Cô gái 19 tuổi mở lớp 'bình dân học nhạc', dạy học miễn phí
Tiếng đàn bầu trầm ấm, tiếng sáo trúc ngân vang hay tiếng đàn nhị trong trẻo cất lên giữa cuộc sống nhộn nhịp hàng ngày là những gì mà Lê Hà Thu (19 tuổi, Hà Nội) muốn truyền tải đến tất cả những người yêu thích nhạc cụ dân tộc.
Từ nhỏ, Lê Hà Thu đã mang trong mình tình yêu cháy bỏng với những nhạc cụ truyền thống như: đàn bầu, đàn nhị, sáo trúc… Sau khi là học sinh của Trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam, cô gái đã quyết định thành lập CLB “Cầm Ca” để thỏa mãn niềm đam mê nhạc cụ của mình.
Tính đến nay, Câu lạc bộ (CLB) “Cầm Ca” do Hà Thu trực tiếp phụ trách cùng 60 thành viên đã bước sang năm thứ 3 và ngày càng lớn mạnh. Đây không chỉ là điểm đến thú vị đối với các bạn học sinh, sinh viên mà còn có cả những cô bác trung niên tìm đến để được nghe và học nhạc miễn phí.
Lớp học “xóa mù” nhạc
“Bình dân học nhạc” là một dự án lớn được Hà Thu lập nên nhằm truyền tải những kiến thức cơ bản về âm nhạc như nốt nhạc, nhạc lý hay đơn thuần là việc làm quen với các nhạc cụ dân tộc. Lớp học được các bạn trẻ thuộc CLB “Cầm Ca” trực tiếp “cầm tay chỉ việc” giúp các học viên tiếp thu dễ dàng và nhanh hơn.
Hà Thu chia sẻ: “Ban đầu, em rất muốn mang tiếng đàn bầu của mình đến gần hơn với mọi người, nhưng tiếc là chưa được đón nhận. Chính vì vậy, em đã lên ý tưởng thành lập ra CLB “Cầm Ca” và mở lớp “Bình dân học nhạc” với mong muốn phổ cập kiến thức về nhạc cụ dân tộc đến gần hơn với mọi lứa tuổi”.
Nếu như thời chiến, lớp “Bình dân học vụ” được mở ra nhằm xóa mù chữ tạm thời thì đến thời bình, lớp “Bình dân học nhạc” được thành lập để “xóa mù âm nhạc” miễn phí. Đến thời điểm hiện tại, sau 6 khóa học “Bình dân học nhạc” đã có hơn 400 học viên “tốt nghiệp”.
Nói về những khó khăn khi mới thành lập lớp học, Hà Thu cho biết bản thân cũng có những nỗi lo về số lượng học viên hay sự “quá tải” của âm thanh có thể sẽ là cản trở lớn trong quá trình thực hiện dự án.
Đối với một cô gái đang là học sinh cấp 3, việc vừa học vừa quản lý một tập thể đông người cũng không hề đơn giản. Tuy nhiên, chính niềm đam mê sâu sắc với âm nhạc xưa đã trở thành động lực lớn lao giúp cô gái trẻ thực hiện được nguyện vọng của mình.
“Ngày đó em và các bạn chỉ muốn làm mới cách nhìn nhận của mọi người với nhạc cụ dân tộc để họ thấy thú vị và tham gia học nhạc nhiều hơn. Đến giờ, em rất vui vì mình đã vượt qua được khó khăn và xây dựng một thương hiệu riêng cho bản thân, đặc biệt là “Cầm Ca” đang ngày càng được đón nhận” - “giảng viên” lớp “Bình dân học nhạc” bày tỏ.
Nhằm trau dồi thêm những kiến thức mới và sâu hơn về nhạc cụ dân tộc, Hà Thu cùng nhóm bạn trẻ hoạt động trong CLB “Cầm Ca” luôn học hỏi không ngừng từ những giảng viên kỳ cựu trong lĩnh vực âm nhạc. Niềm say mê với cây đàn, sáo trúc cùng sự nhiệt huyết của tuổi trẻ đã mang đến “làn gió mới” cho những loại nhạc cụ dường như bị lãng quên, mai một trong đời sống thường nhật.
Sự kết hợp mới mẻ và thu hút
Nhắc đến đàn bầu, đàn nguyệt hay sáo trúc, ai cũng nghĩ rằng những thanh âm được tạo ra chỉ hợp với khung cảnh xưa cũ, đồng quê. Thế nhưng dưới khả năng sáng tạo và bàn tay thoăn thoắt của cô gái trẻ, nhạc cụ dân tộc lại “cháy” và sôi động hơn bao giờ hết.
“Mình muốn kết hợp chúng để khẳng định rằng, nhạc cụ dân tộc không hề nhàm chán mà thậm chí còn ‘bùng cháy’ hơn cả nhạc cụ hiện đại. Nhạc cụ dân tộc hoàn toàn có thể sử dụng để sáng tạo nhạc trẻ hiện nay” - Hà Thu khẳng định.
Cô gái trẻ đã có những cách làm mới, thú vị hơn những bản nhạc sẵn có để rồi rất nhiều người, đặc biệt là người trẻ có cách nhìn nhận tốt hơn về nhạc cụ dân tộc. Hà Thu cho rằng “nhạc cụ dân tộc chưa bao giờ là lỗi thời, chỉ là chúng ta chưa có cái nhìn đúng về nó.”
Mỗi nhạc cụ dân tộc đều mang trong mình những âm thanh và nét đặc sắc riêng biệt. Nếu như tiếng đàn bầu, đàn nguyệt êm ả như tiếng mẹ ru thì sáo trúc lại tạo ra những nốt nhạc cao vút.
Trong suốt 3 năm hoạt động, Hà Thu và CLB “Cầm Ca” đã sản xuất hàng trăm bản hòa tấu kết hợp giữa truyền thống và hiện đại, giữa nhạc cụ dân tộc và phương Tây. Nhiều bài hát thuộc thể loại nhạc trẻ như: “Quá lâu”, “Có không giữ mất đừng tìm”... đều được làm mới bằng thanh âm của đàn bầu, sáo trúc.
Đặc biệt, màn kết hợp nhạc cụ dân tộc và beatbox “trống cơm” đã tạo nên một “làn sóng mới” khi nhận được nhiều lượt like và lời khen ngợi từ cộng đồng mạng. Bên cạnh đó, cô gái gen Z cũng làm mới những bản nhạc xưa như “Bèo dạt mây trôi”, “Lới lơ” kết hợp giữa nhạc cụ truyền thống với guitar, piano khiến người nghe vô cùng thích thú.
Thời gian tới, để truyền tình yêu nhạc cụ dân tộc đến gần hơn với các bạn trẻ, Hà Thu cho biết, mình và các thành viên trong CLB sẽ tiếp tục mở những khóa học và trau dồi thêm các kỹ năng về dụng cụ truyền thống đến các bạn trẻ. Từ đó, góp phần vào việc gìn giữ, bảo tồn và phát huy những giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc.