Co-founder Kaopiz: Từ những đêm thức trắng đến doanh nghiệp chục triệu đô
Từ 6 kỹ sư tốt nghiệp Bách Khoa lập nghiệp với con số 0 tròn trĩnh, trải qua gần 10 năm không ít thăng trầm, Kaopiz giờ đã phát triển thành doanh nghiệp công nghệ chục triệu đô.
Bước ra khỏi vùng an toàn để khởi nghiệp
Khoảng 10 năm trước, từ con số 0 tròn trĩnh: không mối quan hệ, không khách hàng, không sự trợ giúp, 6 cựu sinh viên Đại học Bách khoa Hà Nội đã cùng nhau thành lập Kaopiz, doanh nghiệp chuyên làm gia công xuất khẩu phần mềm cho thị trường Nhật Bản.
“Trong số 6 co-founder (nhà đồng sáng lập) có 2 người từng là du học sinh Nhật Bản và 4 người có nhiều năm làm việc ở “xứ sở hoa anh đào” nên khá hiểu cơ hội cũng như thách thức của ngành gia công phần mềm cho thị trường Nhật. Bản thân tôi sau khi du học ở Nhật đã về nước “đầu quân” một thời gian cho một tập đoàn lớn về công nghệ rồi học tiếp Thạc sĩ. Những năm 2011 – 2012 có “làn sóng” khá lớn các doanh nghiệp Nhật Bản dịch chuyển về Việt Nam. Thấy cơ hội, dù còn khá trẻ, chưa có quá nhiều kinh nghiệm, nhưng anh em chúng tôi vẫn quyết tâm bước ra khỏi vùng an toàn của mình để thành lập Kaopiz vào năm 2014”, ông Lê Văn Hoàng - CEO Kaopiz kể với VietNamNet.
Tên gọi của công ty được thống nhất đặt theo một số tiêu chí: Liên quan một chút tới Nhật Bản; Độc đáo, chưa xuất hiện ở đâu bao giờ; Dễ phát âm…
“Chữ Kaopiz gồm 2 phần: “Kao” trong tiếng Nhật là khuôn mặt, còn “piz” khi phát âm có tính chất vui tươi. Tên gọi Kaopiz hàm ý muốn xây dựng doanh nghiệp có những khuôn mặt luôn vui vẻ, hạnh phúc”, ông Hoàng vừa cười vừa giải thích.
Ông Hoàng cho biết, trước khi mở công ty, 6 co-founder đã làm việc với nhau trong 1 team (nhóm). Đơn hàng đầu tiên chỉ khoảng 2.000 – 3.000 USD nhưng đã tạo động lực lớn, tạo niềm tin “mình có thể làm được” cho những người trẻ đang ấp ủ nhiều hoài bão lớn.
Bên cạnh thị trường Nhật, team chưa có pháp nhân còn triển khai dự án phát triển phần mềm, ứng dụng về web, mobile, game… cho khách hàng ở một số thị trường khác như Hongkong (Trung Quốc), Canada…
Tuy nhiên, khi chính thức “khai sinh” Kaopiz, các nhà sáng lập xác định rõ thế mạnh lớn nhất của mình là thị trường Nhật, và quyết tâm dồn hết sức lực vào thị trường tiềm năng nhất này.
“Văn phòng đầu tiên của Kaopiz lúc ấy chỉ rộng chừng 10m2, kê vừa đủ ba chiếc bàn cho 6 người ngồi. Có những thời điểm anh em phải thức xuyên đêm gần một tuần liền để kịp hoàn thành tiến độ cho khách hàng”, ông Hoàng chia sẻ về khó khăn ngày đầu thành lập.
Cả 6 nhà sáng lập Kaopiz đều xuất thân từ dân kỹ thuật, hầu như không có kinh nghiệm về quản trị kinh doanh, nên những ngày đầu bước chân vào thương trường phải mất rất nhiều thời gian mày mò học hỏi. Áp lực có thêm khách hàng mới, đơn hàng mới để duy trì và phát triển công ty sớm trĩu nặng trên vai những người “cầm lái” của “con tàu” Kaopiz.
Người Nhật có đặc điểm nếu không gặp trực tiếp đối tác thì khó yên tâm giao việc. Bước đầu xây dựng lòng tin đối với khách hàng Nhật không dễ dàng gì, nhưng khi đã tin tưởng rồi thì sẽ hợp tác rất bền lâu.
Nhận ra điều đó, Chủ tịch Hội đồng quản trị Kaopiz Trịnh Công Huân đưa ra quyết định táo bạo: Chuyển cả gia đình sang Nhật, “cắm chốt xứ người” để “chinh phục” khách hàng.
Mở văn phòng tại “đất nước mặt trời mọc” - bước ngoặt lớn đối với doanh nghiệp khởi nghiệp còn non trẻ - quả thực đã phát huy hiệu quả.
“Quy mô hoạt động gia công xuất khẩu phẩn mềm, dịch vụ phần mềm của chúng tôi phát triển đều hàng năm, lọt vào top những doanh nghiệp phát triển phần mềm ở thị trường Nhật Bản. Tốc độ tăng trưởng kinh doanh thời điểm trước đại dịch Covid-19 đạt 60%/năm, những năm gần đây đạt trung bình 30 – 40%/năm. Năm 2023, Kaopiz vượt mốc trên 200 tỷ đồng doanh thu, 95% đến từ thị trường Nhật Bản”, CEO Kaopiz nêu số liệu làm minh chứng.
Đầu tư R&D để chinh phục khách hàng khó tính
Nhiều năm tham gia “thực chiến”, ông Hoàng nhận định, khách hàng Nhật cực kỳ khó tính, khắt khe. Nhiều khách hàng yêu cầu tiêu chuẩn chất lượng rất cao. Ví dụ, khi sản phẩm đã giao thì không được phép xảy ra dù chỉ là 1 lỗi nhỏ, bởi vì trong những ngành rất đặc thù như y tế, tài chính…, 1 lỗi nhỏ cũng có thể gây thiệt hại rất lớn.
Mặt khác, khách hàng Nhật chỉ sử dụng tiếng Nhật trong quá trình làm việc. Kaopiz phải xây dựng đội ngũ kỹ sư cầu nối ở Nhật (chiếm trên 10% tổng số nhân viên), hàng ngày đảm bảo kết nối thông tin chính xác giữa khách hàng với đội ngũ ở Việt Nam.
Các kỹ sư cầu nối thường khá trẻ. Lúc đầu cũng có khách hàng tỏ thái độ dò xét vì chưa thực sự yên tâm. Nhưng qua một thời gian, thấy các bạn trẻ đề xuất được giải pháp công nghệ có thể tiết kiệm chi phí vận hành, khách hàng dần tin tưởng, mở rộng quy mô dự án giao cho phía Kaopiz hơn gấp 2 – 3 lần so với lúc đầu.
“Anh em Kaopiz làm việc ở Nhật cũng nhiễm nhiều tính cách của người Nhật: Cẩn thận, chính xác, tỉ mỉ, luôn trao đổi kỹ càng trước khi làm việc. Hàng năm, chúng tôi đều có hệ thống đánh giá sự hài lòng của khách hàng, kết quả cho thấy trên 90% hài lòng về dịch vụ Kaopiz cung cấp. Tất nhiên cũng có những khách hàng mình chưa làm thỏa mãn hết mong muốn, nhu cầu của họ được. Những điểm khách hàng chưa hài lòng, chưa thỏa mãn thì chúng tôi cố gắng cải tiến, cải tiến liên tục, để sản phẩm, dịch vụ của mình ngày càng tốt hơn, hoàn thiện hơn”, ông Hoàng tiếp mạch chuyện.
Tới nay, Kaopiz đã hoàn thành trên 500 dự án cho khoảng 140 khách hàng Nhật Bản, hoạt động trong những lĩnh vực chính gồm giáo dục, bán lẻ, xây dựng…, và mới đây nhất là AI.
“Gần đây, 1 khách hàng Nhật Bản có dự án về số hóa các tài liệu (hóa đơn, chứng từ…). Thật ra, “bài toán” số hóa tài liệu một số bên đã làm rồi nhưng chi phí giải pháp rất lớn và không phù hợp. Khách hàng Nhật tin tưởng đề xuất Kaopiz cùng nhau nghiên cứu giải pháp. Sau 3 tháng, kỹ sư Kaopiz đưa ra được giải pháp ứng dụng AI tối ưu nhất, giải quyết được đúng “bài toán” của khách hàng với chi phí hợp lý. Với dự án AI này, Kaopiz đã khẳng định hàm lượng “chất xám” rất lớn, được giữ bản quyền về sở hữu trí tuệ. Chúng tôi cảm thấy rất tự hào khi mình có khả năng làm được nhiều thứ mới, có tính chất đột phá”, ông Hoàng hào hứng kể về một trong những khách hàng thú vị nhất, dự án tâm đắc nhất.
CEO Lê Văn Hoàng xác định, R&D là điểm mấu chốt đối với sự phát triển của Kaopiz. Đội ngũ R&D mạnh có thể tạo ra những điểm khác biệt, tạo lợi thế cạnh tranh lớn trong bối cảnh cạnh tranh thị trường trong nước và quốc tế ngày càng khốc liệt.
Kaopiz Solutions hiện có hơn 20 nhân sự R&D, chủ yếu làm về AI, kể cả mảng rất “hot” như Generative AI (trí tuệ nhân tạo tạo sinh). Đội ngũ này sẽ nghiên cứu làm chủ công nghệ, một mặt chủ động đề xuất khách hàng các phương án mới nhằm tạo giá trị kinh doanh cao, mặt khác hướng tới mục tiêu tạo ra được sản phẩm “Make by Kaopiz”.
Hàng năm, doanh nghiệp này trích ít nhất khoảng 10 – 15% lợi nhuận cho phần R&D (chưa kể các dự án đặc biệt được phê duyệt riêng theo từng đầu mục).
“Chúng tôi luôn cố gắng tạo môi trường cho các bạn trẻ thoải mái đề xuất và thực hiện những ý tưởng mới. Chúng tôi chấp nhận 90% ý tưởng mới chưa thể thành công ngay được, nhưng cũng sẽ cho mình rất nhiều kinh nghiệm. Đấy là quan điểm xuyên suốt của các cấp lãnh đạo Kaopiz”, ông Hoàng kể tiếp.
Làm chủ công nghệ, mở rộng thị trường quốc tế
Nhìn lại hành trình đã qua, CEO Lê Văn Hoàng thẳng thắn cho biết, bên cạnh những kết quả đạt được thì cũng có cả những dự án về đích chưa mong muốn.
“Nhiều bài học đã phải trả bằng kha khá tiền, thậm chí lên tới tiền tỷ. Tuy nhiên, đổi lại là kinh nghiệm, kiến thức và cách tư duy khi làm việc với khách hàng. Từ những dự án thất bại, tất nhiên không phải quá nhiều, anh em Kaopiz trưởng thành hơn, có thể làm tốt hơn trong các dự án khác”, ông Hoàng tâm sự.
Hành trình khởi nghiệp không tránh khỏi những lúc thăng trầm, đôi lúc cảm giác hơi chùng xuống, nhưng chưa bao giờ CEO Kaopiz cảm thấy “không muốn đi nữa”.
Trong tâm trí của vị CEO thế hệ 8x, sự phát triển của Kaopiz bây giờ không phải đơn thuần câu chuyện của 6 co-founder ban đầu mà là của cả tập thể 500 anh em với nhiều mục tiêu xa hơn cần phải hướng đến.
Lãnh đạo Kaopiz mong muốn trong khoảng 5 năm tới, quy mô công ty sẽ đạt mốc khoảng 3.000 nhân viên; mảng phát triển sản phẩm “Make by Kaopiz” sẽ có doanh thu ngang bằng với dịch vụ gia công xuất khẩu phần mềm. Doanh thu năm 2030 có thể đạt 100 triệu USD.
Hiện tại, đội ngũ Kaopiz đang cố gắng mở rộng các thị trường ngoài Nhật Bản, trước hết hướng tới khu vực châu Á – Thái Bình Dương với những "điểm đến" cụ thể như: Singapore, Úc, Thái Lan, Hàn Quốc…
“Chúng tôi luôn hướng tới những cấp độ cao hơn trên chuỗi giá trị gia công xuất khẩu phần mềm, không chỉ làm coding mà có thể làm tư vấn, thiết kế cho khách hàng, và hơn thế nữa là có thể R&D ra nhiều sản phẩm, dịch vụ “Make in Vietnam” cho người dùng trên thế giới sử dụng. Không chỉ lo câu chuyện “cơm áo gạo tiền” cho riêng mình, khát khao rất lớn của đội ngũ sáng lập cũng như các anh em Kaopiz là khẳng định trí tuệ Việt, chung tay đưa Việt Nam lên bản đồ công nghệ thế giới”, CEO Lê Văn Hoàng nhấn mạnh.
Hành trình phía trước hướng ra thị trường quốc tế còn không ít khó khăn. Chẳng hạn, sự bất ổn chính trị thế giới ảnh hưởng tới khách hàng ngoại; Tỷ giá đồng Yên giảm rất mạnh; Mỗi thị trường nước ngoài lại có những đặc thù riêng cần phải thích ứng…
Tuy nhiên, CEO thế hệ 8x vẫn tự tin bước tiếp với tâm niệm: “Những ngày đầu tay trắng mình vẫn có thể gây dựng được công ty, bây giờ chẳng có lý do gì mà mình không mạnh dạn chinh phục những mục tiêu mới lớn hơn. Kaopiz sẽ không ngừng đổi mới để bắt nhịp với xu thế phát triển của thế giới”.
“Ngay từ ngày đầu thành lập, bên cạnh những mục tiêu ngắn hạn như mở rộng đội ngũ, có thêm đơn hàng lớn để gia tăng doanh thu…, chúng tôi đã hướng tới mục tiêu dài hạn là trở thành công ty công nghệ hàng đầu Việt Nam, tạo ra được sản phẩm/dịch vụ công nghệ cao, khẳng định trí tuệ, năng lực của người Việt trên thế giới. Đến giờ, Kaopiz vẫn đi theo con đường, tầm nhìn đã định từ những ngày đầu.
Hiện tại, Kaopiz Holdings đã trở thành 1 hệ sinh thái gồm nhiều công ty con như: Kaopiz Software chuyên làm mảng dịch vụ phần mềm; Kaopiz Solutions chuyên làm về giải pháp; và một số công ty làm về dịch vụ, sản phẩm khác như Kaopiz Inc, Codestar và Kgo”, CEO Kaopiz Lê Văn Hoàng cho biết.