Có đến 50% mẫu xăng RON95 không đạt chuẩn
Hàng loạt vụ vi phạm chất lượng xăng dầu đã bị triệt phá nhưng lợi nhuận cao và mức xử phạt quá nhẹ vẫn khiến các tổ chức, cá nhân manh động.
Xăng dầu là mặt hàng chiến lược của mỗi quốc gia và thiết yếu đối với đời sống xã hội có tác động trực tiếp đến sự phát triển của nền kinh tế. Hiện nay, sản lượng xăng dầu sản xuất trong nước đã đáp ứng khoảng 80% - 90% nhu cầu thị trường. Tuy nhiên, bên cạnh xăng dầu nhập khẩu chính ngạch đã qua kiểm tra đảm bảo chất lượng, vẫn còn có do buôn lậu, pha chế trái phép làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường kinh doanh, gây ảnh hưởng đến hiệu suất của động cơ, tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ rất cao và thậm chí là gây thất thu cho Nhà nước.
50% mẫu xăng RON95 không đạt chuẩn
Tại buổi tọa đàm “Xăng dầu giả, thiệt hại thật” do Cổng Thông tin điện tử Chính phủ tổ chức ngày 29/11, ông Trần Hữu Linh, Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương) cho biết, trong những năm qua, những thủ đoạn gian lận thương mại trong lĩnh vực xăng dầu ngày càng ngày càng tinh vi, gây khó khăn trong công tác kiểm tra, kiểm soát.
Đơn cử như năm 2017, lực lượng QLTT đã phát hiện vụ pha chế và tiêu thụ 2 triệu lít xăng dầu ở địa bàn Nghệ An; gần đây nhất trong năm 2019, Công an tỉnh Đăk Nông đã triệt phá được một đường dây pha chế xăng giả xăng pha với chất dung môi hòa với chất tạo màu để tạo thành xăng RON95 và xăng E5. Riêng từ đầu năm 2018, lực lượng QLTT các địa phương đã tiến hành kiểm tra, xử lý nhiều vụ việc liên quan đến xăng dầu với gần 5.000 cuộc kiểm tra, xử lý vi phạm hơn 1.000 vụ việc, tước quyền sử dụng giấy phép kinh doanh, tịch thu 6 cột bơm và 1 cây xăng.
“Những hành vi vi phạm điển hình liên quan đến xăng dầu kém chất lượng thường xảy ra ngoài hệ thống phân phối chính thức. Nhiều đại lý vẫn kinh doanh xăng dầu khi giấy chứng nhận đủ điều kiện bán lẻ xăng dầu đã hết hiệu lực. Qua kiểm tra, có đến 50% mẫu xăng RON95 và gần 1% xăng E5 ở một vài cửa hàng không đạt kết quả theo tiêu chuẩn kỹ thuật”, ông Linh nêu thực trạng.
Là cơ quan có chức năng kiểm tra chất lượng xăng, dầu, ông Trần Quốc Tuấn, Cục trưởng Cục Quản lý sản phẩm hàng hóa (Tổng cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng, Bộ KH&CN) cũng cho biết, trong năm 2018, Bộ KH&CN đã tổ chức các cuộc thanh tra chuyên đề diện rộng tại 2.723 cơ sở đã phát hiện 113 cơ sở kinh doanh xăng dầu có vi phạm và xử phạt vi phạm hành chính với tổng số tiền hơn 6,8 tỷ đồng.
Trong năm 2019, qua kiểm tra đột xuất trên thị trường, Bộ KH&CN cũng đã phát hiện ra một số cửa hàng xăng dầu vi phạm chất lượng tại khu vực Hà Nội, Hưng Yên, Bắc Giang và có những cửa hàng đã bị xử phạt trên 200 triệu đồng, tịch thu hàng hóa và yêu cầu là các biện pháp bổ sung, tái chế các lô hàng vi phạm, ngừng sử dụng giấy phép kinh doanh xăng dầu có thời hạn.
Phân tích nguyên nhân dẫn đến việc kinh doanh xăng dầu kém chất lượng hiện nay, ông Nguyễn Anh Toàn, Phó Tổng Giám đốc Tổng công ty Dầu Việt Nam (PVOil) cho rằng, việc buôn bán xăng giả, xăng kém chất lượng chủ yếu xảy ra ở các cửa hàng nhỏ lẻ khi vẫn còn tình trạng bán lẻ xăng dầu không xuất hóa đơn, nhất là đối với những khách hàng mua nhỏ lẻ ít khi có nhu cầu lấy hóa đơn. Điều này khiến cho các đại lý xăng dầu rất dễ hợp thức hóa khi mua xăng dầu trôi nổi trên thị trường.
Mặt khác, nguồn xăng dầu từ nhà máy lọc dầu hoặc nhập khẩu, sản xuất pha chế của doanh nghiệp hiện nay vẫn thông qua qua phương tiện vận tải đến các hộ tiêu thụ trực tiếp. “Đây chính là vấn đề phức tạp nhất và có tiềm ẩn nhiều nguy cơ nhất, đặc biệt là tại những địa bàn vùng sâu, vùng xa”, ông Toàn nhận định.
Tăng cường công tác phối hợp
Trong bối cảnh ngày càng nhiều đường dây sản xuất, buôn bán xăng kém chất lượng, xăng không rõ nguồn gốc bị phát hiện và triệt hạ thời gian qua, thì vấn đề minh bạch xuất xứ và siết chặt quản lý chất lượng xăng dầu ngày càng trở nên cấp thiết.
Theo ông Trần Hữu Linh, do hạn chế về cơ sở vật chất, nguồn thông tin cũng như quy chế, cách thức phối hợp giữa các cơ quan chưa tốt nên thời gian qua đã không phát hiện kịp thời các vụ vi phạm về chất lượng xăng dầu thì xăng dầu. Điều này đòi hỏi cần có sự điều chỉnh cả về mặt chính sách cũng như cách phối hợp giữa các lực lượng thì mới ngăn chặn có hiệu quả gian lận thương mại xăng dầu trong thời gian tới.
“Nếu không có gì thay đổi, trong tháng 12 này thì sẽ có Nghị định mới quy định về xử lý hành chính trong lĩnh vực xăng dầu và khí gas. Đồng thời, Bộ Công Thương cũng đang tiến hành các quy trình để đề xuất sửa đổi, bổ sung Nghị định số 83. Với những chính sách mới này được hi vọng là những chế tài đủ sức răn đe để hạn chế các hành vi buôn lậu,gian lận thương mại trong lĩnh vực xăng dầu”, ông Linh cho biết.
Ông Bùi Minh Tiến, Tổng Giám đốc Công ty CP Lọc hóa dầu Bình Sơn đề xuất, các lực lượng chức năng cần phải thực hiện hết trách nhiệm cũng như rất quyết liệt mới nâng cao được công tác chống buôn lậu xăng dầu, từ tuyến biên giới, ngoài biển đến vào sâu trong đất liền. Điểm nữa là phải tăng cường thông tin, phát động quần chúng nhân dân chủ động, mạnh dạn tố giác những đối tượng như cửa hàng xăng dầu nghi vấn qua đường dây nóng của lực lượng quản lý thị trường.
Mặt khác theo ông Tiến, nếu có sửa đổi Nghị định cũng cần có quy định chặt chẽ việc hợp tác kiểm tra của các lực lượng chức năng đối với các thương nhân đầu mối, nhưng điều này cũng phải tránh chồng chéo, tránh gây phiền hà cho doanh nghiệp. “Tiếp tục tăng cường quản lý chặt chẽ các đơn vị phân phối, bán lẻ cuối cùng để hạn chế tình trạng các cây xăng mua xăng dầu không có nguồn gốc, trôi nổi trên thị trường để bán cho người tiêu dùng để thu lợi bất hợp pháp luật”, ông Tiến đề xuất./.
Nguồn VOV: https://vov.vn/kinh-te/co-den-50-mau-xang-ron95-khong-dat-chuan-984205.vov