Cổ đông lớn VIX muốn bán hết cổ phần để thu về 1.000 tỷ đồng
Nhóm cổ đông liên quan đến CEO Gelex đang lên kế hoạch thoái hết 23,27% vốn VIX để cơ cấu danh mục, dự kiến thu về khoảng 1.000 tỷ đồng.
Ông Nguyễn Văn Tuấn vừa thông báo đăng ký bán ra toàn bộ 87,43 triệu cổ phiếu Công ty cổ phần Chứng khoán VIX (Mã: VIX) nhằm cơ cấu danh mục đầu tư. Thời gian giao dịch từ ngày 30/11 đến 29/12 bằng phương thức giao dịch khớp lệnh và/hoặc thỏa thuận.
Cá nhân này đang là cổ đông lớn nhất nắm giữ hơn 15% tổng số cổ phần đang lưu hành của VIX. Ông Tuấn được biết đến nhiều hơn với vai trò Tổng giám đốc Tập đoàn Gelex, chủ tịch HĐQT Viglacera và nhiều vai trò quan trọng khác trong hệ sinh thái này.
Đồng thời, bà Dương Thị Hồng Hạnh (vợ ông Tuấn) cũng đăng ký bán hết 21,2 triệu cổ phiếu, tương ứng 3,64% vốn Chứng khoán VIX trong thời gian và phương thức giao dịch tương tự.
Thêm nữa, Công ty cổ phần FTG Việt Nam cũng muốn bán ra hết hơn 26,8 triệu cổ phiếu VIX, tương ứng 4,61% số cổ phần đang lưu hành. Đây là tổ chức có liên quan đến chủ tịch HĐQT VIX Nguyễn Thị Tuyết (chị ruột ông Tuấn).
Như vậy, nhóm 3 nhà đầu tư này dự kiến bán tổng cộng gần 135,5 triệu cổ phiếu VIX, tương đương thoái hết 23,27% vốn công ty chứng khoán này.
Ông Tuấn bắt đầu rót vốn vào Chứng khoán VIX từ tháng 10/2021 sau khi thực hiện mua vào hơn 29 triệu cổ phiếu trong đợt phát hành tăng vốn với đơn giá 10.000 đồng. Sau đó ông mua tiếp 52,47 triệu cổ phiếu VIX trong đợt chào bán khác có đơn giá 15.000 đồng và cuối cùng nhận cổ tức bằng cổ phiếu để nâng số lượng như hiện tại.
Trong khi đó, cổ phiếu VIX hiện chịu tác động chung của thị trường lao dốc về mức 7.370 đồng (giảm 67% so với đầu năm). Tạm tính theo thị giá này, số tiền mà nhóm nhà đầu tư trên có thể thu về khoảng 1.000 tỷ đồng.
Hoạt động kinh doanh của Chứng khoán VIX đã xấu đi nhanh chóng trong quý III vừa qua. Nhà môi giới này ghi nhận Chứng khoán VIX sụt 53% xuống 182 tỷ đồng bởi các mảng cốt lõi đều kém hiệu quả. Lợi nhuận sau thuế theo đó giảm 40% về mức 88 tỷ đồng.
Danh mục đầu tư của VIX khá lớn bao gồm trái phiếu chưa niêm yết (2.941 tỷ đồng), cổ phiếu niêm yết (839 tỷ đồng), cổ phiếu chưa niêm yết (727 tỷ đồng) và trái phiếu niêm yết (178 tỷ đồng). Công ty chứng khoán này còn có nhiều giao dịch liên quan đến hệ sinh thái Gelex.
Trong khi đó, Gelex dưới quyền điều hành của ông Tuấn cũng chịu nhiều tác động trong quý vừa qua. Doanh thu dù tăng trưởng 16% lên trên 7.000 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế vẫn giảm mạnh 36% về hơn 220 tỷ đồng.
Ngoài ra, tập đoàn này cũng có phát hành trái phiếu khá lớn với con số hơn 3.500 tỷ đồng tại cuối tháng 9, giảm 2.880 tỷ so với đầu năm. Diễn biến này do doanh nghiệp tích cực mua lại trái phiếu trước hạn liên tục từ tháng 5 đến nay.