Cô gái được 139 đại học Mỹ tiếp nhận với học bổng 8,7 triệu USD
Nữ sinh Normandie Cormier (18 tuổi) sống ở Louisiana (Mỹ) vừa mới được 139 trường đại học nhận vào với tổng số tiền học bổng lên tới 8,7 triệu USD. 115 triệu bé trai đã kết hôn sớm với tỷ lệ cứ 5 trẻ thì có 1 người lấy vợ trước khi bước sang tuổi 15; Nghị sĩ chuyển giới Tanwarin Sukkhapisit muốn thay đổi đời sống của giới LGBT ở Thái Lan là những tin giới nổi bật ngày 9/6.
1. Cô Normandie Cormier vừa tốt nghiệp trường Early College Academy, nơi có chương trình đặc biệt dành cho học sinh vừa học trung học vừa lấy lớp cấp đại học cộng đồng 2 năm. Ngoài việc đi học, Cormier còn tham gia các chương trình tại các nhà hưu dưỡng địa phương, theo phụ giúp các bác sĩ trong bệnh viện và dạy kèm các học sinh khác.
Sở dĩ Cormier được nhiều trường nhận học, là do cô dùng “Common App” và “Common Black College App” để nộp đơn xin học vào nhiều trường cùng một lúc, và chỉ cần làm đơn một lần, thay vì nhiều lần.
Dù được 139 trường đại học nhận vào học nhưng Cormier chỉ có thể chọn một đại học và cô chọn Đại học Xavier Louisiana, một trường đại học tư nhân dành cho Cormier học bổng toàn phần. Cô muốn trở thành bác sĩ và Xavier Louisiana là nơi đào tạo bác sĩ giỏi ở Mỹ.
2. Theo dữ liệu dân số và tình trạng hôn nhân tại 82 nước của Tổ chức Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF), Cộng hòa Trung Phi có tỷ lệ “chú rể tảo hôn” cao nhất với 28%, sau đó là Nicaragua 19% và Madagascar 13%.
UNICEF cho biết khoảng 115 triệu bé trai đã kết hôn sớm với tỷ lệ cứ 5 trẻ thì có 1 người lấy vợ trước khi bước sang tuổi 15.
Tính trên toàn cầu, cứ 5 phụ nữ thì có 1 người ở độ tuổi từ 20-24 tuổi kết hôn trước khi bước sang tuổi 18 so với tỷ lệ cứ 30 nam giới thì có 1 người. UNICEF cho rằng những trẻ em kết hôn sớm có xu hướng bỏ học, cơ hội kinh tế hạn hẹp và dễ bị lạm dụng cũng như dễ gặp phải những vấn đề về sức khỏe hơn so với những trẻ khác.
Những cậu bé sớm bước vào hôn nhân buộc phải gánh vác trách nhiệm của người trưởng thành, cũng như vai trò làm cha trong khi chưa sẵn sàng. Khi đó, các em sẽ đối mặt với áp lực gia tăng để nuôi sống bản thân và cả gia đình, ít có cơ hội được học tập và làm việc. Đối với các bé gái, tảo hôn khiến các em có nguy cơ gặp phải những vấn đề về sức khỏe sinh sản.
Liên hợp quốc nhấn mạnh đến năm 2030, tất cả các nước cần chấm dứt nạn tảo hôn để đạt được các mục tiêu phát triển bền vững đề ra từ năm 2015..
3. Nghị sĩ chuyển giới Tanwarin Sukkhapisit muốn dùng vị trí của mình trong quốc hội để thúc đẩy quyền bình đẳng cho người chuyển giới tại Thái Lan. Cô là người tiên phong trong một xã hội mà sự phân biệt đối xử với cộng đồng người đồng tính, song tính và chuyển giới (LGBT) về giáo dục, việc làm và trong gia đình vẫn còn tồn tại.
Nghị sĩ Tanwarin Sukkhapisit mong muốn bước vào chính trường sau khi thành công trên vai trò là đạo diễn phim. Mục tiêu đầu tiên của cô là thay đổi định nghĩa pháp lý về hôn nhân nhằm đưa Thái Lan trở thành nơi thứ hai tại châu Á sau Đài Loan (Trung Quốc) cho phép hôn nhân đồng giới.
Dự luật hôn nhân đồng giới đã được đề xuất tại Thái Lan nhưng bị chìm đi giữa những bất ổn về chính trị và các nhóm nhân quyền cho rằng cần phải có hành động để thay đổi thực trạng này.