Cô độc trong hôn nhân với chồng Tây
Chúng tôi kết hôn được 3 năm nhưng chưa sinh con. Chồng tôi là một người tử tế và thích đi du lịch khắp nơi trên thế giới.
Ban đầu, tôi cảm thấy rất kỳ lạ, bởi anh đến từ một đất nước châu Âu, nhưng không có nhiều hiểu biết về thế giới bên ngoài cho đến khi tôi gặp anh cách đây gần 7 năm. Tôi có sự nghiệp riêng của mình với tư cách là quản lý trong một công ty nhỏ. Chúng tôi đang ở trong cuộc hôn nhân với rất nhiều hiểu lầm. Chúng tôi thường có những xích mích nhỏ chủ yếu là do sự khác biệt về văn hóa và bất đồng ngôn ngữ.
Gần đây anh nói rằng anh mệt mỏi với cuộc sống. Anh phàn nàn tôi không dành thời gian cho bạn bè anh và không bao giờ tò mò về bất cứ điều gì liên quan đến anh. Vì thế anh không chắc anh có thể sống với tôi lâu hơn… Và rồi sáng hôm sau khi chúng tôi thức dậy, anh nói anh muốn ly hôn.
Tôi rất buồn nhưng cố giữ bình tĩnh để nói với anh hãy cho tôi một cơ hội. Tôi muốn chứng minh những gì anh nghĩ về tôi là sai. Anh đồng ý và cho tôi 1 tháng. Kể từ ngày đó, cả hai chúng tôi đều cố gắng ép mình vui vẻ, nói chuyện với nhau, và thường xuyên trao nhau những cử chỉ thân mật.
Nhưng tôi cảm thấy anh đã đối xử với tôi rất khác: lạnh lùng và xa cách. Có những lúc tôi không còn hy vọng vào cuộc hôn nhân này. Tôi hoảng sợ và áp lực với ý nghĩ mình phải tiến hành một cuộc đại tu ngay lập tức về tính cách, kỹ năng ngôn ngữ và nhận thức văn hóa để cứu vãn hôn nhân.
Tôi thấy mình không được đối xử công bằng. Tôi gặp khó khăn về ngôn ngữ, trong khi anh chưa bao giờ cởi mở với tôi về những nhu cầu của anh nên mọi sự bực bội của anh đều bộc phát ra bên ngoài. Điều duy nhất an ủi tôi là việc anh chấp nhận chờ đợi 1 tháng trước khi quyết định.
Tôi hoàn toàn cô độc trong cuộc khủng hoảng này. Tôi không thể tìm kiếm lời khuyên từ bố mẹ vì thực tế là trước đó họ đã quyết liệt phản đối việc tôi kết hôn với người nước ngoài. Trong số những người bạn tôi quen, không ai rơi vào hoàn cảnh giống tôi.
Cuối cùng, tôi đánh liều tìm kiếm một người bạn trên mạng xã hội. May mắn cho tôi, cô ấy có vẻ là một người tốt, chịu khó lắng nghe và cho tôi những lời khuyên chân thành. Cô ấy cũng từng gặp khủng hoảng giống tôi, nhưng bằng sự kiên nhẫn tuyệt vời, cô ấy đã vượt qua và đang có một cuộc sống hạnh phúc với tổ ấm nhỏ của mình.
Cô ấy nói với tôi: “Kỳ vọng về những gì sẽ xảy ra trong 1 tháng cần được điều chỉnh để cả hai cùng cố gắng hàn gắn cuộc hôn nhân. Chắc chắn chị sẽ tiếp tục cảm thấy thất vọng với sự khác biệt về văn hóa. Có những nền văn hóa gia đình, văn hóa cộng đồng và những khác biệt khác khiến chúng ta nhìn thế giới theo những cách độc đáo.
Anh chị đang sống ở Việt Nam nên chồng chị sẽ luôn cần phải điều chỉnh để thích nghi với một nền văn hóa khác. Nhưng chị nên đòi hỏi điều này một cách tinh tế. Chẳng hạn, chị có thể yêu cầu anh ấy sống chậm lại một chút, cho cả hai thời gian và không gian để hiểu rõ hơn về nguồn gốc của những khác biệt. Ban đầu, anh ấy có thể cảm thấy khó chịu, nhưng với thời gian và nỗ lực, những mối quan tâm của anh ấy sẽ có ý nghĩa hơn đối với cả 2 người.
Khi chị khám phá những cảm giác này, đừng ngại hỏi anh ấy những câu hỏi về điều gì đã thúc đẩy sự thay đổi đột ngột của anh ấy. Anh ấy đã từng ngoại tình với người khác chưa? Anh ấy có những bí mật khác mà không muốn chia sẻ? Điều gì đã khiến anh ấy đột ngột quyết định cuộc hôn nhân cần phải kết thúc? Chị có quyền đưa ra những câu hỏi này giống như cách anh ấy có quyền lo lắng về cuộc hôn nhân. Tất nhiên, nếu anh ấy sẵn sàng tìm đến chuyên gia tư vấn hôn nhân để nhờ giúp vượt qua những thử thách này, thì hãy đảm bảo rằng anh chị làm việc với một chuyên gia tư vấn hôn nhân được đào tạo.
Nếu chồng chị chọn cách im lặng và quản chế chị một tháng mà không sẵn sàng tham gia vào cuộc trò chuyện có ý nghĩa về cuộc hôn nhân, thì em rất tiếc, cuộc hôn nhân có thể đã kết thúc. Anh ấy đã quyết định hoàn tất cuộc hôn nhân, nhưng chờ đợi một tháng có thể giúp anh ấy cảm thấy bớt hoang mang hơn. Chị cũng không cần đợi một tháng nếu anh ấy từ chối tham gia thảo luận về mối quan tâm của anh ấy.
Nếu vấn đề thực sự xuất phát từ phía chị nhiều hơn thì điều quan trọng là chị phải tiếp tục học tiếng Anh cũng như nâng cao năng lực văn hóa của mình, như thế chị mới có thể tiếp tục tiến tới với những mục tiêu bất kể chồng chị quyết định thế nào.
Nghe chị kể, em đoán là có những lý do khác khiến anh ấy muốn ly hôn. Chị hãy làm tất cả những gì chị có thể để tìm ra lý do thực sự của anh ấy. Hãy cho anh ấy thấy rằng chị không chỉ sẵn sàng hợp tác mà còn mong anh ấy chia sẻ và cởi mở về những điều anh ấy cần. Cả 2 anh chị nên cùng nhau cố gắng để có thể sửa chữa cuộc hôn nhân này”.
Thủy Kiều
Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/gia-dinh/co-doc-trong-hon-nhan-voi-chong-tay-g6dnz797R.html