Cổ đông nhiều ngân hàng nhận cổ tức tiền mặt giữa thời 'tiền khó'
Sau mùa đại hội, nhiền ngân hàng đã công bố việc chi trả cổ tức tiền mặt năm 2022 sau nhiều năm tập trung nguồn lực để tăng sức khỏe tài chính. Thực tế những ngân hàng này đều có kết quả kinh doanh tăng trưởng cao trong năm 2022.
Trong tuần qua, tại buổi gặp mặt nhà đầu tư ngày 17/5, lãnh đạo Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank, mã: VPB) đã khẳng định về kế hoạch chia cổ tức bằng tiền mặt liên tiếp trong 5 năm sắp tới.
Phó Tổng giám đốc thường trực VPBank Lưu Thị Thảo cho biết, trong quý 2 hoặc quý 3/2023, các cổ đông VPBank sẽ lần đầu tiên nhận cổ tức bằng tiền mặt khi ngân hàng thực hiện chi trả khoảng 8.000 tỷ đồng từ nguồn lợi nhuận của năm 2022.
Động lực tăng trưởng tại VPBank phải kể đến việc ngân hàng này đã ký kết thỏa thuận phát hành riêng lẻ 15% vốn điều lệ cho ngân hàng SMBC của Nhật Bản (thuộc tập đoàn tài chính SMFG), đưa SMBC Group trở thành nhà đầu tư chiến lược của VPBank.
Khoản đầu tư sẽ mang lại cho VPBank 35.900 tỷ đồng vốn cấp 1, nâng tổng vốn chủ sở hữu của VPBank từ 103.500 tỷ đồng lên gần 140.000 tỷ đồng.
Theo bà Lưu Thị Thảo, ngay trong tháng 4/2023, VPBank đã nhận tiền được số tiền đặt cọc 10% của SMBC. Hiện tại ngân hàng đang thực hiện các bước để hoàn tất thương vụ như xin phê duyệt của các cơ quan có thẩm quyền và chào bán riêng lẻ tăng vốn điều lệ theo quy định pháp luật.
Quá trình này sẽ diễn ra trong khoảng 2 - 3 tháng, dự kiến khoảng cuối tháng 7 và đầu tháng 8 sẽ hoàn tất các thủ tục và nhận tiếp 90% số tiền còn lại, ghi nhận vào vốn của VPBank.
Như vậy, nguồn vốn tăng cường sẽ trở thành bàn đạp giúp ngân hàng thực hiện các kế hoạch tăng trưởng tham vọng, trong đó có việc mở rộng danh mục khách hàng sang đối tượng khách hàng là các doanh nghiệp vừa và lớn - nhờ khai thác nguồn khách hàng lớn là các công ty và tập đoàn đa quốc gia của đối tác chiến lược SMBC.
Ngoài VPBank, các ngân hàng khác cũng rục rịch kế hoạch trả cổ tức bằng tiền mặt cho cổ đông hiện hữu, điển hình là HDBank, ACB, TPBank, MB và VIB.
Tại HDBank, ngày 15/5 vừa qua, ngân hàng này đã công bố kế hoạch chia cổ tức năm 2022 bằng tiền mặt với tỷ lệ 10%. Những cổ đông có tên trong danh sách tại ngày đăng ký cuối cùng là 30/5 sẽ nhận được 1.000 đồng/cổ phiếu nắm giữ. Ngày thanh toán dự kiến diễn ra vào 12/6 tới.
Theo chia sẻ với nhà đầu tư tại sự kiện Hội nghị Nhà đầu tư quý 1/2023, ông Phạm Văn Đẩu, Giám đốc Tài chính HDBank cho biết, ngân hàng đã tăng tốc hoàn thành sớm các thủ tục để cổ đông nhận cổ tức bằng tiền mặt nhanh nhất, có thể vào cuối tháng 5 hoặc đầu tháng 6/2023.
Với hơn 2,5 tỷ cổ phiếu đang lưu hành, dự kiến HDBank sẽ trích ra hơn 2.500 tỷ đồng để trả cổ tức cho cổ đông. Ngoài ra, ngân hàng cũng có kế hoạch chia cổ tức 15% bằng cổ phiếu trong thời gian tới.
Trong khi đó tạiVIB, năm 2022 ngân hàng này đã thu về hơn 10.000 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, qua đó mạnh tay chia cổ tức 35% thực hiện chi trả trong năm 2023, trong đó 20% cổ tức bằng cổ phiếu và 15% cổ tức tiền mặt (chia thành 2 đợt 10% và 5%).
Đây là năm đầu tiên ngân hàng chia cổ tức tiền mặt sau 2 năm thực hiện các chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) về giữ lại lợi nhuận để củng cố an toàn hệ thống, hỗ trợ nền kinh tế vượt qua đại dịch.
Với 2,1 tỷ cổ phiếu phổ thông lưu hành, tổng mức chi trả cổ tức bằng tiền mặt mà ngân hàng này đã bỏ ra trong 2 đợt là 3.150 tỷ đồng.
Tại ĐHĐCĐ thường niên 2023, ban lãnh đạo ngân hàng ACB cũng đã thông qua phương án chia cổ tức năm 2022 với tổng tỷ lệ 25%.
Với kết quả kinh doanh khởi sắc năm 2022, ban lãnh đạo đề xuất sẽ sử dụng gần 8.444 tỷ từ nguồn lợi nhuận chưa phân phối để chia cổ tức. Tỷ lệ chia dự kiến là 25%, bao gồm 15% bằng cổ phiếu và 10% bằng tiền mặt. Sau khi chia, ngân hàng sẽ còn lại hơn 6.578 tỷ đồng.
Lần gần nhất ACB chi trả cổ tức bằng tiền mặt là vào năm 2015 với tỷ lệ 7% (cổ đông sở hữu 1 cổ phiếu nhận được 700 đồng). Như vậy, sau 8 năm, cổ đông ACB mới được nhận được cổ tức bằng tiền mặt.
Một ngân hàng khác cũng lên kế hoạch chia cổ tức trong năm nay là TPBank. Trong ĐHĐCĐ 2023, Chủ tịch HĐQT TPBank Đỗ Minh Phú nhấn mạnh, nếu hoạt động kinh doanh thuận lợi, đạt tăng trưởng cao, ngân hàng sẽ tiếp tục thực hiện việc chia cổ tức cho các cổ đông bằng hai phần tiền mặt và cổ phiếu trong các năm tới. Tỷ lệ chia cổ tức sẽ được HĐQT cân nhắc theo từng thời điểm, nhưng phần tiền mặt sẽ chiếm đáng kể.
Trước đó, vào ngày 3/4, TPBank đã chi khoảng 3.955 tỷ đồng để thanh toán cổ tức tiền mặt cho cổ đông với tỷ lệ 25%, tương ứng 2.500 đồng/cổ phiếu.
Tại MB, ngân hàng này cũng đang có kế hoạch chia cổ tức bằng tiền mặt và bằng cổ phiếu trong năm nay.
Cụ thể, lợi nhuận sau thuế năm 2022 để lại của MB sau khi trích các quỹ là 12.151 tỷ đồng. Tổng lợi nhuận sau thuế để lại lũy kế (bao gồm lợi nhuận để lại các năm trước) là 13.261 tỷ đồng.
Ngân hàng dự kiến dùng 9.068 tỷ đồng để chia cổ tức cho cổ đông. Trong đó, 6.801 tỷ đồng dùng để chia cổ tức bằng cổ phiếu, tương đương tỷ lệ 15%. Bên cạnh đó, 2.266 tỷ đồng chia cổ tức bằng tiền mặt, tương đương tỷ lệ 5%.
Theo Chủ tịch HĐQT MB Lưu Trung Thái, hàng năm ngân hàng vẫn đưa ra mục tiêu trả cổ tức khoảng 15%, năm 2020 tỷ lệ chia cổ tức lên tới 35% còn năm 2021 là 20%. "Tuy nhiên, năm 2023 dự kiến sẽ khó khăn hơn, do đó HĐQT cho rằng, phương án chia cổ tức như vậy là phù hợp với năm nay. MB sẽ giữ lại một chút thặng dư là của cổ đông, khi đó yêu cầu quản trị và vốn chủ sở hữu sẽ tăng lên", tân Chủ tịch chia sẻ.
Nhìn vào các ngân hàng chi trả cổ tức bằng tiền mặt đều có thể thấy, đây là những ngân hàng kết quả kinh doanh tăng trưởng cao trong năm 2022. Ước tính tổng số tiền mà cả 6 nhà băng này chi ra để trả cổ tức tiền mặt là hơn 23.000 tỷ đồng.
Mặc dù vậy, số tiền cổ tức của cổ đông sẽ phải chịu thuế thu nhập theo quy định của pháp luật, đồng thời giá cổ phiếu trên thị trường cũng sẽ bị điều chỉnh tương ứng với số cổ tức mà ngân hàng chi trả trên mỗi cổ phiếu.