Cô gái có khả năng siêu nhận diện
Đến khi trưởng thành, Yenny Seo mới biết cô nằm trong nhóm 1% những người sở hữu khả năng nhận diện khuôn mặt siêu phàm trên thế giới.
Từ khi còn nhỏ, Yenny Seo thường làm mẹ bất ngờ bằng cách nhận ra những vị khách lạ mặt đang mua sắm trong cửa hàng là người từng đi ngang qua hai mẹ con vài tuần trước.
Tương tự, lúc xem phim, cô sẽ chỉ ra những diễn viên quần chúng từng xuất hiện thoáng qua ở các bộ phim khác, theo The Guardian.
Yenny (hiện 29 tuổi) cho biết mẹ cô chưa bao giờ nghĩ khả năng nhận dạng của con gái là “điều gì đó đặc biệt”. Bà chỉ đơn giản cho rằng mình có một đứa con tinh ý.
Yenny cũng không biết rằng khả năng của cô là hiếm thấy. Cô nghĩ mọi người đều chơi trò chơi “bí mật” giống mình: phát hiện một gương mặt lạ trên đường và lục lại trí nhớ xem từng gặp họ ở đâu.
“Trò chơi nhỏ này luôn khiến tôi rất vui, đặc biệt khi còn nhỏ. Tôi nhớ rằng mình rất thích ngắm nhìn những khuôn mặt khác nhau”, cô nói.
Siêu trực giác
Đến khi lớn lên và bắt đầu sử dụng mạng xã hội, Yenny mới tự ý thức về khả năng của mình.
“Chẳng hạn, khi mới nhập học, hay lần đầu gặp gỡ mọi người thông qua các buổi tụ tập, tôi sẽ nhớ lại xem mình từng nhìn thấy họ ở tấm ảnh nào trên mạng rồi. Trong đầu, tôi đã kịp nhận ra họ là anh chị em hay người yêu của ai”, cô kể.
“Tuy nhiên, tôi cũng ý thức được rằng đối phương sẽ rất kinh hãi nếu tôi kể cho họ nghe về khả năng này. Bởi vậy, tôi giữ bí mật và chỉ chào hỏi xã giao thông thường”, Yenny nói thêm.
Một lần, hồi còn là nhân viên bán thời gian tại một cửa hàng thời trang, Yenny có lý do để thể hiện khả năng đặc biệt của mình.
Cô và các đồng nghiệp được xem một đoạn CCTV về một đối tượng thường xuyên ăn cắp vặt tại cửa hàng. Mặc dù chất lượng đoạn video không rõ nét, Yenny vẫn có thể nhận ra kẻ ăn trộm ở lần xuất hiện tiếp theo và lập tức báo cho nhân viên an ninh.
“Nhưng tôi vẫn không nghĩ khả năng của mình có gì đặc biệt, bởi tôi nhiều lần làm vậy rồi”, cô chia sẻ.
Trước những năm 2000, giới khoa học chưa chú ý đến việc liệu con người có khả năng nhận dạng khuôn mặt giống nhau hay không.
“Tôi nghĩ những người thiên về trực giác tin rằng cách họ nhìn nhận thế giới cũng tương tự những người khác. Và ngay cả các nhà khoa học cũng có suy nghĩ này”, tiến sĩ David White, hiện là điều tra viên chính tại Phòng thí nghiệm Nghiên cứu Khuôn mặt tại Đại học New South Wales (UNSW), cho biết.
Ông White lần đầu quan tâm đến lĩnh vực này khi đang nghiên cứu tình trạng bệnh hiếm gặp có tên prosopagnosia. Căn bệnh xuất hiện ở người bị chấn thương não bộ và khiến họ không thể nhận diện khuôn mặt của ai khác, kể cả người thân. Tuy nhiên, họ vẫn có thể nhận ra các vật thể khác.
“Đây là bằng chứng cho thấy não bộ con người được tổ chức để thực hiện các nhiệm vụ khác nhau, tương tự những ứng dụng trên điện thoại thông minh”, ông nói.
Khả năng vượt trội
Cùng với các nhà nghiên cứu khác, tiến sĩ White bắt đầu nghiên cứu những người không bị tổn thương não và phát hiện rằng có “sự khác nhau lớn” trong khả năng nhận dạng khuôn mặt của mỗi người.
Kết quả nghiên cứu cho thấy chỉ 1-2% dân số là “những người có khả năng nhận diện siêu phàm”. Họ có thể ghi nhớ những gương mặt không quen biết, ngay cả khi chỉ nhìn thoáng qua.
Hiện nguyên nhân dẫn đến khả năng này chưa được làm rõ bởi đây là lĩnh vực hoàn toàn mới. Thế giới mới chỉ có khoảng 20 công trình nghiên cứu về nó. Tuy nhiên, một số nhà khoa học nghĩ rằng gen di truyền đóng vai trò quyết định nào đó.
Năm 2017, tiến sĩ White và các đồng nghiệp tại UNSW thiết kế một công cụ sàng lọc trực tuyến công khai để tìm kiếm những người có khả năng đặc biệt này trên toàn cầu. Yenny, khi ấy khoảng 25 tuổi, đạt điểm cao đến mức tiến sĩ White đã mời cô đến Sydney (Australia) để kiểm tra thêm.
Tính đến nay, hơn 100.000 người đã được kiểm tra, nhưng Yenny vẫn đứng trong top 50 người đạt điểm cao nhất.
Suốt thập kỷ qua, các cơ quan an ninh và thực thi pháp luật trên khắp thế giới bắt đầu tuyển dụng những người có khả năng vượt trội như Yenny.
Cảnh sát ở London (Anh) có hẳn một đội đặc biệt chuyên kiểm tra camera an ninh tại các hiện trường vụ án. Vài năm trước, cảnh sát Queensland (Australia) bắt đầu xác định những người có khả năng siêu nhận diện trong hàng ngũ của họ.
Một lượng lớn các công ty an ninh tư nhân chuyên cung cấp dịch vụ của những người có khả năng nhận dạng siêu phàm cũng xuất hiện.
Về phần mình, Yenny không quan tâm đến việc bắt giữ tội phạm như hồi còn làm nhân viên part-time. Hiện cô hạnh phúc với công việc kỹ thuật viên tại phòng thí nghiệm giải phẫu.
Cô vẫn thích quan sát các khuôn mặt xung quanh. Thậm chí, việc mọi người phải đeo khẩu trang trong đại dịch khiến trò chơi nhận diện thuở nhỏ của cô trở nên thử thách và hấp dẫn hơn.
Yenny vẫn nhận ra đúng người ở hầu hết trường hợp, khiến cô “thêm tự tin vào khả năng của mình”.
“Nó khiến tôi nhận ra rằng mình không hề điên rồ hay đáng sợ. Chỉ là bộ não của tôi hoạt động theo cách đó thôi”, cô nói.
Nguồn Znews: https://zingnews.vn/co-gai-co-kha-nang-sieu-nhan-dien-post1290370.html