Cô gái độc thân tự thiết kế căn hộ với 50 trang PowerPoint
Kim Thoa lên ý tưởng và theo dõi thi công căn hộ với hơn 50 trang PowerPoint. Cô gái cũng tự lát sàn gỗ và thiết kế nội thất để phù hợp với nhu cầu sử dụng.
Tôi mua nhà trong thời gian chớp nhoáng, song lại dành thời gian khá dài để thiết kế và hoàn thiện căn hộ. Đối với tôi, ngôi nhà là "một chiếc tổ" được làm đầy mỗi ngày bằng sự chăm chút của mình.
Đã sinh sống tại đây gần 2 năm, tôi vẫn cảm thấy mới mẻ mỗi khi bước chân vào nhà. Nhiều chi tiết còn chưa hoàn hảo, nhưng trong mắt tôi, chúng đều đẹp vì có mồ hôi, công sức của mình.
Vay gia đình, ngân hàng để mua căn hộ đầu tiên
Căn hộ của tôi rộng 68 m2, nằm ở TP Dĩ An (tỉnh Bình Dương), cách TP Thủ Đức không quá xa. Nơi này gần đường Phạm Văn Đồng, tuyến đường nối vào TP.HCM, vì vậy việc di chuyển vào nội thành khá thuận tiện.
Do vị trí xa đô thị lớn, căn hộ có giá "mềm" hơn đáng kể so với các căn cùng diện tích. Trước khi chính thức mua nhà, tôi chỉ có khoảng một tháng để quyết định và chuẩn bị tiền.
Tôi độc thân, lại mới đi làm vài năm nên chưa có đủ tài chính để trả thẳng tổng chi phí. Do đó, tôi và em trai góp vốn cùng mua. Khi đó, giá căn hộ khoảng 1,7 tỷ đồng. Chúng tôi gom góp tiền tiết kiệm của hai đứa, vay thêm bố mẹ, bạn bè mới được 600 triệu đồng. Số tiền 1,1 tỷ đồng còn lại, hai chị em cùng vay ngân hàng.
Thiết kế nhà bằng PowerPoint
Tôi làm trong ngành quảng cáo, thường xuyên trình bày ý tưởng và kế hoạch bằng PowerPoint. Khi làm nhà, tôi cũng coi đây là một dự án cá nhân, vì vậy sử dụng luôn phần mềm trình chiếu này để ghi lại những gì mình mong muốn. Cách này giúp tôi dễ theo dõi ý tưởng, đồng thời tiện làm việc với các bên cung cấp vật liệu, đồ nội thất.
Bản kế hoạch dài 50 trang PowerPoint được chia làm 3 phần, bao gồm ý tưởng chủ đạo, kế hoạch thực hiện và chi phí.
Không có chuyên môn về kiến trúc, nội thất, tôi không biết phương án mình chọn có phù hợp với thực tế không. Trong suốt một năm, tôi mất thời gian chỉnh sửa khá nhiều lần mới cho ra được bản hoàn thiện cuối cùng.
Việc tự thiết kế nhà đối với một kẻ nghiệp dư quả thực rất vất vả. Nhưng bên cạnh đó, quá trình này cũng đem đến cho tôi nhiều kỷ niệm và niềm vui. Tôi nhận ra mình không nên quá áp lực về một căn nhà hoàn hảo. Thay vào đó, hãy coi đây là sự trải nghiệm và luôn sẵn sàng làm lại nếu phương án ban đầu không phù hợp.
Ngoài ra, với những người có ngân sách khiêm tốn, tôi cho rằng chia việc hoàn thiện thành 2 hay nhiều giai đoạn sẽ bớt áp lực hơn.
Nhà của tôi được chia thành 2 giai đoạn. Trước khi vào ở, tôi chỉ hoàn thiện cơ bản, tiếp theo mua sắm đồ nội thất, trang trí và những vật dụng cần thiết cho việc sinh hoạt. Đến nay, căn hộ đã khá đầy đủ và đáp ứng mong muốn của bản thân.
Trong quá trình thiết kế, tôi đặt ra 3 tiêu chí là "lagom" - vừa đủ, "cozy" - ấm cúng, thư giãn và "flexible" - linh hoạt, nội thất rời, dễ thay đổi. Tôi không đi theo một phong cách cụ thể, mà chỉ muốn không gian tạo cảm giác thoải mái, được là chính mình.
Một số đồ nội thất như bàn, tủ cũng được tôi thiết kế trên PowerPoint và đặt làm tại xưởng. Để ra được thành phẩm như ý, tôi phải vẽ và miêu tả chi tiết từ kích thước đến màu sắc, chất liệu và cả các ngăn bên trong.
Tủ bếp do chủ đầu tư bàn giao có màu khá tối, không phù hợp với phong cách chung. Trên tinh thần tiết kiệm nhất có thể, tôi giữ lại phần tủ bên trong và thay cánh tủ thành màu xanh xám lông chuột. Cánh tủ cũ cũng được tận dụng, cắt thành các thanh ngang chia bên trong để tiện cho việc lưu trữ.
Một thiết kế khác khiến tôi đau đầu nhưng cũng rất ưng ý là chiếc tủ giày kiêm luôn đảo bếp di động và quầy bar. Tủ giày gồm 4 ngăn, cao hơn mặt bếp một chút và có mặt trên bằng đá trắng, phần gỗ bên dưới tiệp màu với tủ bếp.
Thông thường, tủ sẽ được đặt cạnh cửa chính để ngăn bếp với cửa, tạo thành khu vực lối vào (nơi để tháo giày, cất đồ). Đôi khi, tôi sẽ kéo chiếc tủ giày ra khu trung tâm để biến thành đảo bếp. Nếu muốn có quầy bar, tôi chỉ cần kê thêm 2 chiếc ghế cao là có nơi tụ tập cùng bạn bè và góc làm việc tại gia.
Bếp có thiết kế mở cũng là điểm khiến tôi tâm đắc, dù mọi người thường cho rằng như vậy sẽ khiến nhà "ám mùi thức ăn", "bừa bộn thì không che được". Tuy nhiên, tôi lại thích cảm giác đứng trong bếp nấu nướng và trò chuyện cùng người thân, bạn bè.
Ban đầu, tôi không có ý định thay sàn nhà. Nhưng sau thời gian sinh sống, tôi đã phải lát sàn gỗ vì mạch gạch lát nền bị đen đi theo thời gian, tạo cảm giác thiếu sạch sẽ, ấm cúng. Để tiết kiệm chi phí, tôi không thuê đơn vị thi công mà tự chọn vật liệu và tự lát sàn. Mất khoảng 10 tiếng, hai chị em mới hoàn thành dự án nhỏ này.
Lô gia là tấm rèm xanh giúp cản nắng cho ngôi nhà. Tại đây, tôi trồng nhiều cây chơi hoa, lá, cây ăn trái và cả cây gia vị.
Theo tôi ước tính, chi phí mua sắm đồ nội thất và thiết bị gia dụng, điện tử cho căn hộ rơi vào khoảng 200 triệu đồng.