Có đến 203 triệu chứng hậu COVID-19
Ngày 23/4, Bộ Y tế cho biết có đến 203 triệu chứng khác nhau của hậu COVID-19, có thể xuất hiện sau khi bệnh nhân đã hồi phục, hoặc tồn tại dai dẳng từ đầu, hoặc tái phát.
Theo Bộ Y tế, trong bối cảnh tình hình dịch bệnh COVID-19 hiện nay, số lượng người mắc COVID-19 đã gia tăng ở khắp các tỉnh, thành phố, trong đó một số người dân xuất hiện các dấu hiệu, triệu chứng kéo dài, ảnh hưởng đến sức khỏe hoặc khả năng lao động và có nhu cầu đi kiểm tra sức khỏe.
Để thực hiện hiệu quả công tác khám, chữa bệnh cho người dân sau khi mắc COVID-19 (hậu COVID-19) trong giai đoạn hiện nay, Bộ Y tế chỉ đạo, Giám đốc Sở Y tế các tỉnh, thành phố, Thủ trưởng các đơn vị trực thuộc Bộ Y tế và Y tế các Bộ, ngành nghiêm túc tổ chức triển khai, thực hiện một số nội dung.
Cụ thể, các cơ sở khám, chữa bệnh cho người bệnh khi mắc và hậu COVID-19 theo đúng các hướng dẫn chuyên môn do Bộ Y tế đã ban hành, như: hướng dẫn chẩn đoán và điều trị COVID-19, trong đó có hướng dẫn phục hồi chức năng cho người bệnh COVID-19 sau ra viện, chăm sóc sức khỏe tâm thần; hướng dẫn Phục hồi chức năng bệnh viêm đường hô hấp cấp tính do SARS-CoV-2 (COVID-19)...
Cùng với đó Bộ Y tế yêu cầu các cơ sở khám, chữa bệnh tăng cường truyền thông, nâng cao nhận thức để người dân hiểu đúng và đầy đủ về các dấu hiệu, triệu chứng hậu COVID-19, thời điểm người dân cần đi khám, chữa bệnh và thực hiện khám, chữa bệnh phù hợp, tránh để người dân lo lắng, hoang mang quá mức, tránh lạm dụng chỉ định ở các cơ sở khám, chữa bệnh. Bộ Y tế khuyến cáo người dân không sử dụng các loại thuốc không rõ nguồn gốc, thuốc không được cấp phép lưu hành, các bài thuốc truyền miệng để chữa bệnh...
PGS.TS Trần Minh Điển, Giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương cho hay, hậu COVID-19 xảy ra ở người có tiền sử nhiễm SARS-CoV-2 có các triệu chứng xuất hiện trong hoặc sau khi mắc COVID-19, kéo dài 12 tuần và không thể lí giải bằng các chẩn đoán khác.
Bộ Y tế khẳng định, các triệu chứng hậu COVID rất đa dạng. Triệu chứng phổ biến nhất bao gồm mệt mỏi, khó thở, đau cơ xương khớp, giảm hoặc mất vị giác hoặc khứu giác, suy giảm nhận thức, rối loạn giấc ngủ, ho, đau ngực…
Bộ Y tế giao Cục Quản lí Khám, chữa bệnh, Thanh tra Bộ, Sở Y tế các tỉnh, thành phố, Y tế các Bộ, ngành tăng cường kiểm tra, giám sát các cơ sở khám, chữa bệnh trực thuộc và cơ sở y tế tư nhân trên địa bàn về hoạt động chuyên môn, thông tin, quảng cáo khám chữa bệnh để kịp thời giải quyết các khó khăn, vướng mắc, chấn chỉnh, xử lí nếu có vi phạm.
Đồng thời giao Cục Quản lí Khám, chữa bệnh phối hợp với các Vụ, Cục liên quan, các nhà chuyên môn tiếp tục nghiên cứu, cập nhật, đề xuất ban hành các hướng dẫn chuyên môn và triển khai tập huấn để nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh cho người bệnh.
Theo thống kê của Bộ Y tế, dịch COVID-19 ở nước ta diễn biến tích cực, có xu hướng giảm mạnh 4 tiêu chí trong 30 ngày qua gồm: số ca cộng đồng giảm 56,5%; ca tử vong giảm 60,5%; ca đang điều trị tại bệnh viện giảm 44,9%; ca nặng, nguy kịch giảm 38,6%.
Hiện nay số ca mắc chỉ còn dưới 15.000 ca mắc mới trong ngày, tương đương thời điểm tuần cuối tháng 11/2021 là lúc biến thể Omicron chưa xâm nhập và lây lan rộng ở nước ta (riêng TP. Hà Nội hiện đang ghi nhận khoảng 1.000 ca mỗi ngày, thấp nhất từ giữa tháng 12/2021 đến nay). Cả nước, số ca tử vong chỉ còn trên dưới 10 ca tử vong ghi nhận mỗi ngày, thấp nhất từ tháng 7/2021 đến nay.
Tuy nhiên, dự báo thời gian tới dịch bệnh vẫn còn diễn biến khó lường trên thế giới, không loại trừ xuất hiện các biến chủng mới lây lan nhanh hơn, nguy hiểm hơn. Vắc xin vẫn là biện pháp quan trọng trong phòng chống dịch, đồng thời tiếp tục đẩy mạnh tiêm chủng, chủ động xây dựng và triển khai các kịch bản, phương án đáp ứng với mọi tình huống dịch bệnh; tuyệt đối không chủ quan, lơ là, mất cảnh giác.
Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/co-den-203-trieu-chung-hau-covid-19-post1433133.tpo