Cờ đỏ sao vàng rực rỡ tung bay Đêm kỷ niệm Chiến thắng Điện Biên Phủ
Các thế hệ đi sau sẽ tiếp bước cha anh với tinh thần Điện Biên, phấn đấu xây dựng đất nước Việt Nam hòa bình, phát triển, ngày càng khẳng định vị thế trên trường quốc tế.
Tối 5/5/2024, chương trình Cầu truyền hình trực tiếp với chủ đề: “Dưới lá cờ quyết thắng” kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 – 7/5/2024) diễn ra long trọng tại năm điểm cầu: Điện Biên, Hà Nội, TP.HCM, Thanh Hóa và Kon Tum.
Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã từng nói: "Điện Biên Phủ là điểm hẹn mà lịch sử dành cho những cuộc chiến tranh xâm lược trong thời đại ngày nay". Lịch sử Việt Nam đã trải qua bao thử thách. Mỗi khi có giặc ngoại xâm, tinh thần độc lập, khát khao tự do lại vượt lên tất cả.
Điện Biên Phủ là minh chứng cho tinh thần và khát khao ấy, cũng là "điểm hẹn mà lịch sử dành cho các cuộc chiến tranh xâm lược". Các thế hệ đi sau sẽ tiếp bước cha anh với tinh thần Điện Biên, phấn đấu xây dựng đất nước Việt Nam hòa bình, phát triển, ngày càng khẳng định vị thế trên trường quốc tế.
Cầu truyền hình “Dưới lá cờ Quyết thắng” với thời lượng 110 phút đã đưa khán giả quay trở lại những năm tháng hào hùng với biết bao ký ức không thể nào quên về một thời chiến tranh gian khổ, nhưng rất đỗi hào hùng của dân tộc.
Cùng mong muốn truyền tải thông điệp Chiến thắng Điện Biên Phủ là chiến công chung của cả dân tộc Việt Nam và nhân loại tiến bộ, được hun đúc bởi khát khao giành quyền được sống; được hưởng độc lập tự do như bao dân tộc khác trên thế giới.
Chương trình đã lựa chọn các điểm cầu để nói lên sự sẻ chia, đồng lòng của cả dân tộc, đóng góp sức người, sức của, không quản ngại hy sinh xương máu, sẵn sàng hiến dâng tất cả những gì mình có để đóng góp cho chiến thắng.
Ngày đó, chúng ta đã dồn sức để có được chiến thắng, đó không phải là chiến thắng tại riêng Điện Biên Phủ, khắp cả nước đều có những chiến công; đó là sự đồng lòng của cả dân tộc, góp sức người, sức của, sự hy sinh xương máu, với tất cả những gì mình có để đóng góp cho chiến thắng.
Khán thính giả được thưởng thức các tiết mục biểu diễn nghệ thuật với những ca khúc, sáng tác sống mãi với thời gian như:
Bác đang cùng chúng cháu hành quân (Huy Thục), Nam Bộ kháng chiến (Tạ Thanh Sơn), Người Hà Nội (Nguyễn Đình Thi), Bình Trị Thiên khói lửa (Nguyễn Văn Thương), Tây Nguyên bất khuất (Văn Ký),…
Qua 5 điểm cầu, bức tranh về chiến thắng Điện Biên Phủ đã được tái hiện chân thực và toàn cảnh. Đó không chỉ là chiến thắng của riêng Điện Biên Phủ mà cả dân tộc đã cùng đồng lòng, góp sức người, sức của, hy sinh xương máu, với tất cả những gì mình có để cùng đóng góp nên chiến thắng “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”.
Xen kẽ các phóng sự, lời kể của các nhân chứng lịch sử, chương trình nghệ thuật tại 5 điểm cầu cũng được ê kíp sản xuất dàn dựng công phu, đậm chất sử thi tạo nên mạch nối xuyên suốt chương trình là những tác phẩm ca múa nhạc nổi tiếng về Điện Biên Phủ.
Cùng với đó là những bài ca đi cùng năm tháng, đã khắc sâu trong lòng khán giả qua bao thế hệ, góp phần lan tỏa lòng yêu nước, tự tôn dân tộc, khơi dậy sức mạnh đoàn kết toàn dân.
Hữu Long