Cổ đông ngân hàng hết thời nhận 'mưa' cổ tức tiền mặt?

Thông tư mới siết chặt an toàn vốn, cổ tức tiền mặt sẽ chỉ dành cho ngân hàng đủ khỏe, cổ đông khó còn nhận 'mưa' như kỳ vọng.

Ngân hàng đua nhau chốt quyền trả cổ tức, phát hành cổ phiếu

Trong suốt thời gian qua, cổ đông các ngân hàng thương mại đã liên tiếp đón nhận những đợt chia cổ tức, từ cổ phiếu thưởng đến tiền mặt, tạo nên bức tranh lợi nhuận sôi động. Một loạt ngân hàng đã chốt danh sách cổ đông từ cuối tháng 6 đến tháng 7/2025 để chi trả cổ tức hoặc phát hành cổ phiếu thưởng. Ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB) là một trong những cái tên đáng chú ý khi lần đầu tiên kể từ khi niêm yết, ngân hàng này thực hiện chia cổ tức bằng tiền mặt với tỷ lệ 7%, tương đương hơn 1.726 tỷ đồng, dự kiến thanh toán vào ngày 7/8/2025.

Cùng thời điểm, Nam A Bank đã phát hành hơn 343,1 triệu cổ phiếu để trả cổ tức với tỷ lệ 25%, qua đó tăng vốn điều lệ thêm hơn 3.431 tỷ đồng. VietBank cũng hoàn tất việc phát hành hơn 107 triệu cổ phiếu, tỷ lệ 15%, để tăng vốn cổ phần từ nguồn vốn chủ sở hữu. Ngân hàng TMCP Quốc tế (VIB) lại chọn phương án cổ phiếu thưởng, với tỷ lệ 14%, dự kiến phát hành 417 triệu cổ phiếu từ nguồn quỹ dự trữ bổ sung vốn điều lệ và lợi nhuận sau thuế chưa phân phối tại thời điểm 31/12/2024.

Thông tư mới siết chặt an toàn vốn, cổ tức tiền mặt sẽ chỉ dành cho ngân hàng đủ khỏe. Ảnh: Việt An

Thông tư mới siết chặt an toàn vốn, cổ tức tiền mặt sẽ chỉ dành cho ngân hàng đủ khỏe. Ảnh: Việt An

Không chỉ các ngân hàng đã thực hiện, vẫn còn hơn 10 nhà băng khác dự kiến trả cổ tức hoặc cổ phiếu thưởng trong năm nay. Tại Đại hội đồng cổ đông bất thường năm 2025 tổ chức mới đây, Chủ tịch HĐQT KienlongBank Trần Ngọc Minh cho biết, phương án phân phối lợi nhuận năm 2024 từng được thông qua tại kỳ Đại hội đồng cổ đông thường niên của ngân hàng này cần điều chỉnh lại để phù hợp với kế hoạch tăng vốn điều lệ năm 2025.

Theo tờ trình mới, lợi nhuận KienlongBank giữ lại để chia cổ tức được nâng từ 1.807 tỷ đồng lên gần 2.169 tỷ đồng, kéo theo tỷ lệ chi trả cổ tức điều chỉnh tăng từ 50% lên 60%.

Về kế hoạch tăng vốn điều lệ, HĐQT KienlongBank trình cổ đông thông qua phương án nâng vốn từ 3.652 tỷ đồng lên 5.822 tỷ đồng thông qua phát hành cổ phiếu thưởng theo tỷ lệ 100:60 (cổ đông sở hữu 100 cổ phiếu sẽ nhận thêm 60 cổ phiếu mới).

Đây không chỉ là mức chia cổ tức bằng cổ phiếu cao nhất trong hệ thống ngân hàng hiện nay, mà còn là tỷ lệ cao kỷ lục trong chặng đường 30 năm hình thành và phát triển của KienlongBank.

Tương tự, các ngân hàng như VietinBank, MB, BIDV, MSB, SHB, TPBank, Techcombank, PGBank, Saigonbank, VietABank và BacABank dự kiến trả cổ tức hoặc cổ phiếu thưởng trong năm nay. Trong số đó, MB và Techcombank được chú ý đặc biệt khi vẫn duy trì phương án trả cổ tức bằng tiền mặt. Cổ đông MB đã thông qua kế hoạch chia cổ tức với tổng tỷ lệ 35%, trong đó phần tiền mặt tương đương 1.831 tỷ đồng. Techcombank cũng đặt mục tiêu chi trả cổ tức tiền mặt tỷ lệ 10%/cổ phần, với số tiền dự kiến gần 7.065 tỷ đồng.

Điều kiện bắt buộc để duy trì cổ tức tiền mặt

Thực tế, dù đã quen với các đợt phát hành cổ phiếu thưởng nhằm tăng vốn chủ sở hữu, cổ đông ngân hàng vẫn luôn mong đợi những đợt chi trả cổ tức bằng tiền mặt, minh chứng cụ thể cho sức khỏe tài chính và khả năng sinh lời của ngân hàng.

Tuy nhiên, bức tranh “mưa” cổ tức tiền mặt sẽ thay đổi đáng kể từ giữa tháng 9/2025 khi Thông tư số 14/2025/TT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước chính thức có hiệu lực. Theo quy định, các ngân hàng chỉ được phép phân phối lợi nhuận bằng tiền mặt khi đáp ứng đầy đủ tỷ lệ an toàn vốn và bộ đệm bảo toàn vốn.

Cụ thể, các ngân hàng thương mại không có công ty con và chi nhánh ngân hàng nước ngoài phải duy trì tỷ lệ vốn lõi cấp 1 tối thiểu 4,5%, tỷ lệ vốn cấp 1 là 6% và tỷ lệ an toàn vốn (CAR) đạt 8%. Với những ngân hàng có công ty con, yêu cầu này áp dụng cả trên cơ sở hợp nhất.

Đặc biệt, các ngân hàng còn phải tuân thủ lộ trình tăng dần tỷ lệ bộ đệm bảo toàn vốn trong vòng 4 năm, từ mức 0,625% trong năm đầu tiên lên 2,5% từ năm thứ tư. Như vậy, kể từ năm thứ tư, để có thể chia cổ tức bằng tiền mặt, các ngân hàng phải bảo đảm tỷ lệ vốn lõi cấp 1 đạt tối thiểu 7%, vốn cấp 1 đạt 8,5% và CAR tối thiểu 10,5%.

Bên cạnh bộ đệm bảo toàn vốn, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cũng có thể áp dụng thêm bộ đệm vốn phản chu kỳ trong khoảng 0-2,5%, tùy thuộc điều kiện kinh tế và chu kỳ tín dụng. Một số ngân hàng có tầm quan trọng hệ thống có thể bị yêu cầu duy trì tỷ lệ an toàn vốn cao hơn mức tối thiểu.

Những quy định này được đánh giá là bước tiến quan trọng trong việc củng cố sức khỏe hệ thống ngân hàng, bảo đảm an toàn vốn trước rủi ro tín dụng, rủi ro hoạt động và rủi ro thị trường. Tuy nhiên, với cổ đông, điều này đồng nghĩa việc nhận cổ tức tiền mặt sẽ không còn dễ dàng như trước. Chỉ những ngân hàng có nền tảng tài chính vững chắc, duy trì được đầy đủ các tỷ lệ an toàn vốn và bộ đệm theo quy định mới có thể tiếp tục duy trì thói quen chi trả cổ tức tiền mặt đều đặn.

Với bối cảnh này, kỳ vọng “mưa” cổ tức tiền mặt trong thời gian tới vẫn còn, nhưng sẽ mang tính chọn lọc cao hơn. Những ngân hàng không đáp ứng được các tiêu chí an toàn vốn buộc phải ưu tiên tái đầu tư để củng cố bộ đệm, thay vì chia lợi nhuận trực tiếp cho cổ đông.

Năm 2024, có 9 ngân hàng trả cổ tức tiền mặt cho cổ đông là VIB, ACB, HDBank, MB, VPBank, Eximbank, Techcombank, SHB, TPBank. Tổng số tiền các ngân hàng dùng để trả cổ tức trong năm này ước tính khoảng 30.000 tỷ đồng. Trước đó, năm 2023, có 6 ngân hàng trả tổng cộng 23.000 tỷ đồng cổ tức bằng tiền mặt.

Ngân Thương

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/co-dong-ngan-hang-het-thoi-nhan-mua-co-tuc-tien-mat-411454.html