỷ/ thọ/ phúc đi đầu, phía sau có đoàn cầm tán che cô dâu chú rể, phù dâu phù rể, sui gia hai bên, đoàn phu khiêng lồng cau (cái bàn gỗ có thanh đòn) đựng mâm quả. Bên cạnh đó còn thêm thắt lễ tiết và sính lễ tùy vào điều kiện gia đình”.
Chú rể mặc áo tấc. Quốc Bảo cho biết, áo Nhật Bình xưa triều Nguyễn là lễ phục của bậc hậu và cung phi, nữ quan, cũng như mệnh phụ (chánh thất các quan) dành cho các lễ tiết trang trọng. Sau này, nữ nhân các gia đình thượng lưu, quý tộc cũng được phép vận Nhật Bình trong lễ cưới hỏi chứ không còn gò bó là lễ phục dành cho người được ban/phong phẩm vị nữa. Nhật Bình tùy vào công năng mà có thể may bằng sa mát cho mùa hè hay gấm cho mùa đông. Áo tấc có tên là áo ngũ thân tay thụng, cũng là một dạng lễ phục nhưng dùng các dịp ít trang trọng hơn, cũng như tần suất xuất hiện thường xuyên hơn, do là dạng thức nam nữ đều dùng. Áo tấc may bằng đủ mọi chất liệu nhưng nhìn chung không cầu kỳ như Nhật Bình, vốn chỉ dành cho phụ nữ.
Đoàn rước dâu có hai em bé cầm lồng đèn Huế đi đầu. Để có được một đám cưới theo kiểu Huế, Bảo đã phải tính xem may áo gì, đội hình ra sao, sẽ phải có những gì... Nhưng chỉ có vỏn vẹn 48 ngày chuẩn bị, đã có lúc, chàng trai 9X tưởng sẽ bỏ cuộc chỉ vì chữ “sợ”. Nhưng rồi nghĩ lại, không mong gì hơn ngoài lễ xuất giá của người chị ruột duy nhất diễn ra trọn vẹn, Bảo đã nỗ lực đến cùng.
Bộ Nhật Bình nữ quan và cặp quạt lông thêu long mã phù đồ, thải vân bên trong được làm mới. "Đếm không hết những “lần đầu tiên” trong suốt một tháng rưỡi này, những trải nghiệm và cảm xúc có lẽ cả đời mình không bao giờ quên. Những ngày rong ruổi từ Kiên Giang, Sài Gòn, Bến Tre đến tận Huế, cuối cùng mong ước tái hiện lại một phần gốc gác của gia đình đã thành hiện thực. Một đám cưới mang phong vị Huế giữa lòng Kiên Giang, xen trong tà áo ngũ thân, Nhật Bình là lả lướt những hàng lọng tán, quạt lễ và đoàn phu khiêng chiếc lồng cau sơn son đưa cô dâu về nhà chồng”, Quốc Bảo tâm sự.
Chiếc hộp gỗ truyền thống đựng cặp đèn cầy long phụng được thay bằng hộp đựng sắc phong sơn son thếp vàng, họa long phụng. Ngoài may mới áo Nhật Bình nữ quan (áo Nhật Bình trơn) phỏng theo các ảnh tư liệu cổ và dựng lại cặp quạt lông thêu long mã phù đồ, thải vân bên trong, Bảo muốn có chất xưa và truyền thống nên dùng luôn đồ cổ của gia đình. Đồ xưa lấy trong gia đình có khay rượu cẩn xà cừ nổi, bộ bình và chung rượu, hộp đựng nữ trang bằng đồng mạ vàng, hộp đựng sắc phong...
Những hình ảnh về đám cưới của cô dâu Thúy Nga - chú rể Hoàng Minh được chia sẻ trên mạng xã hội đã nhận được nhiều lời khen. Cô dâu, chú rể gặp nhau trên một diễn đàn mạng xã hội và thấy chung sở thích nên bắt đầu tìm hiểu và hẹn hò, sau một thời gian thì quyết định tiến tới hôn nhân. Cả hai sống ở Sài Gòn nhưng về Kiên Giang tổ chức vì có nhà thờ tổ cũng như ngôi chùa Môn Quan Tự xây lên trong khuôn viên, để thêm phần ý nghĩa và long trọng.