Có được chấm dứt hợp đồng khi người lao động đang nuôi con nhỏ?
Bà Bùi Thanh Hương (bt.huong@...) làm việc tại 1 Ngân hàng thương mại cổ phần được 3 năm và đang nuôi con nhỏ 4 tháng tuổi. Hiện ngân hàng thực hiện cắt giảm nhân sự và đề nghị thỏa thuận chấm dứt hợp đồng lao động với bà Hương.
Nếu bà Hương chấp thuận nghỉ việc thì được hỗ trợ 3 tháng lương, trong khi hợp đồng lao động (HĐLĐ) của bà còn 1 năm 2 tháng.
Bà Hương hỏi: Nếu 2 bên thỏa thuận chấm dứt HĐLĐ, ngoài việc được hỗ trợ như trên bà có được nhận chế độ nào khác không? Nếu bà không đồng ý, ngân hàng vẫn cho bà nghỉ việc trong thời gian đang nuôi con nhỏ thì bà có thể khởi kiện ở đâu, thủ tục gồm những gì và phải đóng những loại phí nào?
Về vấn đề này, Luật sư Trần Văn Toàn, Văn phòng Luật sư Khánh Hưng - Đoàn Luật sư Hà Nội trả lời như sau:
Theo quy định tại Khoản 3 Điều 39 và Khoản 3 Điều 111 Bộ luật Lao động hiện hành (ban hành năm 1994, sửa đổi bổ sung năm 2002, 2006, 2007) thì người sử dụng lao động không được sa thải hoặc đơn phương chấm dứt HĐLĐ đối với người lao động nữ vì lý do kết hôn, có thai, nghỉ thai sản, nuôi con dưới 12 tháng tuổi, trừ trường hợp doanh nghiệp chấm dứt hoạt động.
Bên cạnh đó, tại khoản 3, Điều 36 của Luật này cũng quy định HĐLĐ được chấm dứt trong trường hợp hai bên thỏa thuận chấm dứt hợp đồng trước thời hạn.
Như vậy pháp luật quy định người sử dụng lao động không được đơn phương chấm dứt HĐLĐ với lao động nữ trong thời gian đang mang thai, nghỉ thai sản, nuôi con nhỏ dưới 12 tháng tuổi, nhưng được chấm dứt hợp đồng nếu hai bên thỏa thuận chấm dứt trước thời hạn.
Đối với trường hợp chấm dứt HĐLĐ trước hạn do hai bên thỏa thuận, phải đảm bảo quyền lợi cho người lao động. Mức bồi thường cụ thể cho thời hạn còn lại của hợp đồng do hai bên thương lượng, thỏa thuận và thống nhất.
Trường hợp bà Bùi Thanh Hương đang làm việc tại 1 Ngân hàng thương mại đến nay được 3 năm. Hiện bà Hương đang nuôi con nhỏ dưới 12 tháng tuổi, theo quy định của pháp luật, ngân hàng không được đơn phương chấm dứt HĐLĐ với bà trong thời gian đó. Nhưng nếu 2 bên thỏa thuận chấm dứt hợp đồng trước thời hạn thì pháp luật công nhận sự thỏa thuận đó. Mức bồi thường cho thời gian còn lại của hợp đồng do hai bên thương lượng, thỏa thuận, thống nhất. Ví dụ: thỏa thuận mức bồi thường 3 tháng lương như ngân hàng đã đề xuất với bà, hoặc thương lượng thỏa thuận mức bồi thường cao hơn như 5 tháng lương, hoặc 7 tháng lương, hoặc bằng tiền lương của toàn bộ thời gian 1 năm 2 tháng còn lại của hợp đồng…
Quá trình làm việc tại Ngân hàng, nếu người sử dụng lao động và bà Hương đã đóng bảo hiểm thất nghiệp từ đủ 12 tháng trở lên trong thời gian 24 tháng trước khi bà chấm dứt HĐLĐ; khi chấm dứt HĐLĐ bà Hương đã đăng ký thất nghiệp với cơ quan lao động; chưa tìm được việc làm sau 15 ngày kể từ ngày đăng ký với cơ quan lao động thì bà được hưởng trợ cấp thất nghiệp.
Trường hợp Ngân hàng và bà Hương không đi đến thỏa thuận chấm dứt HĐLĐ trước thời hạn, thì trong khi bà đang nuôi con nhỏ dưới 12 tháng tuổi phía Ngân hàng không được đơn phương chấm dứt HĐLĐ đối với bà. Nếu Ngân hàng đơn phương chấm dứt HĐLĐ trái pháp luật thì bà có quyền khởi kiện đề nghị Tòa án giải quyết, mà không nhất thiết phải thông qua việc hòa giải tại cơ sở. Theo quy định tại khoản 3 Điều 166 Bộ luật Lao động hiện hành, người lao động được miễn án phí trong các hoạt động tố tụng để giải quyết những vấn đề bồi thường thiệt hại và chấm dứt HĐLĐ trái pháp luật
Hồ sơ khởi kiện gồm: Đơn khởi kiện; Bản sao Giấy CMND hoặc Hộ chiếu; Sổ hộ khẩu (bản sao có chứng thực của UBND cấp xã); HĐLĐ; Quyết định chấm dứt HĐLĐ hoặc thông báo cho nghỉ việc; Các tài liệu, chứng cứ liên quan đến nội dung tranh chấp (nếu có). Nộp hồ sơ khởi kiện tại Tòa án nhân dân cấp huyện nơi Ngân hàng có trụ sở chính.
Luật sư Trần Văn Toàn
VPLS Khánh Hưng – Đoàn Luật sư Hà Nội
* Thông tin chuyên mục có giá trị tham khảo với người đọc, không dùng làm tài liệu trong tố tụng pháp luật.
Tin liên quan:
Trường hợp nghỉ thai sản 6 tháng
Tính thời gian đóng BHXH để hưởng chế độ thai sản
Quy định về hợp đồng lao động và chế độ thai sản
Nghỉ việc có được hưởng chế độ thai sản?
Chế độ bảo hiểm xã hội trong thời gian nghỉ thai sản