Cô gái được ghép gan đầu tiên tại Việt Nam qua đời ở tuổi 25

Sau gần 17 năm thực hiện ca ghép gan từ người cho sống cùng huyết thống đầu tiên ở Việt Nam, Nguyễn Thị Diệp, xã Hải Minh, huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định đã ra đi vào rạng sáng 29-11 ở tuổi 25.

Anh Nguyễn Quốc Phòng (bố của Diệp) cho biết, Bệnh viện Quân y 103, Học viện Quân y đang nỗ lực tìm nguồn gan để ghép cho Diệp lần 2, nhưng do Diệp bị xơ gan quá nặng, dẫn đến xuất huyết dạ dày và nhiều cơ quan nội tạng, nên đã không chờ được ca ghép này.

“Tuần trước Diệp từ viện về gia đình, sức khỏe tuy yếu nhưng em vẫn trò chuyện bình thường. Ngày 26-11, anh Phòng đưa Diệp trở lại Bệnh viện Quân y 103 để tiếp tục điều trị. 5 giờ sáng 28-11, Diệp được chuyển vào Trung tâm Hồi sức cấp cứu và Chống độc, Bệnh viện Quân y 103. Các bác sĩ, chuyên gia của Bệnh viện Quân y 103 đã nỗ lực cứu chữa Diệp, song do Diệp bị xuất huyết nhiều cơ quan nội tạng, máu chảy không cầm, phải thở máy, bệnh tình diễn biến nguy kịch, nên 21 giờ 28-11, gia đình đã xin cho Diệp về nhà. Đến 1 giờ sáng nay (29-11), Diệp đã ra đi”, anh Phòng cho biết.

Ca ghép gan cho Nguyễn Thị Diệp là ca ghép gan đầu tiên tại Việt Nam thực hiện vào tháng 1-2004, khi đó Nguyễn Thị Diệp mới 9 tuổi. Đây là một ca ghép gan lịch sử do các y sĩ, bác sĩ tham gia ca ghép đến từ Học viện Quân y, Bệnh viện Quân y 103, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, Bệnh viện Bạch Mai và cá chuyên gia Nhật Bản... thực hiện tại Bệnh Viện Bỏng quốc gia Lê Hữu Trác (Học viện Quân y).

Sau ghép gan, sức khỏe của Nguyễn Thị Diệp tiến triển rất tốt. Diệp thi đỗ vào Trường Cao đẳng Quân y 1 ở Sơn Tây, Hà Nội. Khi ra trường, Diệp được về làm việc tại Khoa Dược, Bệnh viện Quân y 103, Học viện Quân y.

Theo Đại tá, PGS, TS Bùi Văn Mạnh, Giám đốc Trung tâm Hồi sức cấp cứu và Chống độc, Bệnh viện Quân y 103, quá trình thải ghép của Nguyễn Thị Diệp âm thầm diễn ra nhiều năm, tuy nhiên gần đây gặp phải những đợt thải ghép mãn tính. Do cấu trúc giải phẫu phần gan lấy để ghép cho Diệp có những biến đổi về mặt mạch máu, về tổ chức, nên chức năng tạng của em đã bắt đầu vào giai đoạn xấu, bệnh viện đã tính đến chuyện ghép gan lần 2 cho em, thời gian ghép lúc nào còn phụ thuộc vào sức khỏe của bệnh nhân. Tuy nhiên, sức khỏe của Nguyễn Thị Diệp đã không cho em cơ hội một lần nữa được sống.

“Ca ghép gan của bệnh nhân Nguyễn Thị Diệp đến nay được gần 17 năm, là mức tương đối tốt của thế giới về ghép tạng”, Đại tá, PGS, TS Bùi Văn Mạnh nhấn mạnh.

Kể từ ca ghép năm 2004 cho Nguyễn Thị Diệp, đến nay ghép gan đã trở thành kỹ thuật quen thuộc thực hiện tại nhiều bệnh viện ở Việt Nam. Sau khi thực hiện ghép gan (kỹ thuật ghép tạng thứ 2 thực hiện tại Việt Nam sau ghép thận), các bác sĩ Việt Nam đã thực hiện được ghép tim, ghép phổi, ghép ruột non, ghép chi thể... nhiều người bệnh đã được cứu sống.

VƯƠNG THÚY

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/xa-hoi/y-te/co-gai-duoc-ghep-gan-dau-tien-tai-viet-nam-qua-doi-o-tuoi-25-645153