Có đúng 'ngành toán ở ta yếu toàn diện'?
'Sự đánh giá của xã hội ta đối với toán học chưa đúng. Ví dụ ở Việt Nam bây giờ có quan niệm toán không làm ra sản phẩm, không làm ra cái gì bán ra thị trường vì vậy phải đẩy toán ra phía bên ngoài' - GS-TS Nguyễn Hữu Dư.
Mới đây, tại cuộc thảo luận nhân sự kiện gặp gỡ giữa các nhà toán học do Viện Toán học - Viện Hàn lâm khoa học công nghệ Việt Nam (VN) tổ chức, GS Lê Tuấn Hoa, Giám đốc điều hành Viện Nghiên cứu cao cấp về toán - Bộ GD&ĐT, đã đưa ra đánh giá: “So với thế giới, toán học ở VN cái gì cũng yếu chứ không phải chỉ ứng dụng toán. Nhiều người cứ nói ngành toán ở ta kém ứng dụng nhưng thực ra là yếu toàn diện”. Phát biểu của GS Lê Tuấn Hoa khiến nhiều người ngạc nhiên.
Toán Việt Nam đứng ở đâu tùy vào sánh với ai
. Phóng viên:Thưa ông, là người có mặt tại cuộc thảo luận, ông có quan điểm như thế nào về đánh giá của GS Lê Tuấn Hoa?
+ GS-TS Nguyễn Hữu Dư: Lúc nghe xong ý kiến của GS Lê Tuấn Hoa tôi cũng đã định có ý kiến, tuy nhiên tôi nghĩ đó là quan điểm cá nhân của GS Hoa. Hơn nữa, theo tôi GS Hoa chỉ muốn đưa ra một thông điệp để mọi người chú ý. Tôi đọc được ý của anh ấy rằng mọi người đừng có ảo tưởng toán học VN phát triển cao lắm rồi, chứ anh ấy không đánh giá nền toán học VN thấp như vậy đâu. Nếu mà yếu so với các nước Âu-Mỹ thì đương nhiên chúng ta yếu rồi. Nhưng mà chúng ta phải xét chúng ta là một nước Đông Nam Á mà GDP của chúng ta chỉ hơn 100 tỉ đồng thì làm sao mà sánh được với các nước mà GDP hàng ngàn tỉ đồng được.
. Vậy còn cá nhân ông, ông đánh giá như thế nào về toán học VN?
+ Toán học VN hiện nay ở khu vực Đông Nam Á có thể coi là mình phát triển hơn cả so với các nước, kể cả Singapore. Nhưng kể cả hơn Singapore, nói như GS Hoa thì hơn nước này cũng không đáng tự hào vì quốc gia này chỉ có hơn năm triệu người. Tuy nhiên, bên cạnh đó ta cũng có tự hào là thu nhập GDP của Singapore hơn hẳn VN. Sánh với một quốc gia tiên tiến như vậy thì cũng đáng so sánh.
Với Đông Nam Á thì toán học của nước ta đang xếp thứ nhất, còn trong châu Á chúng ta kém bốn nước là Ấn Độ, Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc. Trước kia chúng ta hơn Hàn Quốc rất nhiều nhưng hiện nay Hàn Quốc đang hơn chúng ta cả chất lượng lẫn số lượng. Còn trên tầm thế giới, chúng ta đang nằm ở giai đoạn tiếp cận với trình độ phát triển toán của các nước tiên tiến. So với họ, chúng ta vẫn còn một khoảng cách.
Ứng dụng toán ở ta gặp khó đủ đường
. Vậy còn một đánh giá của GS Hoa nữa đó là so với thế giới, toán học VN cái gì cũng kém, cả lý thuyết, cả ứng dụng thì ông nghĩ sao?
+ Lợi thế của VN về toán học là ngành về tư duy logic, phải rèn luyện tư duy logic và tính hệ thống, sau đó mới là lĩnh vực ứng dụng. Vì vậy, chúng ta phải đi song song giữa phần lý thuyết và phần ứng dụng. Phần lý thuyết chúng ta phát triển tương đối rực rỡ, tất nhiên là rực rỡ theo nghĩa so với các ngành khác ở nước ta thì nó là ngành phát triển nhất, tiếp cận được với thế giới nhất.
Về phần ứng dụng thì còn phải cần nhiều mặt tổng thể để áp dụng toán học vào thì nền kinh tế, khoa học nước nhà cũng phải được tiến lên một bước tương ứng. Nền kinh tế, kỹ thuật, xã hội của nước nhà chưa có những bước tiến đáng kể nên việc áp dụng nó vào còn tương đối khó khăn. Phát triển ứng dụng toán khác với những ứng dụng khác, rất khó để ra được sản phẩm cuối cùng, mà chúng tôi vẫn nói vui là không thể ra ngô ra khoai để mang ra chợ bán như mọi người, mà chỉ là sự hỗ trợ cho quá trình phát triển công nghệ cao và kỹ thuật bậc cao. Đó là một công đoạn để người ta hoàn chỉnh, tối ưu hệ thống.
. Giáo sư có thể đánh giá những thuận lợi và khó khăn mà toán học nước ta đang có?
+ Bây giờ phong trào học toán không rầm rộ như ngày xưa nữa. Nhưng dẫu sao người VN vẫn là người thích toán và tư duy người VN là tư duy hợp với ngành toán. Vì vậy, người VN học toán ra nước ngoài cũng khá thành đạt. Điểm yếu là về diện rộng, sự đánh giá của xã hội đối với toán học chưa đúng. Ví dụ, ở VN bây giờ có quan niệm toán không làm ra sản phẩm, không ra cái gì bán ra thị trường vì vậy phải đẩy toán ra phía bên ngoài. Ngành toán phát triển theo diện rộng bị thu hẹp lại. Với lại, ở các nước, đã là giảng viên đại học thì phải nghiên cứu, còn ở ta giảng viên đại học thì chỉ đi dạy thôi. Vì vậy số lượng người làm toán ở nước ta không thật đông đảo như Hàn Quốc. Ở Hàn Quốc lượng giảng viên đại học chắc là họ không bằng mình nhưng mà phát triển nghiên cứu khoa học của họ rộng lớn hơn ta rất nhiều. Bởi vì giảng viên khoa học của họ đồng nghĩa với nghiên cứu khoa học. Ta thì không bắt buộc.
Phải làm cho toán gần gũi với mọi người
. Mấy năm gần đây ngành toán đã được chú ý hơn, bằng chứng là sự ra đời của viện mà ông đang là giám đốc hay chương trình phát triển toán học. Vậy những nỗ lực đó có tạo ra thành tựu gì cụ thể không, thưa ông?
+ Những điều bạn vừa kể là những giải pháp đột phá có thể giúp ngành toán học VN phát triển và cần được duy trì, nhân rộng hơn. Về thành tựu tôi có thể dẫn chứng là các công bố khoa học của ngành toán. Nếu đem so thời điểm 2005-2010 với 2010-2015 thì các công bố toán ra quốc tế, theo ước lượng của chúng tôi, đã tăng 2,5 đến 2,7 lần. Chưa kể chất lượng công bố quốc tế lại cao hơn.
. Theo ông, để vị thế của toán học được nâng cao hơn ở nước ta thì cần phải làm gì thêm nữa?
+ Điều này đòi hỏi nỗ lực của toàn bộ bộ máy nước nhà và đương nhiên cộng đồng ngành toán cũng phải cố gắng. Cụ thể, cộng đồng ngành toán phải biến đổi chính mình, biến môn toán được dạy trong các trường đại học trở thành hữu hiệu hơn. Phải đổi giáo trình, đổi phương pháp giảng dạy. Toán không bao giờ là môn dễ nhưng phải làm sao để cho mọi người hiểu nó không dễ nhưng gần gũi với mọi người.
. Xin cám ơn ông.
TS TRẦN NAM DŨNG, ĐH Khoa học tự nhiên, ĐH Quốc gia TP.HCM:
Đãi ngộ chưa tốt khiến giới toán học khó đột phá
Là người từng đoạt huy chương bạc Olympic toán quốc tế năm 1982 tại Paris, Pháp rồi công tác trong nước cho đến nay, TS Trần Nam Dũng chia sẻ quan điểm với tư cách người trong cuộc: “Tôi đón nhận thông tin mà GS Lê Tuấn Hoa đưa ra một cách không bất ngờ và thấy hoàn toàn hợp lý. Toán học ở ta từng mảng yếu, lý thuyết cũng yếu và thực hành cũng yếu. Hai mảng đó thông thường lại không liên kết với nhau. Có những nhà làm lý thuyết cứ mải mê làm lý thuyết, còn bên thực hành vẫn chưa giải quyết được những vấn đề lớn của cuộc sống. Theo tôi, nguyên nhân của tình trạng này chủ yếu vẫn liên quan đến vấn đề sử dụng người, người giỏi về nước mà không có môi trường để phát triển thì dần dần họ phải tìm cách rời đi hoặc làm nhưng làm nửa này nửa nọ. Chế độ đãi ngộ như hiện nay họ sống được nhưng cũng vất vả, không tập trung được nhiều cho công tác nghiên cứu”.
Nguồn PLO: http://plo.vn/xa-hoi/giao-duc/co-dung-nganh-toan-o-ta-yeu-toan-dien-706491.html