Cổ đông ngân hàng thích cổ tức bằng cổ phiếu
Chuẩn bị cho mùa đại hội cổ đông, một loạt ngân hàng đã gửi thông báo đến các cổ đông, trong đó vấn đề các cổ đông quan tâm nhất là ngân hàng sẽ chia cổ tức ra sao?
Tuy nhiên, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vừa chỉ đạo các ngân hàng thương mại không thực hiện chia cổ tức bằng tiền mặt trong năm 2022, tập trung mọi nguồn lực để giảm lãi suất cho vay hỗ trợ và đồng hành cùng doanh nghiệp, người dân vượt qua khó khăn. Như vậy, đây là năm thứ hai các ngân hàng không được chia cổ tức bằng tiền theo chỉ đạo của cơ quan quản lý.
Ngân hàng không chia cổ tức tiền mặt
Các ngân hàng gần đây cũng "chuộng" phương án phát hành cổ tức bằng cổ phiếu thay vì chia tiền mặt, bởi cách này giúp tăng vốn điều lệ và nâng cao tỷ lệ an toàn vốn, thông qua đó nhà băng có dư địa tăng trưởng tín dụng tốt hơn.
Tại Vietcombank, ông Nguyễn Thanh Tùng, Phó Tổng giám đốc ngân hàng kiến nghị Chính phủ, NHNN tiếp tục tạo điều kiện để Vietcombank tăng vốn bằng cách cho phép ngân hàng giữ lại lợi nhuận sau thuế để trả cổ tức bằng cổ phiếu. Đồng thời, có lộ trình tăng giới hạn sở hữu nước ngoài, trước mắt là tăng lên 35%.
Theo kế hoạch năm nay Vietcombank phát hành hơn 1,02 tỷ cổ phiếu để trả cổ tức từ nguồn lợi nhuận còn lại năm 2019 với tỷ lệ 27,6% (tức cổ đông sở hữu 1.000 cổ phiếu sẽ được nhận 276 cổ phiếu mới). Sau phát hành, vốn điều lệ của Ngân hàng thêm 10.236 tỷ đồng, lên hơn 47.325 tỷ đồng.
Theo tài liệu Đại hội đồng cổ đông vào ngày 29/4 tới đây, BIDV dự kiến phát hành tối đa gần 1,037 tỷ cổ phiếu để trả cổ tức cho cổ đông, tương ứng tỷ lệ 25,77%. Sau phát hành, vốn điều lệ BIDV sẽ tăng từ 40.220 tỷ đồng lên hơn 50.585 tỷ đồng.
Ông Phan Đức Tú - Chủ tịch Hội đồng quản trị BIDV cho hay ngân hàng dự kiến vốn tăng thêm được dùng để đầu tư cơ sở vật chất, hạ tầng công nghệ, phát triển sản phẩm dịch vụ mới, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, tăng tỷ lệ thu nhập ngoài lãi, nâng quản trị rủi ro... Bên cạnh đó, BIDV sẽ tập trung cơ cấu danh mục tín dụng, bán lẻ...
Ngoài ra, hàng loạt ngân hàng khác như: VIB, ACB, MSB, OCB, SHB… tiếp tục có kế hoạch chi trả cổ tức năm 2021 bằng cổ phiếu với tỷ lệ từ 15 - 30%.
Thực tế, trong 2 năm gần đây, việc chia cổ tức bằng cổ phiếu trong bối cảnh giá cổ phiếu ngân hàng đã có sự tăng trưởng so với trước cũng được cổ đông và nhà đầu tư quan tâm, thay vì chỉ tiền mặt như trước.
Ông Nguyễn Doanh Chính, một nhà đầu tư mở tài khoản tại sàn TCBS cho biết, từ đầu năm năm ngoái đến nay, ông cùng với một số người bạn đã mua vào cổ phiếu của các ngân hàng VIB, ACB, Techcombank.
Không chỉ kỳ vọng giá cổ phiếu tăng trưởng khi lợi nhuận của ngành ngân hàng đang khởi sắc, ông Chính còn chờ đợi được chia cổ tức bằng cổ phiếu, bởi các năm gần đây, những ngân hàng này đều chia cổ tức bằng cổ phiếu với tỷ lệ khá cao. “Trong bối cảnh giá cổ phiếu “vua” đang tăng, cổ tức bằng cổ phiếu là mối quan tâm chung của các cổ đông ngân hàng”, ông Chính cho hay.
Cổ phiếu còn dư địa tăng
Theo nhận định từ giới chuyên gia phân tích, giá cổ phiếu “vua” vẫn còn dư địa tăng nhờ triển vọng kinh doanh tích cực.
Một loạt ngân hàng vừa tiết lộ kế hoạch kinh doanh năm 2022 với nhiều con số tham vọng. Ví dụ, VIB dự kiến đạt lợi nhuận kỷ lục 10.500 tỷ đồng, tăng 31% so với năm 2021; MSB dự kiến lợi nhuận năm 2022 đạt 6.800 tỷ đồng, tương ứng với mức tăng trưởng 30%; Eximbank đã đề xuất kế hoạch tham vọng cho năm 2022 với mục tiêu lợi nhuận trước thuế tăng trên 100%. Còn theo kế hoạch kinh doanh năm 2022, OCB dự kiến tăng trưởng lợi nhuận ở mức 25% – 30%...
Trong khi đó, các chuyên gia SSI Research ước tính tăng trưởng lợi nhuận trước thuế trung bình của các ngân hàng năm 2022 là 21% so với năm 2021, cao hơn mức tăng trưởng 13% của 96 công ty trong phạm vi nghiên cứu của SSI. Trong đó, các ngân hàng TMCP có vốn Nhà nước ước tính tăng trưởng lợi nhuận ở mức 19%, trong khi các ngân hàng TMCP khác có thể đạt mức tăng trưởng tới 22% so với năm 2021 do triển vọng tăng trưởng tín dụng tươi sáng hơn.
Kỳ vọng lợi nhuận ngành ngân hàng sẽ bứt phá trong năm nay còn được thể hiện qua việc nhiều chuyên gia đến từ các quỹ ngoại đã đưa ra quan điểm tích cực về nhóm ''cổ phiếu vua'' trong năm 2022. Bà Phạm Thùy Dương - Phó Giám đốc Bộ phận Phân tích, Dragon Capital cho biết quỹ ngoại này đang phân bổ đầu tư cho nhóm ngành ngân hàng cao hơn tỷ trọng của nhóm ngân hàng trong rổ chỉ số VN-Index do tự tin vào tiềm năng tăng trưởng của nhóm ngành này.
Đồng tình, quỹ VinaCapital cũng nhận định rủi ro tín dụng được kỳ vọng giảm nhẹ trong cả năm 2022 so với năm 2021. Do đó, kỳ vọng cổ phiếu ngân hàng sẽ ghi nhận kết quả tích cực trong năm 2022.
Theo tính toán của một nhà đầu tư, nếu ngân hàng chia cổ tức 25% bằng tiền thì một nhà đầu tư sở hữu 10.000 cổ phiếu chỉ được nhận 25 triệu đồng, trong khi nếu chia cổ tức bằng cổ phiếu, nhà đầu tư có thêm 2.500 cổ phiếu.
Trong bối cảnh giá cổ phiếu ngân hàng tăng mạnh, vượt xa thị giá, việc nhận cổ tức bằng cổ phiếu sẽ có lợi hơn nhiều, bởi thông thường, trong bối cảnh thị trường thuận lợi, giá cổ phiếu sẽ có xu hướng phục hồi lại vùng trước khi chia.
Tuy nhiên, anh Nguyễn Minh Tuấn, nhân viên môi giới một công ty chứng khoán cho rằng, việc chia cổ tức bằng cổ phiếu sẽ có lợi cho các nhà đầu tư nắm giữ trung và dài hạn, nhưng với nhà đầu tư lướt sóng sẽ không thích phương án này bởi rủi ro giá cổ phiếu bị pha loãng. Ngoài ra, việc chia cổ tức bằng cổ phiếu hiện tại cũng phải chịu thuế thu nhập cá nhân 5%.