Cô gái 29 tuổi bị liệt nửa người do chảy máu não: Bác sĩ chỉ ra ba nguyên nhân gây đột quỵ ở người trẻ
Đột quỵ ở người trẻ đang có xu hướng gia tăng do nhịp sống sinh hoạt cũng như những biến đổi về mặt bệnh lý. Trường hợp cô gái 29 tuổi ở Thanh Hóa bị liệt nửa người do đột quỵ đã một lần nữa minh chứng cho mức độ trẻ hóa của căn bệnh này.
Trung tâm Đột quỵ não, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 vừa cấp cứu nữ bệnh nhân N.T.D., 29 tuổi ở Thọ Xuân, Thanh Hóa bị đột quỵ.
Nội dung:
1. Cô gái trẻ bị liệt nửa người do đột quỵ não
2. Tỷ lệ đột quỵ ở người trẻ tăng hơn 44%
3. Ba nhóm nguyên nhân gây đột quỵ ở người trẻ
1. Cô gái trẻ bị liệt nửa người do đột quỵ não
Bệnh nhân được chuyển lên trong tình trạng liệt hoàn toàn nửa người bên phải, ý thức chậm. Các bác sĩ đã nhanh chóng cho chụp phim cắt lớp vi tính não và mạch não, kết quả cho thấy: Chảy máu não vùng thái dương, tràn máu vào trong não thất.
Một điều đáng ngạc nhiên là trước đó bệnh nhân hoàn toàn khỏe mạnh và không có tiền sử mắc bệnh lý tăng huyết áp và rối loạn chức năng đông máu. Tuy nhiên, dựa vào hình thái và kết quả phim chụp, bác sĩ đã xác định bệnh nhân này bị dị dạng thông động tĩnh mạch não, là nguyên nhân gây vỡ mạch máu não, dẫn tới đột quỵ, hôn mê sâu.
Sau khi được cấp cứu và chụp phim cắt lớp, sau 15 ngày bệnh nhân đã tỉnh táo, tự đi lại được và đang thực hiện các bài tập phục hồi chức năng.
2. Tỷ lệ đột quỵ ở người trẻ tăng hơn 44%
Theo Bác sĩ Phạm Văn Cường, Trung tâm Đột quỵ não cho biết, những năm gần đây, tỉ lệ người trẻ bị đột quỵ não ngày càng nhiều. Tăng hơn 44% trong 10 năm gần đây và 15% bệnh nhân đột quỵ mỗi năm có độ tuổi dao động từ 18-50.
Đặc biệt con số này cao hơn ở Việt Nam, tỉ lệ đột quỵ ở người trẻ chiếm khoảng 2% mỗi năm, trong đó nam giới cao gấp 4 lần nữ. Có những trường hợp nhập viện điều trị đột quỵ khi mới 12 tuổi (trường hợp tại bệnh viện 108).
Bác sĩ Phạm Văn Cường - người có kinh nghiệm và chuyên môn trong đột quỵ não cho biết, ngoài những lý do trong ăn uống, sinh hoạt mà nhiều tài liệu phân tích thì hiện nay, có 3 nhóm nguyên nhân chính gây ra tình trạng đột quỵ ở người trẻ.
3. Ba nhóm nguyên nhân gây đột quỵ ở người trẻ
- Thứ nhất: Do bệnh lý dị dạng mạch máu não. Đây là nguyên nhân hàng đầu gây ra đột quỵ ở người trẻ. Dị dạng mạch máu não có thể được phát triển trong quá trình thăm khám định kỳ.
Sự phát triển bất thường của mạch máu não có thể gây nên những túi phình – với thành mạch máu mỏng, là nguyên nhân có thể gây xuất huyết não. Hoặc mạch máu có thể bị bóc tách gây hẹp, tắc mạch – nhồi máu não.
Mặc dù hiện nay chưa có biện pháp hiệu quả để phòng tránh căn bệnh dị dạng mạch máu não, tuy nhiên việc đi khám và chụp cắt lớp vi tính tương phản mạch máu não hoặc chụp cộng hưởng từ mạch máu não có thể phát hiện và giúp bạn ý thức được việc giữ gìn sức khỏe.
- Nguyên nhân thứ 2 do tăng huyết áp và bệnh lý đái tháo đường: Nguyên nhân này chiếm đến hơn 30% tỷ lệ đột quỵ ở người trẻ. Hiện nay bệnh tiểu đường cũng đang có dấu hiệu trẻ hóa, chủ yếu do lối sống và thói quen ăn uống kém lành mạnh.
Ngoài ra thì ăn uống kém lành mạnh, lối sống không khoa học còn là nguyên nhân của nhiều bệnh lý nguy hiểm khác nhau. Tìm hiểu thêm TẠI ĐÂY!
Thống kê tại khu vực Đông Nam Á, tỉ lệ bệnh nhân đột quỵ nhồi máu não trẻ tuổi có đái tháo đường lên tới 54,8%. Tại Việt Nam, đang có sự gia tăng nhanh bệnh tiểu đường ở người trẻ, thậm chí trẻ em 9 -13 tuổi đã mắc bệnh.
- Nhóm nguyên nhân thứ 3 đã có nhiều tài liệu và báo cáo khoa học đề cập tới, đó là lối sống không lành mạnh trong việc ăn uống như lạm dụng rượu bia, hút thuốc, lười vận động.
Một thống kê cũng cho thấy, 50% bệnh nhân đột quỵ trẻ tuổi có tiền sử hút thuốc lá. Một nghiên cứu mới đây cũng có sự tương quan giữa số lượng hút thuốc mỗi ngày và nguy cơ đột quỵ não.
Đột quỵ là căn bệnh nguy hiểm, không chỉ riêng đối với nhóm người cao tuổi hoặc có bệnh lý nền. Ngay cả những người trẻ tuổi (dù trước đó rất khỏe mạnh) cũng có nguy cơ bị đột quỵ não.
Bác sĩ Cường cũng cho biết, nhiều người trẻ hiện nay chủ quan cho rằng bệnh chỉ gặp ở người cao tuổi, cho nên bỏ qua việc thăm khám sớm. Cho đến khi gặp các hiện tượng như méo miệng, khó nói, liệt tay chân, đau đầu dữ dội mới nhập viện thì lúc này việc điều trị sẽ có phần khó khăn hơn.
>> Những nhóm người nào có nguy cơ đột quỵ cao? Làm cách nào để nhận biết?
Từ trường hợp cô gái bị đột quỵ não tại Thanh Hóa, Bác sĩ Cường khuyến cáo, đột quỵ không chừa một ai, với người trẻ cần thiết lập thói quen sinh hoạt lành mạnh như: Tích cực vận động thể dục thể thao, xây dựng lối sống lành mạnh trong ăn uống, hạn chế thuốc lá rượu bia...
Đặc biệt, với những bệnh nhân đột quỵ chảy máu não trẻ tuổi, nếu không có tiền sử bệnh lý tăng huyết áp, rối loạn đông chảy máu cần được chụp mạch não để tìm nguyên nhân, tránh bỏ sót bệnh. Nếu có tiền sử bị dị dạng mạch máu, cần đi thăm khám thường xuyên cũng như cẩn trọng trong sinh hoạt cũng như hoạt động mạnh.
Đột quỵ im lặng nguy hiểm như thế nào? Cần làm gì khi phát hiện bị bệnh?