Cô độc khi sống một mình ở TP.HCM
Cuộc sống một mình nơi đô thị khiến nhiều người trẻ chật vật, mệt mỏi. Họ tự chăm sóc khi thành F0, ăn Tết lẻ loi, suy kiệt tinh thần mà không có chỗ dựa.
"Đúng mùng một Tết năm 2019, ông chủ nhà trọ đập bể chiếc ly thủy tinh vừa uống cà phê. Ông ấy quát vợ mình phải đuổi tôi đi, bảo tôi trả tiền nhà ít, chắc là loại người hư nên Tết mới không về nhà. Tôi chỉ biết nghe và bật khóc. Trong mấy năm ở một mình tại TP.HCM, đó là lần tôi tủi thân, sụp đổ nhất".
Đó là tâm sự của Ngô Hải (sinh năm 1993) với Zing về những gì mà anh từng trải qua khi từ Đà Nẵng vào TP.HCM sinh sống, làm việc.
Người ta bảo anh Sài Gòn là nơi "dễ sống, dễ kiếm tiền", nhưng không ai nói với anh rằng cuộc sống một mình nơi thành thị cũng rất khó khăn, đặc biệt khi không có nhiều tiền, nhiều bạn bè hay người thân để nương tựa.
Tại Việt Nam, người trẻ đang có xu hướng sống một mình nhiều hơn do nhiều nguyên nhân như di cư về đô thị hoặc ngần ngại kết hôn, chung sống. Cuộc sống độc thân, một mình giúp họ có được sự riêng tư, nhưng cũng khiến nhiều người đối mặt những khó khăn về kinh tế, sức khỏe và tinh thần.
Theo báo cáo "The Truth About Gen Z" được công bố tháng 3/2021 bởi công ty dịch vụ tiếp thị toàn cầu McCann Worldgroup, khảo sát dựa trên phỏng vấn 32.000 người trên toàn cầu, trong đó có 5.000 người đến từ đô thị lớn ở châu Á, Gen Z và Millennials là hai nhóm phải trải qua "đại dịch cô đơn" mạnh mẽ hơn các thế hệ khác.
Thể hiện bản thân đầy thú vị trên mạng xã hội song những người trẻ này lại khó có mối quan hệ thực ngoài đời, luôn cảm thấy cô đơn và khó chia sẻ.
'Mơ thành nhiếp ảnh gia, nhưng tôi phải bán máy ảnh trả nợ'
Cuối năm 2018, sau khi tốt nghiệp một trường đại học ở Đà Nẵng, Hải vào TP.HCM với ước mơ trở thành nhiếp ảnh gia chuyên nghiệp. Tài sản lớn nhất của anh là chiếc máy ảnh cũ kèm bộ lens, ngoài ra còn có vài triệu đồng mà bà ngoại đưa vội lúc lên đường.
Cha mẹ ly hôn và rời quê từ lâu, Hải không còn người thân nào khác ngoài ngoại.
Tại TP.HCM, chỗ trọ đầu tiên của anh là một nhà kho cũ ở phường Tân Định, quận 1. Nơi này có chiều ngang chỉ 1 m, sâu 5 m, vừa đủ cho một chỗ ngủ.
"Mỗi tháng, tôi trả cho chủ trọ 3 triệu đồng. Lúc đó, tôi chỉ cần chỗ ngủ thôi, thời gian còn lại đều ở lại nơi làm việc dùng ké điều hòa", Hải nói.
Hải nộp CV vào một số studio chụp ảnh, tòa soạn báo nhưng vì không có kinh nghiệm nên không được nhận.
Để có tiền sinh hoạt, anh đành tìm đến một công ty truyền thông xin làm cộng tác viên với mức lương 4-5 triệu đồng/tháng. Nếu làm chăm chỉ hơn, con số này có thể lên 6-7 triệu đồng.
Anh cho biết ở giai đoạn năm 2018-2019, mức lương như trên không thể đủ sống tại TP.HCM. Công việc khi đó của anh cũng không thuận tiện để làm thêm ở bên ngoài. Vì vậy, trong khoảng một năm đầu tiên, cứ gần qua nửa tháng Hải đã hết tiền, phải nhắn tin vay mượn bạn bè.
Nhưng số nợ cứ thế lớn dần lên làm Hải sợ hãi. Đến cuối cùng, anh đành phải bán bộ máy ảnh đi để trả nợ.
"Công việc cộng tác viên của tôi khi đó hầu như không dùng đến máy ảnh. Nhìn bộ máy cất trong tủ chống ẩm, tôi đấu tranh lắm vì đó là công cụ để tôi thực hiện ước mơ. Nhưng cuối cùng, tôi cũng đành bán nó đi để trả nợ dù thật lòng không muốn chút nào. Đến bây giờ, tôi có đủ điều kiện để mua máy ảnh mới rồi nhưng cũng không dám mua vì lại nhớ đến những ngày khó khăn đó", Hải kể lại.
Cái giá của riêng tư và trưởng thành
Không giống Ngô Hải, Lê Phước Thành Luân lại có nền tảng kinh tế hơn bởi cả gia đình đều cùng sinh sống tại TP.HCM. Tuy nhiên, không vì vậy mà anh có cuộc sống riêng thuận lợi, đặc biệt là về mặt tài chính.
Tháng 5/2017, anh xin phép bố mẹ ra ở riêng để tự lập. Anh cùng bạn thuê chung một căn hộ 5 phòng ngủ ở huyện Nhà Bè, sau đó tìm thêm người ở ghép.
Cuộc sống riêng ban đầu không mấy suôn sẻ bởi tổng số tiền Luân phải chi trả ban đầu là khá lớn, lên đến hàng trăm triệu đồng bao gồm tiền đặt cọc, trả tiền thuê tháng đầu và mua sắm đồ dùng. Điều này khiến anh phải gồng sức lo tiền.
Sau khoảng một năm, Luân đành bỏ dở việc làm ăn, chuyển sang nơi ở khác.
"Quý II năm 2018 là giai đoạn tôi suy sụp nhất vì công việc bấp bênh, tiền bạc hạn hẹp. Trải qua biến cố, tôi mới thấy áp lực cơm áo gạo tiền đáng sợ tới mức nào. Tôi từng nghĩ đến việc phải quay về 'cầu cứu' gia đình. Khi đó, bạn gái cũ của tôi ngỏ lời giúp đỡ. Cô ấy chủ động thu xếp sẵn một khoản tiền cho tôi mượn để xử lý công việc. Nhờ cô ấy mà sau một thời gian, tình hình tài chính của tôi mới ổn định lại", Luân kể.
Tuy nhiên, đối với Luân, áp lực tài chính không phải mối bận tâm duy nhất khi quyết định ở một mình. Giai đoạn cuối năm 2021 - đầu năm 2022, anh đột ngột xuất hiện tâm lý suy sụp, có dấu hiệu trầm cảm, rối loạn lo âu.
Nhưng Luân không dám nói với gia đình. Anh nghĩ rằng người thân sẽ khó tin nếu anh nói mình trầm cảm. Anh cũng cảm thấy mặc cảm, tội lỗi nếu như chia sẻ vấn đề tâm lý của mình.
"Giai đoạn vừa qua, thực sự là mọi thứ đều hoàn toàn rơi khỏi tầm kiểm soát của tôi. Tôi chỉ thỉnh thoảng tâm sự với vài người bạn thân hoặc uống rượu để tạm quên đi tất cả. Giờ đây, tôi vẫn còn chênh vênh lắm, dù bản thân đang cố gắng cân bằng lại. Nhiều khi tôi ước mình quay lại cuộc sống trước đây khi ở cùng gia đình. Lúc đó, tôi tỉnh có người tin tưởng, nuông chiều, tôi say cũng được cha mẹ mắng mỏ, nghe than thở. Cô đơn có lẽ là cái giá của việc sống riêng và trưởng thành", Luân bày tỏ.
'Là F0 khi sống một mình, TP.HCM bị phong tỏa'
Sau Tết Nguyên đán, bạn bè và người thân ở quê của D.M.T. (sinh năm 1998, quận Bình Thạnh, TP.HCM) đồng loạt mắc Covid-19. Không ai quá lo lắng bởi đều đã tiêm đủ 3 mũi vaccine, điều kiện mua sắm thuốc và thực phẩm lại rất thuận tiện.
Nhưng vào thời điểm tháng 9/2021, khi T. là F0, mọi thứ lại không dễ dàng như vậy. Đặc biệt khi cô chỉ sống một mình tại nhà trọ.
"Lúc ấy, shipper tại TP.HCM đã hoạt động nhưng rất hạn chế, khó đặt đơn. Chưa kể các hình thức đi chợ hộ tại nơi tôi trọ cũng không mấy hiệu quả. Tôi từng lo lắng quá mà bật khóc. Tôi chỉ ở một mình, sợ gặp chuyện chẳng lành sẽ không ai kịp giúp đỡ", T. chia sẻ cùng Zing.
Ban đầu, T. định kể tình hình sức khỏe của mình với cha mẹ. Nhưng cô nghĩ nếu nói ra, có lẽ cả nhà sẽ thấy sợ hãi, lo lắng hơn nữa, nhất là khi không thể trực tiếp chăm sóc con vì khoảng cách địa lý và các chính sách hạn chế di chuyển trong dịch.
Cuối cùng, cô chọn cách giấu kín chuyện mắc Covid-19 với gia đình, quyết tâm tự một mình điều trị tại nhà.
Cô nhờ bạn bè, đồng nghiệp mua giúp thuốc và thực phẩm. Người hàng xóm cũng nhiệt tình giúp T. đi chợ, mua thêm các món đồ dùng cần thiết.
"Khi mắc bệnh, tôi may mắn không có triệu chứng nặng nhưng lại bị ảnh hưởng tâm lý nặng nề. Càng ở một mình, tôi càng lo lắng, sợ hãi. Tôi khó ngủ và bật khóc mỗi lần nghĩ tới viễn cảnh sức khỏe xấu đi", cô chia sẻ.
Sau 9 ngày điều trị bệnh, T. vui mừng nhận kết quả âm tính. Với cô, mắc Covid-19 khi chỉ có một mình là cuộc chiến về cả sức khỏe và tâm lý. Nếu tâm lý không vững vàng, không lạc quan, có lẽ cô khó lòng vượt qua những giai đoạn khó khăn của bệnh.
"Covid-19 khi ấy đáng sợ lắm bởi mọi người mới chỉ tiêm một hoặc 2 mũi vaccine. Đáng sợ hơn nữa khi đây là căn bệnh buộc bạn phải cách ly với mọi người. Khi gặp bệnh nguy hiểm, lại chỉ ở một mình, thứ làm tôi sợ hãi nhất không phải những cơn ho, sốt mà chính là cảm giác lẻ loi, không ai kề cạnh", T. bày tỏ.
Nguồn Znews: https://zingnews.vn/co-doc-khi-song-mot-minh-o-tphcm-post1297940.html