Cô gái bị thủng dạ dày khi uống cà phê buổi sáng, sự thật đằng sau gây chú ý
Bác sĩ cho rằng, đây là thói quen vào buổi sáng mà nhiều người dễ mắc phải.
Buổi sáng luôn được xem là thời điểm vàng để khởi đầu một ngày mới tràn đầy năng lượng. Tuy nhiên, nhiều người lại lựa chọn bỏ bữa sáng và thay vào đó là một ly cà phê. Đây là thói quen tưởng chừng giúp tỉnh táo nhưng thực tế lại có thể dẫn đến hậu quả nghiêm trọng cho sức khỏe, đặc biệt là dạ dày.

Nhiều người thường bỏ qua bữa ăn và chọn uống cà phê nhưng đây là thói quen không tốt cho sức khỏe. (Ảnh minh họa)
Theo trang Ettoday, một nhân viên truyền thông 24 tuổi đã phải nhập viện cấp cứu vì thủng dạ dày. Điều đáng nói là nguyên nhân bắt nguồn từ thói quen quen thuộc mỗi buổi sáng là uống một ly latte khi bụng còn rỗng.
Với lịch trình công việc dày đặc, cô gái này thường xuyên bỏ bữa sáng và dùng cà phê sữa để “đánh thức” cơ thể, tin rằng loại cà phê này dịu nhẹ hơn cà phê đen.
Tuy nhiên, sau một thời gian dài chịu đựng các triệu chứng như đau bụng, buồn nôn, đầy hơi và chán ăn, cô phải vào viện trong tình trạng kiệt sức, và được chẩn đoán viêm loét dẫn đến thủng dạ dày.
Trên một chương trình, bác sĩ trực tiếp điều trị cho cô gái đến từ Đài Loan (Trung Quốc) cho biết uống cà phê lúc bụng đói, đặc biệt vào buổi sáng là hành vi cực kỳ nguy hiểm.
Caffeine trong cà phê kích thích dạ dày tiết acid, trong khi không có thức ăn để trung hòa lượng acid này. Kết quả là lớp niêm mạc dạ dày bị ăn mòn từng ngày, gây viêm loét và có thể dẫn đến thủng.
Thêm vào đó, latte dù chứa sữa cũng không hề “lành” như nhiều người tưởng. Khi bụng rỗng, protein trong sữa khó tiêu hóa, dễ lên men gây rối loạn tiêu hóa.

Caffeine trong cà phê kích thích dạ dày tiết acid, trong khi không có thức ăn để trung hòa lượng acid này. Kết quả là lớp niêm mạc dạ dày bị ăn mòn từng ngày, gây viêm loét và có thể dẫn đến thủng. (Ảnh The Guardian)
Không chỉ ảnh hưởng đến hệ tiêu hóa, uống cà phê khi đói còn gây ra loạt tác hại khác cho sức khỏe:
Gây lo âu và bồn chồn: Caffeine làm tăng hoạt động của hệ thần kinh trung ương. Khi không có thức ăn “đệm lót”, cơ thể dễ rơi vào trạng thái hưng phấn quá mức, gây bồn chồn, khó tập trung và cảm giác hồi hộp khó chịu.
Làm trầm trọng các bệnh tiêu hóa sẵn có: Người bị hội chứng ruột kích thích (IBS) hoặc bệnh viêm ruột (IBD) có thể thấy triệu chứng nặng hơn khi dùng cà phê lúc bụng rỗng do nhu động ruột bị kích thích quá mức.
Cản trở hấp thụ dinh dưỡng: Tannin trong cà phê làm giảm khả năng hấp thụ sắt và canxi. Đây là hai khoáng chất thiết yếu cho cơ thể, đặc biệt nếu uống thường xuyên khi chưa ăn sáng.
Tăng phản ứng căng thẳng: Caffeine kích thích tuyến thượng thận tiết ra cortisol là hormone gây stress. Uống cà phê vào buổi sáng mà chưa ăn gì có thể khiến cơ thể phản ứng quá mức, làm rối loạn cảm xúc và hệ miễn dịch.
Gây biến động đường huyết: Dùng cà phê khi đói dễ làm đường huyết tăng đột ngột rồi hạ thấp nhanh, khiến cơ thể mệt mỏi, cáu gắt, thèm đường và thèm cà phê hơn. Một vòng luẩn quẩn dễ dẫn đến kháng insulin và tiểu đường type 2.
Tăng nguy cơ mất nước: Cà phê là chất lợi tiểu, thúc đẩy bài tiết nước tiểu. Khi chưa ăn sáng, khả năng bù nước giảm, dễ gây mất nước, chóng mặt và đau đầu.
Vì vậy, để bảo vệ sức khỏe, đặc biệt là dạ dày, các chuyên gia y tế khuyến cáo mọi người nên ăn sáng trước khi uống cà phê, bất kể là cà phê đen hay cà phê sữa.
Một bữa sáng đầy đủ chất dinh dưỡng không chỉ giúp khởi động nhẹ nhàng hệ tiêu hóa mà còn đóng vai trò như “lá chắn” bảo vệ cơ thể trước tác động của caffeine. Buổi sáng nên là thời điểm để tái tạo năng lượng, chứ không phải để cơ thể đối mặt với những tổn thương âm thầm chỉ vì một thói quen sai lầm.